Ngày cuối nghỉ Tết: Người dân ùn ùn về Thủ đô, ôtô xếp hàng dài vào cửa ngõ

Kết thúc kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, người dân ùn ùn trở về Thủ đô với lỉnh kỉnh đồ đạc và cửa ngõ Thủ đô đông nghịt phương tiện xếp hàng dài nối đuôi nhau vào nội thành.
Phương tiện nối đuôi nhau xếp hàng dài trở về Thủ đô trong ngày cuối kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Kết thúc ngày nghỉ cuối cùng của dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, chiều ngày 14/2 (tức ngày 5 Tết), người dân tại các tỉnh, thành ùn ùn đổ về Thủ đô.

Sau bữa cơm trưa, anh Trần Duy Nam (thành phố Ninh Bình) vội vã nhờ người thân chở ra bến xe Ninh Bình để di chuyển lên Hà Nội với tâm lý đi sớm không lo ngại tắc đường vào mỗi dịp Tết.

Khi lên xe, anh Nam thấy số lượng khách chiếm khoảng nửa xe nên chỗ ngồi khá thoải mái. Tuy nhiên, dọc hành trình, phụ xe liên tục đón khách dọc đường từ Ninh Bình đến tỉnh Hà Nam. Vì thế, xe mỗi lúc một đông.

“Lượng người trên xe đã lấp đầy ghế ngồi, phụ xe vội xếp ghế nhựa dọc lối đi để ‘nhồi’ thêm khách. Đi đến thành phố Phủ Lý, tài xế cứ tấp vào lề đường thì lại có khách lên,” anh Nam nói.

Theo anh Nam, giá vé xe khách ngày thường cho hành trình Ninh Bình-Hà Nội chỉ là 80.000 đồng, nhưng vào thời điểm Tết này nhà xe tự ý cho giá vé đồng hạng lên tới 100.000 đồng, bất kể khách đón xe từ Hà Nam đi lên cũng chịu chung mức giá này.

Hành khách đứng chờ lấy đồ đạc, hành lý sau hành trình từ quê trở về Thủ đô trong ngày cuối kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Ghi nhận của phóng viên, ngay từ khoảng 15 giờ chiều, xe khách từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Ninh Bình lần lượt xếp hàng vào trong khu vực trả khách. Ngay sau khi xe dừng, khách vội vàng xuống lấy hành lý và tiếp tục hành trình về nơi ở.

Tại bến xe Giáp Bát, các xe khách liên tục vào bến “cõng” theo một lượng lớn hành khách. Ai cũng lộ rõ vẻ mệt mỏi sau hành trình về Thủ đô để chuẩn bị cho ngày làm việc mới. Đặc biệt, các tuyến đường gần bến xe Giáp Bát, rất đông cánh tài xế xe Grab và xe ôm truyền thống đứng chèo kéo khách. Ngay dọc trục đường Giải Phóng, nhiều xe khách không vào bến mà tấp ngay sát lề đường để trả khách.

Theo lãnh đạo Bến xe Giáp Bát, thời điểm đông khách nhất của ngày cuối kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay sẽ rơi vào khoảng từ 15-19 giờ ngày 14/2 và trong sáng ngày 15/2. So với ngày thường, lượng khách đổ về bến tăng khoảng gấp 2 lần và tập trung chủ yếu ở các tuyến hành trình ở các tỉnh, thành Nam Định, Thanh Hoá, Thái Bình,…

Tại Bến xe Mỹ Đình, các tuyến xe từ Lào Cai, Hà Giang, Phú Thọ liên tục nối đuôi nhau chở khách về bến. Dọc đường Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, lượng phương tiện đông đúc và khi đến các ngã tư đèn đỏ bị ùn ứ cục bộ. Lực lượng chức năng đã ứng trực để phân luồng, điều tiết và hướng dẫn giao thông nhằm “hạ nhiệt” ùn tắc.

Người dân tay xách lỉnh kỉnh đồ đạc từ các tỉnh thành trở về Thủ đô để chuẩn bị bắt đầu ngày làm việc mới. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Đại diện Bến xe Mỹ Đình cho hay do mai là ngày làm việc đầu năm mới nên chiều nay rất đông người dân đổ xô về Thủ đô. Bến xe đã có kế hoạch bố trí nhân viên điều hành tại cửa ra vào bến, phối hợp với lực lượng Cảnh sát Giao thông, Thanh tra Giao thông, Công an phường nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

“Lượng khách sẽ phân bổ trải dàn đều trong chiều nay và sáng ngày mai. Có thời điểm đông xe khách về bến sẽ dẫn đến ùn ứ nhưng nhanh chóng được giải tỏa kịp thời. Bến xe đã huy động 100% quân số ứng trực để phục vụ hành khách,” đại diện Bến xe Mỹ Đình nói.

Tại nút giao Liêm Tuyền trên tuyến Cao tốc Ninh Bình-Cầu Giẽ bị ùn ứ cục bộ, lượng xe từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình đi từ Quốc lộ 21 lên Cao tốc Ninh Bình-Pháp Vân quá đông nên phải chầm chậm nhích từng mét.

Phương tiện đông nghịt, nhích từng mét tại nút giao Liêm Tuyền trên tuyến Cao tốc Ninh Bình-Pháp Vân. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ở trạm thu phí BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ, phương tiện về thành phố Hà Nội lưu thông với mật độ rất đông. Lượng phương tiện trên tuyến tăng cao nên có lúc bị dồn ứ cục bộ tại một số vị trí, tuy nhiên không có ùn tắc kéo dài. Tại điểm cuối tuyến Cao tốc Pháp Vân giao với đường Vành đai 3 trên cao, xe xếp dài hàng cây số theo hướng về nội thành.

Càng về cuối giờ chiều, lượng phương tiện xe khách nối đuôi nhau chờ vào cửa ngõ và các bến xe mỗi lúc một đông.

Để bảo đảm giao thông đón luồng phương tiện từ các tỉnh về Thủ đô sau kỳ nghỉ Tết, lãnh đạo Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thông tin, đơn vị đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an thành phố Hà Nội) ứng trực 100% quân số, chốt trực tại các tuyến giao thông cửa ngõ Thủ đô và sẽ được duy trì cho đến hết cao điểm.

Ngày nghỉ Tết cuối cùng trước khi trở lại công việc, 14/2/2024 (mùng 5 Tết), hành khách qua Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài ghi nhận đạt khoảng 550 lượt chuyến bay với gần 90.000 lượt hành khách (cả quốc tế và quốc nội).

Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài ghi nhận đạt khoảng 550 lượt chuyến bay với gần 90.000 lượt hành khách trong ngày cuối kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp tăng cường an ninh cấp độ 1 từ ngày 6/2 cho đến hết ngày 16/2. Các biện pháp phục vụ hành khách cao điểm trước và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn đã được cảng phối hợp với các đơn vị trong dây chuyền phục vụ tính toán kỹ lưỡng và triển khai chi tiết đến các đơn vị, bộ phận có liên quan.

“Tính chung trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, ước tính Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài đã phục vụ khoảng 3.500 lượt chuyến bay với hơn 550.000 lượt hành khách đi và đến an toàn tuyệt đối qua cảng,” lãnh đạo Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục