Ngành xuất bản thời COVID: Tìm hướng đi mới trong khó khăn

Đợt dịch lần thứ tư khiến nhiều cơ sở phát hành bị gián đoạn kinh doanh trong thời gian dài, không có doanh thu song nhiều đơn vị đã phối hợp phát triển sách nói, sách điện tử để phục vụ độc giả.
Các em học sinh vùng cao Sơn La được tiếp cận với nhiều loại sách báo bổ ích thông qua xe thư viện lưu động. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)
Các em học sinh vùng cao Sơn La được tiếp cận với nhiều loại sách báo bổ ích thông qua xe thư viện lưu động. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Năm qua, thị trường xuất bản chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch song các đơn vị xuất bản vẫn phối hợp cùng cơ quan chủ quản, tiếp tục duy trì các hoạt động ý nghĩa nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy văn hóa đọc.

Từ trong khó khăn, nhiều tác giả tìm thấy cảm hứng sáng tác và đã cho ra đời những tác phẩm ghi dấu ấn thời kỳ khó quên này.

Văn chương chung tay chống dịch

Trong bối cảnh cả nước chống dịch, các nhà văn, nhà thơ không trực tiếp xông pha tuyến đầu song họ đã dùng ngòi bút của mình để ghi lại những câu chuyện xúc động, chân thực về cuộc chiến chống dịch. Các tác giả và tác phẩm thời kỳ này phong phú đến mức có thể tạo nên “dòng văn học chống dịch COVID-19.”

Có thể kể đến cuốn sách “Khi đại dịch thế kỷ COVID-19 đi qua” của nhà văn Sương Nguyệt Minh; tập tản văn “Sài Gòn chọn nhớ những điều thương” có sự góp mặt của 25 tác giả, trong đó có y bác sỹ, doanh nhân, nhà nghiên cứu, vận động viên, nhà văn, nhà báo, nhiếp ảnh gia; nhà văn Pháp gốc Việt Nuage Rose thì kể lại hành trình chống chọi với COVID-19 của chính mình thông qua cuốn sách “120 ngày mây thì thầm với gió.”

[Chính phủ phê duyệt Chương trình Sách quốc gia giai đoạn 2022-2026]

Rõ ràng chưa khi nào chúng ta thấy các bác sỹ mạnh dạn “lấn sân” sang lĩnh vực văn chương như thời gian vừa qua. Cuốn “Nhật ký COVID và những chuyện chưa kể” là những ghi chép chân thực của bác sỹ Ngô Đức Hùng (công tác tại Bệnh viện Bạch Mai và Đại học Y Hà Nội) trong quá trình chống dịch tại các bệnh viện dã chiến phía Bắc. Trong khi đó, tập tản văn “Phía Tây thành phố” của bác sỹ Lê Minh Khôi lại là những gì “mắt thấy, tai nghe” khi bác sỹ tham gia công tác hồi sức cho bệnh nhân COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngành xuất bản thời COVID: Tìm hướng đi mới trong khó khăn ảnh 1Đợt dịch lần thứ tư khiến nhiều cơ sở phát hành bị gián đoạn kinh doanh trong thời gian dài, không có doanh thu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đánh giá về hoạt động phát hành xuất bản phẩm trong năm qua, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, cho hay đợt dịch lần thứ tư khiến nhiều cơ sở phát hành bị gián đoạn kinh doanh trong thời gian dài, không có doanh thu.

Trong bối cảnh đó, nhiều đơn vị đã phối hợp phát triển sách nói, sách điện tử để phục vụ độc giả. Nổi bật có thể kể đến chương trình “Sách nói miễn phí cho ngày cách ly” do Alpha Books cùng ứng dụng sách nói Fonos thực hiện.

Nói thêm về điểm sáng của ngành, ông Nguyễn Nguyên cho rằng khi dịch bệnh chưa phức tạp, không để “tình yêu sách bị giãn cách,” Ngày Sách Việt Nam (21/4) và Hội sách trực tuyến quốc gia (17/4 đến 16/5) được tổ chức rất thành công với sự tham gia của gần 100 đơn vị xuất bản, phát hành trong và ngoài nước.

“Trong một tháng diễn ra, hội sách có hơn 5,9 triệu lượt truy cập, cung cấp hơn 40.000 cuốn sách tới tay bạn đọc. Trong 27.000 đơn sách, hơn 60% đơn vận chuyển tới tỉnh thành xa, ngoài hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này một lần nữa chứng minh cho sự lan tỏa của hội sách tới bạn đọc vùng sâu, vùng xa,” ông Nguyên cho biết.

Hội Xuất bản Việt Nam cũng đã tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư, bám sát đời sống và tình hình xuất bản trong năm.

Cuối năm 2021, Hội Xuất bản Việt Nam chính thức đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á nhiệm kỳ 2022-2023. Đây là sự kiện quan trọng, nâng tầm vị thế của ngành sách Việt Nam trong khu vực, góp phần quảng bá đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Do đó, mục tiêu phát triển của ngành trong năm 2022 sẽ xoay quanh những nhiệm vụ của Việt Nam trong vai trò này.

Sách nói sẽ là xu hướng

Chia sẻ về nhiệm vụ trọng tâm mà giới xuất bản Việt Nam sẽ triển khai khi nắm giữ chức chủ tịch luân phiên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á trong nhiệm kỳ 2022-2023, ông Nguyễn Nguyên nêu ba vấn đề.

Thứ nhất, đó là bảo vệ bản quyền, một trong những hoạt động chính để vừa bảo vệ, vừa phát triển hoạt động xuất bản. Đây cũng là vấn đề lớn còn nhiều nhức nhối cần thực hiện, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện chuyển đổi số toàn ngành.

Thứ hai là tăng cường các hoạt động để phát triển văn hóa đọc. Thứ ba là cùng chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp để các nước thành viên của Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á cùng vượt qua giai đoạn khủng hoảng do đại dịch COVID-19, đưa ngành xuất bản trong khu vực phát triển nhanh và mạnh hơn nữa trong thời gian tới đây.

Ngành xuất bản thời COVID: Tìm hướng đi mới trong khó khăn ảnh 2Nhiều đơn vị đang đầu tư phát triển xuất bản điện tử, đặc biệt là sách nói. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong bối cảnh đó, ông Nguyên nhấn mạnh cần phát triển phát triển xuất bản điện tử, đặc biệt là định dạng sách nói.

Hiện nay, nhiều đơn vị xuất bản sách in truyền thống cũng đang triển khai việc thu âm sách nói, chẳng hạn như Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam đang thực hiện chuyên mục "Trích đọc trước giờ đi ngủ" miễn phí, nhằm mục đích quảng bá và lan tỏa các đầu sách Nhã Nam tới nhiều độc giả hơn.

Để làm audiobook, Nhã Nam thường chọn lựa các đầu sách best-seller, sách không có quá nhiều tên riêng nước ngoài gây khó khăn cho thính giả.

“Ngày nay, cuộc sống càng ngày càng bận rộn, thời gian để đọc sách càng rút ngắn đi, trong khi nhu cầu tiếp nhận thông tin, thu nạp kiến thức, giải trí từ sách của mọi người lại có phần tăng lên. Từ đó, phát sinh ra nhu cầu nghe sách nói trong khi lái xe, chơi thể thao, thư giãn trước khi đi ngủ… Tại thời điểm hiện tại, nhu cầu nghe sách nói ở Việt Nam vẫn nhỏ, nhưng khả năng tăng trưởng là rất lớn,” ông Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc Kế hoạch và Bản quyền Công ty Nhã Nam nhận định.

Trước đây, khi sách điện tử (ebook) xuất hiện, dư luận cũng đặt ra câu hỏi liệu sách điện tử có “giết chết” sách in? Nay, câu hỏi tương tự lại được đặt ra cho audiobook, liệu thị phần của sách in truyền thống liệu có phải nhường chỗ cho sách nói?

Ông Nguyễn Xuân Minh cho rằng tỷ trọng sách điện tử, sách nói sẽ lớn dần lên trong tổng thể thị trường xuất bản. Tuy nhiên, các hình thức xuất bản mới này sẽ cộng hưởng, góp phần mở rộng thị trường.

“Tôi tin là sự góp mặt của sách nói sẽ chỉ làm thị trường xuất bản thêm phong phú, phát triển toàn diện hơn chứ không ảnh hưởng nhiều đến thị phần của sách in,” ông Minh khẳng định.

Nói về cán cân thị trường của ngành xuất bản, Cục trưởng Nguyễn Nguyên cho hay: “Nhiều quốc gia có tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử phát triển mạnh, sách audio tăng trưởng hơn 20%/năm, sách điện tử trung bình 20-22%/năm, nhưng sách in không hề giảm đi. Điều đó cho thấy sự tương tác, cộng hưởng, cùng nhau phát triển”./.

Hiện nay, cả nước có 57 nhà xuất bản, trong đó có 15 nhà xuất bản hoạt động theo mô hình doanh nghiệp (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn Nhà nước) và 42 đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong năm 2021, các nhà xuất bản thực hiện xuất bản và nộp lưu chiểu: 29.274 cuốn với 350 triệu bản sách in, 2.500 xuất bản phẩm điện tử với 25 triệu lượt truy cập, 1.374 xuất bản phẩm với 25,6 triệu bản (băng, đĩa, bản đồ, bưu ảnh, lịch…).

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục