Kết thúc 5 ngày nghỉ lễ 30/4-1/5, ngay chiều 3/5, người dân các tỉnh, thành ùn ùn đổ về Thủ đô. Lượng khách về các bến xe đông hơn thường lệ nhưng không có cảnh ùn tắc.
Ghi nhận của phóng viên, ngay từ khoảng 15 giờ chiều, xe khách từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Ninh Bình lần lượt xếp hàng vào trong khu vực trả khách. Ngay sau khi xe dừng, khách vội vàng xuống lấy hành lý và tiếp tục hành trình về nơi ở.
Ngồi bệt tại ghế nghỉ để chờ người nhà ra đón, em Nguyễn Trần Khánh Vân (Thanh Liêm, Hà Nam) tỏ vẻ mệt mỏi sau hành trình dài hơn 2 tiếng trở về Thủ đô.
Sau bữa cơm trưa, Vân được bố chở ra ngay đường Quốc lộ 1 để đón xe lên Hà Nội. Đứng chờ chừng 15 phút, em cuối cùng cũng lên được xe khách tuyến Ninh Bình-Giáp Bát.
“Lượng người trên xe đã lấp đầy ghế ngồi, phụ xe vội xếp ghế nhựa dọc lối đi để ‘nhồi’ thêm khách. Đi đến thành phố Phủ Lý, tài xế cứ tấp vào lề đường thì lại có khách lên,” Vân nói.
Theo Vân, giá vé xe khách ngày thường cho hành trình Thanh Liêm-Hà Nội chỉ là 70.000 đồng, nhưng vào thời điểm này nhà xe tự ý cho giá vé đồng hạng lên tới 100.000 đồng, giống như khách từ thành phố Ninh Bình lên Thủ đô.
Tại bến xe Giáp Bát, các xe khách liên tục vào bến “cõng” theo một lượng lớn hành khách. Ai cũng lộ rõ vẻ mệt mỏi sau hành trình về Thủ đô để chuẩn bị cho ngày làm việc mới. Đặc biệt, các tuyến đường gần bến xe Giáp Bát, rất đông cánh tài xế xe Grab và xe ôm truyền thống đứng chèo kéo khách. Ngay dọc trục đường Giải Phóng, nhiều xe khách không vào bến mà tấp ngay sát lề đường để trả khách.
[Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc trở lại Thủ đô sau kỳ nghỉ lễ dài 5 ngày]
Theo lãnh đạo các bến xe ở Hà Nội, thời điểm đông khách nhất của kỳ nghỉ 30/4-1/5 sẽ rơi vào khoảng từ 15-19 giờ ngày 3/5 và trong sáng ngày 4/5. So với ngày thường, lượng khách đổ về bến tăng khoảng 50-70% và tập trung chủ yếu ở các tuyến đường như Quảng Ninh, Thanh Hoá, Phú Thọ, Thái Bình, Lào Cai,…
Càng về cuối giờ chiều, lượng phương tiện nối đuôi nhau chờ vào cửa ngõ và các bến xe mỗi lúc một đông.
Trong trong dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30/4-1/5 (từ ngày 29/4-3/5/2023), đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã nhận hơn 30 ý kiến phản ánh từ người dân (bao gồm tin nhắn và cuộc gọi); giảm so với kỳ nghỉ lễ năm 2022.
“Nội dung phản ánh chủ yếu về tình trạng chở quá số người, nhồi nhét khách, thu tiền quá giá vé quy định; va chạm giao thông, tình trạng ùn tắc giao thông tại một số tuyến đường, tại một số trạm thu phí và các khu vực du lịch nghỉ dưỡng,” ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho hay.
Sau khi nhận được điện thoại trên đường dây nóng, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý các thông tin được phản ánh.
Tại trạm thu phí BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ, phương tiện về thành phố Hà Nội lưu thông bình thường. Lượng phương tiện trên tuyến tăng cao nên có lúc bị dồn ứ cục bộ tại một số vị trí, tuy nhiên không có ùn tắc dài. Một số thời điểm, tại điểm đầu tuyến giao với đường Vành đai 3 trên cao ùn ứ nhẹ theo hướng về nội thành.
Ông Vũ Ngọc Oánh, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ cho hay, trong đợt nghỉ lễ dịp 30/4-1/5, lưu lượng trên tuyến đã tăng cao đột biến. Bình thường lưu lượng 65.000 lượt xe/ngày đêm, tính bình quân từ ngày 29/4-3/5, tuyến cao tốc này có bình quân trên 100.000 lượt xe/ngày đêm.
Dưới đây là một số hình ảnh của phóng viên VietnamPlus ghi nhận tại bến xe khi người dân hối hả trở về Hà Nội sau kỳ nghỉ 30/4-1/5: