Tính từ 16h ngày 29/10 đến 16h ngày 30/10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 5.227 ca nhiễm mới, trong đó có 3 ca nhập cảnh và 5.224 ca ghi nhận trong nước (tăng 335 ca so với ngày trước đó) tại 50 tỉnh, thành phố (có 2.293 ca trong cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Thành phố Hồ Chí Minh (1.042), Đồng Nai (679), Bình Dương (665), Bạc Liêu (404), Kiên Giang (298), An Giang (231), Tiền Giang (223), Tây Ninh (203), Sóc Trăng (190), Đắk Lắk (146), Long An (106), Cần Thơ (95), Trà Vinh (82), Bình Thuận (79), Ninh Thuận (69), Gia Lai (69), Đồng Tháp (67), Hà Nội (56), Bến Tre (46), Hậu Giang (42), Cà Mau (40), Vĩnh Long (35), Phú Thọ (34), Thừa Thiên-Huế (27), Khánh Hòa (26), Bà Rịa-Vũng Tàu (25), Nam Định (24), Nghệ An (23), Bình Phước (23), Bắc Ninh (22), Hà Nam (20), Quảng Nam (19), Bình Định (16), Thanh Hóa (15), Quảng Trị (10), Phú Yên (10), Quảng Ngãi (8 ), Lâm Đồng (7), Đắk Nông (7), Kon Tum (7), Vĩnh Phúc (6), Bắc Giang (5), Quảng Bình (5), Hà Tĩnh (4), Thái Bình (3), Hải Phòng (3), Lai Châu (3), Hưng Yên (2), Đà Nẵng (2), Quảng Ninh (1).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: An Giang (-89), Hà Giang (-60), Bình Dương (-32).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Tiền Giang (+148), Ninh Thuận (+69), Thành phố Hồ Chí Minh (+65).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 4.376 ca/ngày.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 915.603 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.296 ca nhiễm).
Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 910.782 ca, trong đó có 815.519 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 13 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Kạn.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Thành phố Hồ Chí Minh (431.101), Bình Dương (232.386), Đồng Nai (65.091), Long An (34.738), Tiền Giang (16.422).
Tình hình điều trị
Số bệnh nhân khỏi bệnh: Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 2.204. Tổng số ca được điều trị khỏi: 818.336
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.831 ca, trong đó thở ôxy qua mặt nạ: 1.965; thở ôxy dòng cao HFNC: 454; thở máy không xâm lấn: 107; thở máy xâm lấn: 290; can thiệp ECMO: 15
Số bệnh nhân tử vong: Từ 17h30 ngày 29/10 đến 17h30 ngày 30/10 ghi nhận 64 ca tử vong tại Thành phố Hồ Chí Minh (30), Bình Dương (13), Bạc Liêu (5), Long An (4), Sóc Trăng (4), An Giang (3),Cần Thơ (1), Kiên Giang (1), Tây Ninh (1), Tiền Giang (1), Ninh Thuận (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 59 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.030 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.
So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tình hình xét nghiệm
Trong 24 giờ qua đã thực hiện 88.521 xét nghiệm cho 175.896 lượt người.
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 22.096.935 mẫu cho 60.129.489 lượt người.
Tình hình tiêm chủng
Trong ngày 29/10 có 1.588.192 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 80.528.570 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 56.616.780 liều, tiêm mũi 2 là 23.911.790 liều.
Những hoạt động của ngành y tế trong ngày
Bộ Y tế tiếp nhận 200.000 liều vaccine phòng COVID-19 do Chính phủ Vương quốc Campuchia trao tặng.
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh việc triển khai áp dụng Hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng chống dịch COVID-19.
Thành phố Hồ Chí Minh: Ngày 29/10, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố; các bệnh viện; Trung tâm y tế và phòng y tế các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức; các cơ sở tiêm chủng về triển khai bổ sung hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm vaccine phòng COVID-19 đối với trẻ em.
Tính đến ngày 28/10, 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho hơn 86 nghìn trẻ em từ 12 đến 17 tuổi.
Bình Dương: Từ ngày 31/10-2/11, Bình Dương tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ trên địa bàn tỉnh. Đối tượng trong đợt tiêm này là trẻ từ 15-17 tuổi trong các trường học công lập, ngoài công lập, các cơ sở bảo trợ xã hội, các địa phương.
Thời gian triển khai đồng loạt bắt đầu từ ngày 31/10-1/11 và tiêm vét cho các trường hợp bệnh nền vào ngày 2/11.
Dự kiến tổng số liều vaccine tiêm cho trẻ trong độ tuổi này là 58.500 liều Pfizer.
Cần Thơ: Ngày 30/10, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Công văn thay đổi cấp độ dịch Covid-19 từ cấp độ 1 (nguy cơ thấp) sang cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) toàn thành phố.
Cần Thơ triển khai đẩy nhanh lấy mẫu xét nghiệm, yêu cầu mỗi trạm y tế chuẩn bị các điều kiện, đảm bảo mỗi 1 trạm y tế thu dung điều trị 10 F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ.
Bạc Liêu: Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, số ca mắc tăng nhanh, phát hiện nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 ngoài cộng đồng không rõ nguồn lây, tỉnh Bạc Liêu thành lập thêm 3 cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tại huyện Hồng Dân và Thành phố Bạc Liêu, đồng thời nâng cấp độ dịch tại nhiều địa phương.
Hà Nội: Để chuẩn bị cho việc đón học sinh trở lại trường học tập, ngành y tế và giáo dục Hà Nội đã có hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 khi học sinh trở lại trường trong điều kiện bình thường mới./.