Từ 0 giờ ngày 1/4, Trạm thu phí hoàn vốn dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1, đoạn từ Ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn (gọi tắt là Trạm thu phí Xa lộ Hà Nội) bắt đầu hoạt động.
Ghi nhận trong buổi sáng ngày đầu tiên thu phí, vào khung giờ cao điểm từ 7 giờ đến 7 giờ 30, trước Trạm thu phí Xa lộ Hà Nội theo hướng đi trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra ùn tắc giao thông.
Vào khoảng 7 giờ ngày 1/4, trước trạm thu phí Xa lộ Hà Nội theo hướng đi trung tâm thành phố đã xảy ra ùn tắc giao thông. Dòng xe ôtô xếp hàng dài kéo dài hàng trăm mét để chờ qua trạm. Trong khi đó, làn đường hỗn hợp xe máy, xe buýt... cũng có hàng dài phương tiện.
Lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, thanh niên xung phong đã có mặt hỗ trợ phân luồng cũng như đảm bảo an ninh trật tự qua khu vực. Dù ùn tắc giao thông nhưng không xảy ra tình trạng mất an ninh, phản ứng của tài xế.
[Xây dựng cầu Bình Khánh trên tuyến cao tốc Bắc-Nam qua TP Hồ Chí Minh]
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc điều hành dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, cho biết trong ngày đầu tiên thu phí qua trạm Xa lộ Hà Nội giao thông tương đối ổn định. Tuy nhiên, vào khung giờ cao điểm lưu lượng xe hơi lớn so với khung giờ khác nên xảy ra ùn ứ. Ngoài ra, trong ngày đầu tiên thu phí, nhiều phương tiện vô tình lưu thông vào làn thu phí tự động làm cho xe dồn lại phía sau.
Theo ông Nam, trong thời gian thu phí đơn vị sẽ tùy tình huống thực tế để điều phối nhịp nhàng. Đồng thời, đơn vị sẽ phối hợp với những đơn vị chức năng như cảnh sát giao thông, thanh niên xung phong để điều tiết giao thông thông; đồng thời, phối hợp và theo sự chỉ dẫn của Sở Giao thông Vận tải để đặt thêm các biển báo, mở thêm đường cho làn xe máy rẽ vào các đường ngang để cho các phương tiện giao thông thông thoáng hơn.
Phía công ty cũng mong muốn các chủ phương tiện liên hệ văn phòng trạm hoặc gọi điện đến số điện thoại 0909.730.736 để được tư vấn về việc sử dụng thẻ thu phí điện tử không dừng.
Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1 dài 15,7km, quy mô 12-16 làn xe. Trong đó, trục đường chính nằm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh dài 13,3km, còn 2,4km nằm trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Hiện nay, toàn bộ trục đường chính từ cầu Sài Gòn đến cuối nút giao Đại học Quốc gia đã đưa vào sử dụng. Trục đường song hành bên phải hoàn thành 93% và bên trái hoàn thành 74%. Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 4.900 tỷ đồng.
Về việc thu phí qua trạm, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Trạm thu phí Xa lộ Hà Nội trước đây chỉ mới thu phí để hoàn vốn dự án cầu Rạch Chiếc, chưa tiến hành thu cho dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1.
Trục chính của dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2012, đến nay mới bắt đầu thu phí hoàn vốn chứ không phải là “thu phí trở lại."
Về giá cước, trong giai đoạn 1/4/2021-31/3/2022, mức vé thấp nhất cho xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng là 25.000 đồng/lượt. Mức vé cao nhất dành cho xe tải có tải trọng trên 18 tấn, xe chở hàng bằng container 40 ft là 140.000 đồng/lượt.
Trong giai đoạn tiếp theo, mức giá vé thấp nhất theo vé lượt là 28.000 đồng/lượt với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có trải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng; mức giá cao nhất là 155.000 đồng/lượt với xe tải có tải trọng trên 18 tấn, xe chở hàng bằng container 40 ft.
Người dân ở mặt tiền đường song hành Xa lộ Hà Nội được giảm 50% mức thu đối với ôtô dưới 12 chỗ không sử dụng để kinh doanh, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn trên 6 tháng trước ngày Trạm thu phí Xa lộ Hà Nội đi vào hoạt động.
Chủ sở hữu sử dụng các phương tiện này phải sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC) và có hồ sơ xác nhận của địa phương về cư trú và của Sở Giao thông Vận tải về việc không sử dụng phương tiện để kinh doanh./.