Sáng 30/12 tại Hội nghị Chuyển đổi số ngành y tế Việt Nam, ba nền tảng quan trọng của ngành đã chính thức được ra mắt, gồm: Mạng kết nối y tế Việt Nam, hồ sơ sức khỏe cá nhân và nền tảng quản lý y tế cơ sở V20.
Kết nối chặt chẽ tuyến trên-tuyến dưới
Tại mạng kết nối, các cán bộ y tế sẽ chia sẻ về mặt chuyên môn; hướng đến mục tiêu tăng cường kết nối, chia sẻ, hỗ trợ hoạt động đào tạo chuyên môn của hơn 500.000 cán bộ y tế trên toàn quốc...
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay mục tiêu đặt ra là 1 bác sĩ tuyến trên hỗ trợ chuyên môn cho 4 bác sĩ tuyến tỉnh, 4 nhân viên y tế tuyến huyện và 2 nhân viên y tế tuyến xã...
Điều này nhằm đảm bảo khi bệnh nhân đến trạm y tế xã nhưng được bảo trợ bởi 1 chuyên gia giỏi tuyến trên, các bác sỹ tuyến tỉnh sẵn sàng hỗ trợ thì cán bộ y tế cơ sở cũng tự tin và người bệnh cũng an tâm hơn.
Trong khi đó, nền tảng hồ sơ sức khỏe cá nhân được xây dựng với mục tiêu thiết lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho từng người trên một nền tảng chăm sóc sức khỏe người dân trọn đời. Thông qua nền tảng này, mỗi người dân sẽ được quản lý sức khỏe tập trung theo mã định danh y tế duy nhất.
Cuối cùng, nền tảng kết nối thông tin y tế cơ sở V20 sẽ tạo ra thay đổi toàn diện cho gần 12.000 trạm y tế trên khắp cả nước. Trước đây, mỗi trạm y tế tốn 50-75% thời gian để viết, báo cáo dữ liệu giấy, có nơi quản lý 78 cuốn sổ, nơi ít là 35 cuốn, giờ sẽ sử dụng duy nhất một phần mềm.
Từ tháng 1/2021, các phần mềm trên sẽ bắt đầu áp dụng trên toàn quốc và giấy tờ sẽ dần được loại bỏ. Với phần mềm này, Sở Y tế có thể nhìn thấy toàn bộ dữ liệu của các trạm y tế tuyến xã thuộc địa phương mình quản lý. Bộ Y tế nếu cần tìm hiểu cũng có thể biết tường tận dữ liệu của gần 12.000 trạm y tế trên toàn quốc.
Quyết tâm xây dựng y tế thông minh
Phát biểu tại Hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ghi nhận biểu dương những nỗ lực của ngành y tế đồng thời đánh giá cao sự phối hợp của Văn phòng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu giúp ngành y tế phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý điều hành hoạt động khám bệnh, phòng chữa bệnh cho nhân dân.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, mục tiêu chuyển đổi số của đơn vị này để phục vụ người dân được tốt hơn.
Điển hình như hệ thống khám chữa bệnh từ xa. Chỉ sau 45 ngày, Việt Nam đã khai trương 1.000 điểm khám chữa bệnh từ xa và hiện số lượng bệnh viện tham gia mạng lưới này vượt trên 1.500 cơ sở, giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế tuyến trên ngay tại tuyến dưới
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, năm 2020, dù phải chống dịch COVID-19 nhưng ngành y tế đã nỗ lực chuyển đổi số, bước đầu đã ghi nhận những kết quả đáng khích lệ.
Trong lĩnh vực hành chính, 100% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, 100% văn bản tại Bộ Y tế đã được xử lý điện tử và áp dụng chữ ký số. Bộ Y tế là Bộ đầu tiên hoàn thành và về đích trước hạn Chính phủ giao...
Tháng 11 vừa qua, Bộ Y tế đã khai trương cổng công khai y tế, minh bạch toàn bộ dịch vụ ngành y tế cung ứng cho người dân. Bộ Y tế đã công khai thông tin 62.438 kết quả dược phẩm, hơn 93.000 kết quả đấu thầu và hơn 1400 cơ sở y tế đã thực hiện công khai giá dịch vụ…
Về công tác Phòng chống COVID-19, ông Long cho biết có nhiều bài học cho phòng chống dịch thành công, mà một trong số đó là tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch bệnh, từ đó nhiều phần mềm, nhiều ứng dụng được ra đời. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng tờ khai y tế điện tử, từ đó biết được người nhập cảnh khi nào đi cùng với ai tạo thuận lợi cho công cuộc truy vết, khoanh vùng chống dịch...
Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh mục tiêu của ngành y tế là xây dựng nền y tế thông minh. Cơ sở y tế dành thời gian cho khám bệnh chữa bệnh chứ không phải dành thời gian cho thủ tục, giấy tờ./.