Ngày càng nhiều người lao động Malaysia bày tỏ lo ngại về sự ổn định tài chính và công việc trong bối cảnh nền kinh tế đang suy thoái do tái cấu trúc doanh nghiệp trên toàn thế giới, cộng với chi phí vận hành gia tăng cùng lãi suất cao.
Theo kết quả khảo sát được công ty quản lý nhân sự Randstad Malaysia công bố ngày 12/4, có tới 60% số người tham gia khảo sát ở nước này tỏ ra lo ngại về nguy cơ mất việc làm.
Mặc dù 80% số người được hỏi lo lắng rằng bất ổn kinh tế sẽ ảnh hưởng đến sinh kế, nhưng 86% vẫn tin tưởng mạnh mẽ vào người sử dụng lao động sẽ cung cấp sự an toàn cho mình - Randstad cho hay.
Giám đốc Randstad Malaysia Fahad Naeem chia sẻ với những nhà tuyển dụng đã thực hiện các bước để hỗ trợ và hiểu nhân viên có giá trị và ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với người tìm việc.
Các biện pháp như cung cấp trợ cấp tạm thời cho chi phí công việc hàng ngày hoặc các khóa học hiểu biết về tài chính có thể tạo ra sự khác biệt lớn, cho phép nhân viên lập ngân sách một cách có trách nhiệm và duy trì mức độ an toàn và ổn định trong cuộc sống của người lao động - ông cho biết.
Nhiều tin tức về tái cấu trúc doanh nghiệp và sa thải nhân viên trên khắp thế giới được công bố cũng khiến gia tăng mối lo ngại về ổn định việc làm và thu nhập tại Malaysia - chuyên gia này cho hay.
Có 65% số người được hỏi khẳng định sẽ không chấp nhận lời mời làm việc mới nếu công việc không mang lại cho họ mức tăng lương đáng kể.
Tuy nhiên, cuộc khảo sát cũng chỉ ra thay vì trì hoãn các quyết định nghề nghiệp cho đến khi nền kinh tế ổn định, người lao động tại quốc gia Đông Nam Á này có xu hướng tích cực tìm kiếm việc làm để duy trì khả năng chi trả cho các dịch vụ thiết yếu và theo đuổi cuộc sống mong muốn.
[Kinh tế Malaysia đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 22 năm]
Cũng theo kết quả khảo sát, 38% số người được hỏi cho biết đã nghỉ việc do lương thấp và 34% chia sẻ đang nghĩ đến việc từ chức để có thể tìm một công việc được trả lương cao hơn nhằm trang trải chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.
Có tới 80% số người được hỏi nói rằng tình hình tài chính đang cản trở việc nghỉ hưu sớm theo mong muốn của họ.
Trong khi đó, 39% số người được hỏi khẳng định cần phải làm việc vượt quá tuổi nghỉ hưu tối thiểu - theo luật định ở Malaysia là 60 tuổi, trong khi 32% số người cho hay đang trì hoãn việc nghỉ hưu để đối phó với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.
Trong một diễn biến liên quan, Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) cuối tháng Hai vừa qua tuyên bố nền kinh tế nước này sẽ không rơi vào suy thoái trong năm nay, đồng thời công bố mức tăng trưởng mạnh hơn dự kiến của năm ngoái.
BNM đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này tìm được chỗ đứng vững chắc hơn để thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra trong những năm gần đây.
Cụ thể, dữ liệu của Cục Thống kê Malaysia cho thấy tăng trưởng của nước này trong cả năm 2022 đạt 8,7%, gần gấp ba lần mức 3,1% được ghi nhận của năm 2021 và là tốc độ cao nhất kể từ năm 2000.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích đã cảnh báo không nên quá lạc quan, lưu ý rằng nhu cầu trong nước vẫn “im ắng” và có những rủi ro đối với ngành công nghiệp điện tử quan trọng của Malaysia phát sinh từ việc sa thải nhân công và tâm lý chung về sự suy giảm trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu.
Theo Thống đốc BNM Nor Shamsiah Mohd Yunus, suy thoái kinh tế có thể không diễn ra vào năm 2023 vì nền kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng bất chấp những dự đoán trước đó về sự sụt giảm trên toàn thế giới do tác động đan xen của cuộc xung đột ở Ukraine, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và lạm phát tăng cao trong năm qua.
Bà Shamsiah nêu rõ thị trường lao động sẽ tiếp tục phục hồi, việc làm và thu nhập sẽ tiếp tục tăng./.