Ngành y tế cần coi trọng ứng dụng công nghệ thông tin

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đối với ngành y tế, ứng dụng công nghệ thông tin phải được coi là nhiệm vụ trọng điểm để chăm sức khỏe cho người dân một cách tốt nhất.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ngày 15/1, Bộ Y tế tổ chức hội nghị ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế lần thứ 7 với chủ đề “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (TELEMEDICINE) và dịch vụ công trực tuyến.”

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết công nghệ thông tin bây giờ làm thay đổi thế giới và tiếp tục làm thay đổi. Những nước như Việt Nam muốn bứt lên đuổi kịp các nước khác thì phải đẩy mạnh sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin.

Mặt khác, Đảng và Nhà nước luôn coi chăm sóc sức khỏe cho người dân là điều quan trọng hàng đầu. Người bệnh luôn là đối tượng ưu tiên và đáng được giúp đỡ. Chính vì vậy, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế rất quan trọng.

Đối với ngành y tế, ứng dụng công nghệ thông tin phải coi là nhiệm vụ trọng điểm. Đối với ngành công nghệ thông tin (không chỉ là Bộ mà chủ yếu là các doanh nghiệp) phải coi ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế cũng là một hoạt động trọng tâm.

Công nghệ thông tin có thể ứng dụng đơn giản nhất là vào việc xếp hàng khám chữa bệnh tại các bệnh viện (như hệ thống lấy số điện tử) và phức tạp hơn là hội chẩn từ xa, bệnh án điện tử…

Còn một vấn đề phức tạp hơn nữa là làm sao quản lý tổng thể thẻ bảo hiểm y tế, tiến tới quản lý tổng thể tình trạng sức khỏe cơ bản của mọi công dân bằng thẻ có mã số.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh từ trước đến nay, chúng ta đã ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế (như các bệnh viện cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài chính và nhân sự) nhưng hoạt động này vẫn manh mún và không gắn kết với nhau.

Nguyên nhân là do các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động này còn ít và các bệnh viện đều phải tự làm về công nghệ thông tin. Chính vì vậy, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế dù đã làm rồi nhưng vẫn phải tiếp tục và phải làm lâu dài vì rất phức tạp do liên quan đến nhiều vấn đề.

Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc phải được quản lý, phải liên thông với nhau; tất cả người dân phải có thẻ để quản lý về sức khỏe cơ bản để khắc phục gian lận và khó khăn. Phó Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp hãy tiên phong và coi đây là một thị trường lớn và bền vững.

Đề nghị các bộ, nhất là Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép thuê dịch vụ về các ứng dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp; đây là hoạt động vì người dân, vì người bệnh, Phó Thủ tướng mong rằng hội nghị này sẽ tạo chuyển biến tốt hơn về hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế…

Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết trong những năm qua, ngành y tế đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tới nhiều hoạt động y tế từ Trung ương đến địa phương. Đến nay, Bộ Y tế đã tổ chức chỉ đạo về ứng dụng công nghệ thông tin từ cơ quan Bộ đến các đơn vị.

Thống kê năm 2014, 100% tuyến Trung ương có ứng dụng phần mềm tin học bệnh viện; ở tuyến tỉnh và huyện lần lượt là 68%, 61%. Tuy nhiên, khả năng kết nối liên thông các hệ thống thông tin bệnh viện giữa các bệnh viện chưa có.

Bộ Y tế đang triển khai thí điểm dự án Bệnh án điện tử và quản lý hệ thống bệnh viện, trong đó có nâng cấp phần mềm tin học quản lý bệnh viện của 6 bệnh viện (Nhi Trung ương, Nhi Thanh Hóa, Phụ sản Trung ương, Y học cổ truyền Trung ương, Đa khoa Hà Tĩnh và Đa khoa Trung ương Huế).

Ông Nguyễn Hoàng Phương khẳng định việc liên thông phần mềm giữa cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội là một giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường chất lượng bệnh viện, chất lượng dịch vụ y tế, cải cách thủ tục hành chính khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế.

Bộ Y tế cũng đã triển khai hoạt động y tế từ xa tại các bệnh viện (như Bạch Mai, Việt - Đức…) với các hoạt động giao ban hàng tuần trực tuyến, chẩn đoán hình ảnh từ xa, hội chẩn, tư vấn các ca khó, khám chữa bệnh từ xa…

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề chính như ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn khám chữa bệnh từ xa trong Đề án bệnh viện vệ tinh, y tế biển đảo, việc tăng cường y tế tuyến dưới; ứng dụng công nghệ truyền hình thế hệ mới cho y tế từ xa tại Việt Nam; dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa; dịch vụ công trực tuyến…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục