Ngành xuất bản Việt Nam đặt mục tiêu phát triển dẫn đầu Đông Nam Á

Mặc dù chịu nhiều tác động của đại dịch, hoạt động xuất bản vẫn có bước phát triển tích cực. Lãnh đạo ngành đang đặt mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia có nền xuất bản hàng đầu Đông Nam Á.
Các đại biểu tham dự triển lãm bên lề hội thảo khoa học Xuất bản Việt Nam-70 năm xây dựng và phát triển. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các đại biểu tham dự triển lãm bên lề hội thảo khoa học Xuất bản Việt Nam-70 năm xây dựng và phát triển. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngành xuất bản Việt Nam đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có thể phát hành 500 triệu bản sách/năm, đạt mốc doanh thu 4.600 tỷ đồng, đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia có nền xuất bản phát triển hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á.

Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) trong hội thảo khoa học “Xuất bản Việt Nam-70 năm xây dựng và phát triển” diễn ra ngày 28/9, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

[Hội Xuất bản Việt Nam giới thiệu thư viện sách cộng đồng miễn phí]

Tại hội thảo, ông Nguyễn Nguyên điểm lại hoạt động xuất bản từ thời kỳ kháng chiến đến giai đoạn xây dựng, phát triển đất nước; đưa ra tầm nhìn, xu hướng phát triển của ngành đồng thời cũng đóng góp giải pháp để đạt được mục tiêu.

Cụ thể, Cục trưởng Nguyễn Nguyên đề xuất 8 giải pháp trọng tâm gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách để quản lý hoạt động xuất bản; ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả quản lý; tăng cường năng lực hoạt động của ngành phù hợp với xu thế chuyển đổi số; triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia bằng nguồn ngân sách nhà nước kết hợp với hình thức xã hội hóa; phát triển mạng lưới phát hành; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ mới vào hoạt động xuất bản; đổi mới chương trình đào tạo; đẩy mạnh các hoạt động thông tin, hội chợ, triển lãm.

Ngành xuất bản Việt Nam đặt mục tiêu phát triển dẫn đầu Đông Nam Á ảnh 1Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại hội thảo, nhiều diễn giả cũng đã phân tích, trao đổi về quá trình hình thành, phát triển và những dấu mốc quan trọng của ngành xuất bản, in và phát hành trong 70 năm qua; làm rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực xuất bản, in và phát hành sách, những đóng góp của ngành đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Các chuyên gia cũng tập trung phân tích những vấn đề đang đặt ra trong hoạt động xuất bản, in và phát hành sách ở Việt Nam hiện nay, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm và định hướng phát triển trong thời gian tới, góp phần thực hiện mục tiêu: “Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa” theo tinh thần văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, ý kiến tâm huyết, làm việc khoa học của các chuyên gia, nhà quản lý, người làm xuất bản được thể hiện sâu sắc qua các tham luận.

Ngành xuất bản Việt Nam đặt mục tiêu phát triển dẫn đầu Đông Nam Á ảnh 2Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa (phải) tham dự triển lãm bên lề hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các cơ quan tham mưu, cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, những người làm công tác xuất bản, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản tiếp thu tinh thần hội thảo, đổi mới tư duy, có giải pháp triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả, đồng thời giải quyết những vấn đề chiến lược của ngành.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ trong việc chỉ đạo, định hướng, giám sát chặt chẽ và tạo cơ chế thông thoáng cho hoạt động xuất bản để ngành thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh lưu giữ, truyền bá tri thức và triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

“Với vai trò, trách nhiệm của mình, hoạt động xuất bản phải trở thành công cụ đắc lực, một binh chủng đặc biệt trong việc cung cấp thông tin, tri thức định hướng dư luận xã hội; bảo vệ, củng cố và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh chống các tư tưởng, luận điệu sai trái, thù địch, phản động; loại bỏ những phong tục, tập quán, lối sống lỗi thời, lạc hậu; xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; góp phần tích cực vào những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới,” Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương kết luận./.

Hội thảo bao gồm hai phiên nội dung, tương ứng với hai chủ đề lớn: Ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam-Hành trình 70 năm và Ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam-Tầm nhìn và định hướng phát triển.

Chủ trì hội thảo có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam; ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc-Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã tham quan triển lãm gồm các sách Hán Nôm; sách báo kháng chiến; sách về văn kiện Đảng; sách của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sách về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; sách về xây dựng Đảng và các sách lý luận, chính trị.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục