Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, nước sông Kỳ Cùng dâng cao gây ngập lụt nhiều tuyến đường, nhiều nhà của người dân thành phố Lạng Sơn.
Lượng mưa đo được lên đến 300mm gây ngập hoàn toàn khu vực chợ Giếng Vuông, xã Mai Pha, khu vực động Nhị Thanh-Tam Thanh...khiến nhiều người dân chưa kịp di dời đang phải “cố thủ” trên nóc nhà và chờ cứu trợ.
Gia đình anh Trần Hồng Quân kinh doanh ở gần chợ Giếng Vuông cho biết vào khoảng 22 giờ ngày 19/7, nước bắt đầu tràn vào chợ Giếng Vuông, sau đó nước lên rất nhanh khiến gia đình anh và nhiều hộ xung quanh không kịp trở tay. Gia đình anh Quân chỉ kịp di dời một số tài sản có giá trị lên tầng hai. Đến sáng 20/7, anh Quân lội nước ra ngoài nhờ bộ đội đi xuồng đến hỗ trợ. Hiện vợ và 2 con của anh Quân vẫn ở trên tầng hai và còn rất nhiều người như vậy.
Theo Đại úy Vũ Văn Vê, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn đang làm nhiệm vụ tại khu vực chợ Kỳ Lừa, đêm qua (19/7) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã triển khai toàn bộ quân số đến ứng cứu từng hộ dân trong thành phố. Cán bộ chiến sỹ được chia thành nhiều tổ để phân phát lương thực, thực phẩm và đưa người, tài sản ra khỏi vùng ngập lụt.
Đến nay chưa thể thống kê cụ thể số lượng người và tài sản cần phải di dời hay đang kẹt lại trong các khu vực ngập nước. Tuy nhiên, đơn vị đã sẵng sàng ứng cứu kéo dài, trước mắt là từ nay cho đến ngày 22/7.
Một trong những công việc chủ yếu của tổ 3 người do Đại úy Vũ Văn Vê chỉ huy là vận chuyển đồ đạc của người dân đến nơi khô ráo bằng xuồng. Gia đình bà Nông Thị Quý nằm sâu trong ngách chợ Giếng Vuông gồm 4 người bị kẹt lại trong nhà. Bà Quý kinh doanh bánh ngọt, khi được các cán bộ chiến sỹ đến ứng cứu, gia đình bà đã tặng hơn 1.000 ổ bánh mỳ nhờ các chiến sỹ chuyển đến những người khó khăn hơn.
Tại hai thôn Rọ Phải và Khòn Khuyên, hàng chục căn nhà của các hộ dân đang nằm trọn trong biển nước. Họ phải dựng tạm lều, quây bằng bạt ngay ven đường để tạm tránh trú bão. Tại một số tuyến đường khác như: Trần Nhật Duật (phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn), Trần Đăng Ninh, Đường Bến Bắc (phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn), cầu Kỳ Lừa, nước cũng dâng lên rất cao, ngập nhiều tuyến đường và gần chạm thành cầu.
Theo thống kê mới nhất của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lạng Sơn, đến 17 giờ ngày 20/7, địa bàn tỉnh đã có 4 người chết, trong đó có 3 người bị lũ cuốn trôi, một người bị tai nạn do sửa nhà; trên 6.000 nhà bị ngập sâu trong nước (trong đó bị hư hại nặng và hư hỏng hoàn toàn khoảng 200 nhà); trên 2000 ha lúa bị ngập và cuốn trôi.
Các tuyến Quốc lộ 1B, 4A, 4B, 279 và một số tuyến tỉnh lộ bị chia cắt giao thông ở nhiều đoạn do ngập úng và sạt lở đất với khối lượng sạt lở khoảng 32.500m3 đất đá. 1.200 quầy của chợ Đông Kinh và chợ Giếng Vuông thành phố Lạng Sơn đóng cửa, ngừng hoạt động và di dời hàng hóa. Nhiều trụ sở, cơ quan, đơn vị bị ngập úng, trong đó có Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Lãng, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Cao Lộc. Ước thiệt hại ban đầu hàng chục tỷ đồng.
Tỉnh Lạng Sơn đã di dời 5.100 hộ ra khỏi vùng bị ngập úng, sạt lở; huy động 5.300 người bao gồm các lực lượng: công an, quân đội, dân quân, cán bộ công nhân viên chức, thanh niên xung kích để ứng cứu hỗ trợ nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã quyết định hỗ trợ mỗi gia đình có người thiệt mạng 3 triệu đồng.
Ông Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lạng Sơn cho biết: Tỉnh tiếp tục chỉ đạo, theo dõi chặt chẽ công tác dự báo, diễn biến thời tiết, mưa lũ, tăng cường các biện pháp ứng phó và triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả.
Trước hết, tỉnh tập trung hỗ trợ sửa chữa nhà cửa và ổn định đời sống nhân dân, khắc phục các tuyến đường giao thông bị hư hỏng, sửa chữa các công trình thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, tổ chức tiêu khử trùng, phòng chống bệnh cho người, gia súc gia cầm ở những vùng bị ngập lụt…/.