Ngày 19/12, ông Mai Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết đoạn từ Vành đai II đến Quốc lộ 51 dài 20km thuộc dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây do VEC làm chủ đầu tư sẽ chính thức được thông xe và đưa vào khai thác tạm ngày 30/12.
Việc đưa vào khai thác đoạn từ Vành đai II đến Quốc lộ 51 sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian đi các vùng lân cận.
Cụ thể, đoạn đường từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Long Thành sẽ chỉ còn 22km với 20 phút (đi đường cũ dài 45km, mất 60 phút); từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu chỉ còn 95km với 1 giờ 20 phút (đường cũ dài 120km mất 2,5 giờ); từ Thành phố Hồ Chí Minh đi ngã ba Dầu Giây chỉ còn 20km, mất 80 phút (đường cũ 70km mất 2,5 giờ).
Trong thời gian khai thác tạm thời, VEC cho biết các xe không được tham gia trên đường cao tốc bao gồm xe máy có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/giờ, xe lam, xe công nông, máy kéo, xe bánh xích, xe chở chất độc hại, dễ cháy nổ, người đi bộ, xe thô sơ, xe rơmooc, xe tải trọng trên 10 tấn, xe container 20-40 fit.
Vận tốc tối thiểu khi tham gia trên đường cao tốc là 60 km/giờ, còn vận tốc tối đa là 100 km/giờ.
Trong thời gian khai thác tạm thời, VEC sẽ đặt một trạm thu phí tại km11 thuộc địa phận Long Phước, quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh.
Giai đoạn 1 sẽ có 8 làn thu phí, mỗi chiều 4 làn, giai đoạn hoàn thành sẽ có 14 làn thu phí, mỗi chiều 7 làn.
Mức cước đối với xe dưới 12 chỗ, xe có tải trọng dưới 2 tấn và xe buýt vận tải khách công cộng là 2.000 đồng/km; xe từ 12-30 chỗ ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 đến dưới 4 tấn là 3.000 đồng/km; xe từ 31 chỗ trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 4.000 đồng/km.
Nhiều chủ phương tiện vận tải cho rằng giá cước thấp nhất 2.000 đồng/km mà VEC đưa ra là khá cao khi mà mức phí thấp nhất của cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương chỉ 1.000 đồng/km.
Về vấn đề này, ông Mai Tuấn Anh cho rằng mức phí trên là bình thường, nếu không có hỗ trợ của Nhà nước mức giá đó thậm chí sẽ cao hơn. Với mức phí trên, để thu hồi vốn thông qua thu cước thì sẽ phải mất 20 năm hoặc lâu hơn nữa mới hoàn vốn được.
Bên cạnh đó, ông Tuấn Anh cũng cho biết việc VEC chưa cho các loại xe container tải trọng trên 10 tấn tham gia lưu thông là do đoạn đường mới đưa vào khai thác tạm nên vòng xoay, nút giao chưa hoàn thiện, nếu các container tải trọng lớn lưu thông sẽ làm chậm, thậm chí gây kẹt xe.
Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây là tuyến đường bộ cao tốc nằm trên tuyến đường bộ cao tốc phía đông thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam từ Thành phố Hồ Chí Minh nối Quốc lộ 51, sân bay quốc tế Long Thành, Quốc lộ 1A, có tổng chiều dài 55km, vận tốc thiết kế 120 km/giờ, gồm 4 làn xe, chiều rộng nền đường 27,5m, tổng vốn đầu tư 20.630 tỷ đồng từ nguồn vay OCR của Ngân hàng ADB và vốn vay ODA của Nhật Bản cùng vốn đối ứng.
Dự án đi qua địa phận của Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai. Đoạn từ Vành đai II đến Quốc lộ 51 thuộc phạm vi gói thầu xây lắp 1A, 1B, 2, 3 do Tổng công ty cầu đường Trung Quốc (CRBC), Liên doanh Tổng Công ty xây dựng giao thông 6 (Cienco 6) - Tổng Công ty xây dựng giao thông 8 (Cienco 8), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kỹ thuật và Xây dựng POSCO (Hàn Quốc) thi công xây dựng.
Đối với đoạn đường còn lại nằm trên địa phận tỉnh Đồng Nai đang triển khai chậm do vướng giải phóng mặt bằng cũng như do thay đổi nhà thầu, dự kiến tháng 8/2015 mới hoàn thành./.