Haleema Yousef cùng với chồng và 5 người con sinh sống trong một cái lán dựng tạm bợ ở Kubwa, ngoại ô thủ đô Abuja của Nigeria.
Chốn “chui ra chui vào” của gia đình gồm 7 người này cũng là nơi Haleema kiếm sống bằng nghề vẽ henna (một hình thức xăm không vĩnh viễn).
Haleema cũng làm thêm nhiều công việc khác để nuôi sống gia đình như giúp việc hay nối tóc.
Tuy nhiên, người phụ nữ này lo ngại rằng cô có thể có thêm những đứa con khi mà cuộc sống mưu sinh còn nhiều khó khăn, vất vả.
Mặc dù vậy, Haleema không dám sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình vì người chồng không cho phép.
“Anh ấy sẽ rất tức giận và không có chuyện tôi sẽ sử dụng nó (biện pháp tránh thai) mà anh ấy không biết. Tôi không muốn gặp rắc rối cho bản thân,” Haleema chia sẻ.
Đây không phải câu chuyện duy nhất về tình trạng mang thai ngoài ý muốn tại Nigeria, nơi có 2,5 triệu trường hợp mang thai không mong muốn mỗi năm.
Tại bang nông thôn Jigawa ở miền Bắc Nigeria, nơi tỷ lệ phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai chỉ ở mức một con số, Zaliha Alhassan khi ở tuổi 35 đã có 8 đứa con và 2 lần sảy thai, trong khi Hadiza Damina có 3 đứa con và 6 lần sảy thai.
Giới chuyên gia y tế Nigeria nhận định việc áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại nhằm kiểm soát số lượng trẻ em và khoảng thời gian giữa các lần sinh nở giúp người phụ nữ phục hồi sức khỏe, vẫn là một trong những vấn đề y tế gây tranh cãi ở quốc gia Tây Phi này.
Nhiều yếu tố như tôn giáo và truyền thống văn hóa là những cái cớ để bào chữa cho việc không sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.
Bên cạnh đó, tình trạng bất bình đẳng giới dựa trên những chuẩn mực xã hội cũng được cho là một nguyên nhân cản trở việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình tại Nigeria.
Việc không được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục để “giãn con” đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng tại Nigeria.
Giáo sư chuyên sản khoa Abubakar Panti ở bang Sokoto cho rằng nhu cầu về các biện pháp tránh thai không được đáp ứng là một yếu tố góp phần dẫn đến tỷ lệ tử vong ở mẹ cao tại Nigeria vì mỗi lần mang thai sẽ làm tăng thêm nguy cơ tử vong do các biến chứng trong quá trình sinh nở cũng như nạo, phá thai không an toàn.
Không chỉ ảnh hưởng đến người mẹ, những đứa trẻ sinh ra khi mà cơ thể người mẹ chưa thực sự sẵn sàng mang thai, cũng không thể phát triển khỏe mạnh và có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, còi cọc.
Nigeria hiện là quốc gia có số trẻ em thấp còi cao thứ hai trên thế giới khi có đến 32% trẻ em dưới 5 tuổi thuộc diện này. Ước tính, ở quốc gia Tây Phi này có khoảng 2 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính, nhưng cứ 10 trẻ bị ảnh hưởng thì chỉ có 2 trẻ được điều trị.
Những câu chuyện trên cho thấy nhiều phụ nữ ở Nigeria không thể, thậm chí không dám sử dụng các biện pháp tránh thai, đồng nghĩa với việc không có quyền quyết định tự bảo vệ cơ thể mình.
Không chỉ Nigeria, thực trạng này cũng đang xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Báo cáo Tình trạng dân số thế giới 2021 với chủ đề “Cơ thể tôi là của tôi: Mưu cầu quyền tự chủ và tự quyết” của Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cho thấy, gần một nửa số phụ nữ tại 57 quốc gia đang phát triển không thể tự đưa ra các quyết định của chính mình về việc sử dụng biện pháp tránh thai, việc đến bác sỹ thăm khám và khả năng nói “có” hoặc “không” với quan hệ tình dục.
[UNFPA: Ưu tiên chăm sóc sức khỏe sinh sản cho tất cả mọi người]
Giám đốc điều hành UNFPA, Tiến sỹ Natalia Kanem cho rằng thực tế là hàng trăm triệu phụ nữ và trẻ em gái trên thế giới không được sở hữu, kiểm soát thân thể của chính mình, thay vào đó cuộc sống của họ bị những người khác chi phối, dù đáng ra họ có quyền tự quyết về vấn đề này.
Đây là lần đầu tiên báo cáo của Liên hợp quốc tập trung vào chủ đề tự chủ thân thể. Không chỉ khiến từng cá nhân là phụ nữ và trẻ em gái bị tổn thương sâu sắc, việc không có quyền quyết định đối với cơ thể mình còn gây ra những tác động to lớn, như nguy cơ làm giảm năng suất kinh tế, suy giảm kỹ năng, gia tăng chi phí cho hệ thống y tế và tư pháp.
Thậm chí, việc phủ nhận quyền tự chủ thân thể là hành vi vi phạm quyền cơ bản của phụ nữ và trẻ em gái, làm gia tăng bất bình đẳng và tiếp tay cho tình trạng bạo lực do phân biệt giới tính.
Tiến sỹ Kanem nhận định việc này không khác gì sự “hủy diệt” con người về mặt tinh thần , do đó cần phải được ngăn chặn.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài sang năm thứ hai liên tiếp, nhiều quốc gia đã và đang phải áp đặt các biện pháp hạn chế, phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, thậm chí còn cắt giảm những dịch vụ y tế không thiết yếu tại các bệnh viện để tập trung điều trị cho bệnh nhân COVID-19 vốn đã quá tải, trong đó có lĩnh vực sức khỏe sinh sản và tình dục.
Việc gián đoạn trong hệ thống cung cấp các biện pháp tránh thai sẽ làm gia tăng mạnh số ca mang thai ngoài ý muốn.
Theo nghiên cứu của UNFPA, đại dịch COVID-19 đã khiến khoảng 12 triệu phụ nữ trên thế giới mất quyền tiếp cận với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, bao gồm cả việc kiểm soát sinh sản và các biện pháp tránh thai.
Trước thực trạng đáng báo động kể trên, vào Ngày Dân số thế giới năm nay (11/7), UNFPA đã nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề đảm bảo sức khỏe sinh sản.
Với chủ đề “Quyền và lựa chọn là câu trả lời: Dù là bùng nổ hay suy giảm dân số, giải pháp để thay đổi tỷ suất sinh luôn nằm ở việc ưu tiên vấn đề sức khỏe sinh sản và quyền sinh sản của tất cả mọi người,” UNFPA kêu gọi ưu tiên sức khỏe sinh sản và quyền sinh sản cho mọi người thông qua việc tiếp cận thông tin và dịch vụ trước sự thay đổi về mức sinh và nhân khẩu học.
Truyền thông sẽ là “cầu nối” quan trọng để những thông tin về kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, cũng như sức khỏe tình dục, có thể đến được với người dân một cách thiết thực và hiệu quả.
Trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19, khủng hoảng y tế có thể bị lợi dụng như một cái cớ để hạn chế hoặc từ chối tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em gái có quyền ra quyết định, quyền tự chủ, tự do đi lại hoặc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Do đó, UNFPA khuyến cáo cần chống lại những biện pháp, chính sách cực đoan, có thể gây tác hại nghiêm trọng nếu chúng vi phạm quyền, sức khỏe và quyền lựa chọn của con người.
UNFPA cũng nhấn mạnh phụ nữ cần phải được giáo dục, tham gia làm kinh tế và làm chính trị để có thể tự đưa ra những lựa chọn, quyết định liên quan đến cơ thể mình và mong muốn sinh con của bản thân.
Bác sỹ sản khoa thuộc Bệnh viện đại học Ibadan ở bang Oyo, Christopher Aimakhu cho rằng nếu phụ nữ ở Nigeria được tiếp cận đầy đủ các biện pháp kế hoạch hóa gia đình cũng như thường xuyên được sử dụng các dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục, tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn sẽ giảm 77%, từ 2,5 triệu xuống còn 555.000 trường hợp mỗi năm.
Theo đó, số ca sinh nở vỡ kế hoạch hàng năm sẽ giảm từ 885.000 xuống 200.000 và số ca nạo phá thai sẽ giảm từ 1,3 triệu xuống 287.000.
Trong khi đó, Giáo sư Panti nhận định 1/3 số trường hợp tử vong liên quan đến mang thai và sinh đẻ có thể tránh được nếu phụ nữ được tiếp cận với các dịch vụ tránh thai. Do đó, ông kêu gọi tăng cường đầu tư vào việc mua sắm và cập nhật các biện pháp tránh thai, đặc biệt là ở cấp nhà nước.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên toàn cầu, hàng năm có 74 triệu phụ nữ sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình mang thai ngoài ý muốn.
Điều này dẫn đến 25 triệu ca nạo, phá thai không an toàn và 47.000 ca tử vong ở bà mẹ mỗi năm.
Trong khi đó, số liệu của UNFPA cho thấy trên thế giới hiện nay chỉ có 71% quốc gia đảm bảo phụ nữ được tiếp cận gói dịch vụ chăm sóc thai sản tổng thể và chỉ có 75% quốc gia đảm bảo người dân được tiếp cận các biện pháp tránh thai một cách hợp pháp, đầy đủ và bình đẳng.
Và cũng chỉ 56% quốc gia có các văn bản pháp luật và chính sách hỗ trợ các chương trình giáo dục giới tính toàn diện.
Do đó, việc trao quyền tự quyết và tự chủ bản thân cho phụ nữ và trẻ em gái là vô cùng cần thiết nhằm nâng cao chất lượng dân số, chất lượng giống nòi - nguồn lực thúc đẩy sự phát triển của gia đình, cộng đồng và đất nước.
Theo nhận định của Giám đốc điều hành UNFPA Kanem, một khi có quyền kiểm soát thân thể chính mình, phụ nữ có thể được trao quyền trong các lĩnh vực khác trong cuộc sống.
Từ đó, phụ nữ sẽ có cơ hội để phát triển bản thân, và gia đình, cộng đồng, đất nước cũng được hưởng lợi từ sự phát triển này./.