Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, từ 18 giờ ngày 18/6 đến 18 giờ ngày 19/6, Việt Nam ghi nhận thêm 308 ca mắc COVID-19 mới, gồm 15 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 293 ca ghi nhận trong nước.
Thành phố Hồ Chí Minh có số ca mắc cao nhất với 135 ca, Bắc Giang 49 ca, Bắc Ninh 36 ca, Bình Dương 30 ca, Nghệ An 16 ca, Đà Nẵng và Long An đều 6 ca, Tiền Giang và Hà Tĩnh cùng 3 ca, Hòa Bình, Lạng Sơn và Đồng Nai 2 ca, Lào Cai, Hà Nộị và Nam Định đều ghi nhận 1 ca.
Trong số 293 ca ghi nhận trong nước có 258 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Cũng trong chiều 19/6/2021, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bắc Giang đăng ký bổ sung trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 danh sách 178 ca bệnh (12676-12853) đã được phát hiện trước đó tại các khu vực phong toả, nay rà soát hoàn thành thông tin xét nghiệm.
Tính đến 18h ngày 19/6, Việt Nam có tổng cộng 11.213 ca ghi nhận trong nước và 1.687 ca nhập cảnh. Số ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 9.936 ca, trong đó có 2.280 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày, đã có 321 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, 2 bệnh nhân COVID-19 có bệnh lý nền nặng tử vong.
Cả nước có 21 tỉnh, thành phố gồm Yên Bái, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Tây Ninh, Gia Lai, Bạc Liêu, Điện Biên, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Trà Vinh, Thái Bình đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng.
Tính đến 16 giờ ngày 18/6, tổng cộng đã thực hiện tiêm trên 2,2 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 105.856 người. Trong ngày 18/6 có thêm 249.915 người được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại 60 tỉnh, thành phố.
[Việt Nam ghi nhận thêm 102 ca mắc COVID-19 trong tối 19/6]
Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ với một số biện pháp tăng cường. Tuy nhiên, diễn biến của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố đang rất phức tạp, có nhiều điểm mới khó lường, con số người nhiễm bệnh tăng cao, tăng nhanh và dự báo khả năng con số người nhiễm sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới.
Đây là nhận định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh với các sở, ngành, quận, huyện và thành phố Thủ Đức vào trưa 19/6.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, việc siết chặt, nâng cao hơn mức độ của các biện pháp phòng, chống dịch đang triển khai là phù hợp với yêu cầu của tình hình hiện nay để có thể nhanh chóng kiểm soát và khống chế dịch bệnh, nhất là các chuỗi dịch chưa rõ nguồn lây.
Lãnh đạo thành phố yêu cầu các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cần tự rà soát, đánh giá lại năng lực y tế trên địa bàn, nhất là khả năng đáp ứng nhu cầu cách ly tập trung để tính toán phương án phù hợp ở góc độ địa phương.
Phát biểu tại cuộc họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho rằng toàn thành phố đã nỗ lực, thực hiện nhiều biện pháp nghiêm, về cơ bản đã kiểm soát được một số chuỗi lây nhiễm nhưng vẫn chưa khống chế được dịch bệnh. Vì vậy, yêu cầu cấp thiết hiện nay là các sở, ngành, quận, huyện cần triển khai biện pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn.
Theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, biện pháp căn cơ nhất vẫn là tiêm vaccine, tuy nhiên để vaccine hoạt động hiệu quả cần có thời gian. Do đó, trước mắt, cần tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch triệt để và tầm soát diện rộng. Đồng thời có biện pháp kiểm soát và giảm bớt dòng người đến thành phố. Đối với những địa điểm, khu vực có thể đảm bảo an toàn với dịch bệnh thì thực hiện biện pháp nới lỏng hơn. Riêng hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa chỉ hạn chế khi thật sự cần thiết, tránh việc đình trệ.
Nhận định về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh cần cân nhắc mọi tình huống có thể xảy ra, chủ động xây dựng và triển khai một số biện pháp tương xứng riêng, cụ thể, linh hoạt riêng của thành phố để phòng, chống dịch. Trong đó, thành phố siết chặt công tác quản lý, kiểm tra, rà soát các biện pháp đang triển khai.
Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả hiện nay là vaccine kết hợp 5K và công nghệ. Trong đó, công nghệ phải được ứng dụng trong các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, ứng dụng trong tiêm vaccine, công tác truy vết, cách ly, trong quản lý hành chính... để nâng cao hiệu quả thực hiện.
Tính từ 6 giờ ngày 18/6 đến 6 giờ ngày 19/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) ghi nhận 104 trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2 đang tiến hành điều tra, gồm 17 trường hợp trong khu phong tỏa, 42 trường hợp trong khu cách ly, 32 trường hợp khi thực hiện mở rộng xét nghiệm ở quận Bình Tân, 1 trường hợp được giám sát sau cách ly tập trung là chuyên gia nước ngoài, 6 trường hợp đang điều tra.
Sáng 19/6, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lớn nhất từ trước đến nay tại Thành phố Hồ Chí Minh với 836.000 liều được phân bổ đã chính khởi động tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn phần mềm FPT (tại lô E3 - 2.34.5, đường D2, Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, phường Long Thạnh Mỹ, thành phố Thủ Đức).
Liên quan đến vaccine phòng COVID-19, ngày 19/6, Chính phủ ban hành Nghị quyết 61/NQ-CP về mua vaccine phòng COVID-19 AZD1222 do AstraZeneca sản xuất của Công ty Cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC).
Nghị quyết nêu rõ: Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với việc mua vaccine phòng COVID-19 AZD1222 do AstraZeneca (AZ) sản xuất của Công ty VNVC với các điều kiện sau:
Chấp nhận mua 30 triệu liều vaccine AZD1222 của Công ty VNVC đã mua của AZ (bao gồm cả số lượng vaccine mà Bộ Y tế đã nhận để tiêm chủng trước khi ký hợp đồng mua vaccine của Công ty VNVC).
Chấp nhận giá mua vaccine theo nguyên tắc phi lợi nhuận như báo cáo của Bộ Y tế về kết quả đã đàm phán với công ty, trong đó: Giá mua vaccine là giá tạm tính, trường hợp AZ giảm giá bán cho Công ty VNVC thì Công ty phải giảm giá tương ứng cho Bộ Y tế; trường hợp AZ tăng giá bán cho Công ty VNVC thì Bộ Y tế chỉ thanh toán cho VNVC theo giá đã đàm phán, ký hợp đồng; Thanh toán chi phí vận chuyển vaccine về Việt Nam theo hóa đơn, chứng từ thực tế do AZ cung cấp cho VNVC theo các điều khoản trong hợp đồng giữa AZ và Công ty VNVC; Thanh toán các khoản phí bảo lãnh tạm ứng, bảo đảm hợp đồng theo số tiền Công ty VNVC phải thanh toán thực tế cho ngân hàng.
Tin từ Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội), từ 0 giờ ngày 20/6, Bệnh viện đa khoa Đức Giang mở phong tỏa, tiếp nhận người bệnh đến khám, điều trị trở lại.
Sau khi ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên tại bệnh viện, trong tuần qua, Bệnh viện đa khoa Đức Giang đã làm xét nghiệm RT-PCR SARS-CoV-2 cho toàn bộ nhân viên bệnh viện, người bệnh và người nhà người bệnh (2 lần, cách nhau 6 ngày). Hiện tại, toàn bộ xét nghiệm đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Bệnh viện cũng đã triển khai công tác tiêm phòng vaccine phòng COVID-19 cho hơn 80% cán bộ nhân viên bệnh viện, nhân viên phục vụ (nhà ăn, vệ sỹ, đội vệ sinh...). Trong đó, 100% các y, bác sỹ thực hiện nhiệm vụ chăm sóc trực tiếp người bệnh F0 đều đã được tiêm phòng 2 mũi vaccine. Tất cả những trường hợp không tiêm được là do không đủ điều kiện an toàn để tiêm chủng./.