Ngành y tế TP Hồ Chí Minh đề ra 9 nhóm hoạt động trọng tâm năm 2022

Năm 2022, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh triển khai các chiến lược y tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19: tiếp tục tổ chức hiệu quả công tác tiêm vaccine phòng COVID-19.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại huyện Củ Chi. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, tuy nhiên, với tính chất phức tạp đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, rất khó dự báo chiều hướng diễn biến dịch bệnh trong năm 2022.

Bên cạnh đó, ngành y tế thành phố được giao nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục củng cố hệ thống y tế, rà soát, bổ sung cơ chế chính sách đặc thù để nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, y tế cộng đồng, hệ thống điều trị, phục vụ việc khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội.

Trước những yêu cầu trên, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng 9 nhóm hoạt động trọng tâm hướng đến mục tiêu chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn.

Cụ thể, Sở Y tế triển khai các chiến lược y tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19: tiếp tục tổ chức hiệu quả công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 đến từng người dân thành phố; nâng cao chất lượng quản lý, chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19; sẵn sàng nguồn nhân lực tuyến đầu và nhân lực chuyên sâu ứng phó với mọi tình huống diễn biến của dịch COVID-19; triển khai hiệu quả chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ và các giải pháp làm giảm tử vong do COVID-19, đồng thời tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

[TP.HCM triển khai quy trình 5 bước giám sát cách ly người nhập cảnh]

Ngành y tế thành phố khôi phục các hoạt động khám, chữa bệnh và nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh, gồm tái cấu trúc các cơ sở khám chữa bệnh, đảm bảo thực hiện hai chức năng chăm sóc và điều trị cho người bệnh mắc COVID-19 và không COVID-19.

Bên cạnh đó, ngành xác định mô hình bệnh tật hậu COVID-19 và cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tương ứng, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế; đẩy mạnh chuyển đổi mô hình hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tại trạm y tế; củng cố năng lực hồi sức cấp cứu tại các cơ sở khám chữa bệnh sẵn sàng đáp ứng với mọi tình hình dịch bệnh, thảm họa; triển khai chương trình quản lý và chăm sóc sức khỏe người mắc các bệnh mạn tính.

Cùng với đó, ngành y tế thành phố triển khai các giải pháp giúp ổn định tài chính cho các đơn vị sự nghiệp trong tình hình dịch bệnh kéo dài; phát triển nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe ban đầu và chuyên khoa sâu; củng cố công tác quản lý của một số đơn vị trực thuộc, xây dựng các đề án trọng tâm về công nghiệp dược và nâng cao năng lực Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC); triển khai chuyển đổi số, xây dựng dữ liệu lớn của ngành y tế thành phố; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tăng cường cải cách thủ tục hành chính hướng đến sự hài lòng của người dân; tăng cường quản lý hành nghề y dược tư nhân.

Thành phố cũng đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng và đưa vào sử dụng hiệu quả. Trong năm 2022, thành phố hoàn thành và đưa vào hoạt động hiệu quả các công trình xây dựng mới gồm Bệnh viện Truyền máu Huyết học, Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Phục hồi chức năng-Điều trị bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Pháp Y; đồng thời, đưa các công trình xây dựng đã hoàn thành như Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 2), Khu Kỹ thuật cao của Bệnh viện Nhân dân 115 đi vào hoạt động; nâng cấp cơ sở hạ tầng các trạm y tế phường, xã đủ điều kiện hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, để thực hiện được các nhiệm vụ đề ra như trên đòi hỏi mỗi cơ sở y tế phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; phát huy và nhân rộng những cách làm hiệu quả, sáng tạo, huy động hiệu quả nguồn lực, cụ thể hoá bằng các kế hoạch và chương trình hành động cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị với những sản phẩm hướng đến mục tiêu chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục