Ngày 21/11, phiên chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII bắt đầu với những câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của Tòa án Nhân dân tối cao trong hướng dẫn các tòa án áp dụng thống nhất pháp luật, tổng kết kinh nghiệm xét xử, giám đốc việc xét xử của tòa án các cấp; xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.
Người đứng đầu ngành Tòa án cũng giải đáp nhiều câu hỏi về giải pháp để nâng cao chất lượng ngành tòa án; nâng cao chất lượng xét xử, tránh xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật.
Nhiều ý kiến chất vấn bày tỏ băn khoăn trước thực trạng chất lượng công tác xét xử, năng lực của đội ngũ cán bộ tòa án các cấp vì để xảy ra một số vụ án oan sai, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, gây bức xúc trong dư luận.
Các đại biểu Quốc hội cũng viện dẫn thẳng những vụ án có những dấu hiệu không rõ ràng về tố tụng, đang là tâm điểm sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua, đồng thời đề nghị Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao trả lời về quan điểm xử lý các vụ việc này.
Phần chất vấn và trả lời chất vấn của Chánh án Trương Hòa Bình có sự tham gia giải trình thêm của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình về một số nội dung, kiến nghị được đại biểu Quốc hội đề nghị trả lời trực tiếp.
Nâng cao chất lượng xét xử từ công tác cán bộ
Chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao về những biện pháp nâng cao chất lượng các bản án, các đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng), Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt vấn đề: Chất lượng giải quyết vụ các vụ án tùy thuộc trình độ thẩm án, điều tra viên, thư ký. Với trách nhiệm là người đứng đầu hệ thống xét xử, Chánh án cho biết biện pháp khả thi để nâng cao chất lượng của đội ngũ này?
Khẳng định, muốn nâng cao chất lượng xét xử, phải đi từ vấn đề gốc là công tác cán bộ của ngành tòa án, Chánh án Trương Hòa Bình cho rằng lực lượng cán bộ đóng vai trò quyết định đến chất lượng xét xử, do vậy cần phải đào tạo được đội ngũ có năng lực, phẩm chất, đạo đức, tinh thông nghiệp vụ, hạn chế đến mức thấp nhất những vụ oan sai, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức đối với cán bộ của ngành tòa án.
Giải pháp cụ thể để tổ chức tốt công tác đào tạo là sát hạch, nâng cao năng lực, khuyến khích việc tự học, tự đào tạo trong cán bộ công chức của ngành; thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm qua các vụ án; tạo điều kiện cho cán bộ được nâng cao trình độ ở trong và ngoài nước. Đồng thời, thực hiện tốt Nghị quyết của Đảng về công tác quy hoạch, luân chuyển, đánh giá cán bộ; nghiên cứu tổ chức thi tuyển mang tính chất cạnh tranh, đề cử cán bộ có năng lực vào những vị trí có chức danh tư pháp hoặc lãnh đạo. Tòa án Nhân dân tối cao đang phối hợp với Bộ Nội vụ xác định các tiêu chí chức danh nghề nghiệp để làm căn cứ sắp xếp cán bộ.
Liên quan đến chủ đề này, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) hỏi thêm: năm 2013 ngành tòa án có nhiều cố gắng, hoàn thành nhiều chỉ tiêu, nhất là không để xảy ra oan sai nhưng hàng năm vẫn có nhiều đơn phúc thẩm. Vậy Tòa án Nhân dân tối cao có giải pháp gì để nâng cao chất lượng xét xử, lấy lại lòng tin nhân dân, hạn chế oan sai?
Chánh án Trương Hòa Bình cho biết ngành Tòa án đã giải quyết 63,3% số đơn tái thẩm, giám đốc thẩm, cao nhất từ trước đến nay. Hiện còn gần 4.000 đơn còn thời hạn luật định, đang tiến hành giải quyết; đã giải quyết trên 6.000 đơn. Ngành cố gắng tiếp tục nâng cao số lượng và chất lượng giải quyết đơn để tăng cường niềm tin trong nhân dân. Tuy vậy, vẫn còn án hủy sửa, chưa đạt yêu cầu, Chánh án thừa nhận. Hiện chất lượng giải quyết đã được nâng cao nhưng vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của nhân dân. Ngành sẽ cố gắng nâng cao chất lượng, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải quyết.
Vụ án Nguyễn Thanh Chấn: Ngành Tòa án có trách nhiệm
Dẫn chiếu vụ án Nguyễn Thanh Chấn tại Bắc Giang bị kết án tù chung thân, sau 10 năm mới được minh oan, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền chất vấn: trách nhiệm của ngành tòa án đến đâu, giải pháp minh oan, bồi thường cho người bị oan sẽ được thực hiện như thế nào? Cũng với nội dung này, đại biểu Lê Thị Nga đề nghị Chánh án cho biết quan điểm về thông tin cho rằng có dấu hiệu ép cung, dùng nhục hình?
Trả lời chất vấn của đại biểu, Chánh án Trương Hòa Bình đã thông tin về nội dung vụ việc và cho biết, trong những năm gần đây, mỗi năm cơ quan tố tụng các cấp thụ lý trên 100 ngàn vụ án hình sự. Việc điều tra đấu tranh, vạch trần tội phạm rất vất vả, có trường hợp cán bộ, chiến sỹ Công an hy sinh. Công tố viên và thẩm phán cũng phải chịu áp lực lớn kể cả khủng bố, đe dọa. Vì vậy trên thực tế, vì những lý do khác nhau có thể xảy ra oan sai.
Đối với thông tin có oan sai, ép cung, nhục hình trong vụ án ông Chấn, Chánh án khẳng định, việc xác định có oan sai hay không phải chờ đợi kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Các cơ quan chức năng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trước Quốc hội và trước nhân dân để xác minh, làm rõ những vấn đề này. “Vấn đề có ép cung, nhục hình, nếu có đó là điều không thể chấp nhận được,” Chánh án nhấn mạnh, việc này phải được chứng minh để giải quyết.
Bộ Công an đang tiến hành kiểm điểm về vụ ông Chấn. Nếu có ép cung, nhục hình, những người trực tiếp phải bị xem xét, trong đó có trách nhiệm của Viện Kiểm sát tham gia từ đầu vụ án. Các tòa án xét xử dựa trên hồ sơ các cơ quan tố tụng cung cấp, việc tòa án phát hiện có ép cung hay không là rất khó mà phải được các cơ quan khác xem xét. Tuy nhiên, với trách nhiệm của mình, Hội đồng xét xử mà để xảy ra oan sai cũng phải có trách nhiệm trong việc này, vì phải phát hiện ra những dấu hiệu không bình thường trong hồ sơ, người đứng đầu ngành Tòa án khẳng định.
“Để xảy ra ép cung, nhục hình nếu có, phải chứng minh chặt chẽ. Nếu cán bộ vi phạm, đều bị xử lý tùy theo mức độ vi phạm từ xử lý hành chính, xử lý điều lệnh hoăc nếu xâm phạm hoạt động tư pháp sẽ bị xử lý về các tội xâm phạm tư pháp, đó là điều khẳng định. Nếu không phải như thế, không thể kết luận vội vàng vì còn liên quan đến tinh thần, ý chí tiến công tội phạm. Nếu không sẽ làm nhụt ý chí, tinh thần tiến công của những người đang làm những công việc khó khăn, gian khổ,” Chánh án nhấn mạnh.
Kiến nghị lắp camera theo dõi tại các cuộc lấy cung
Buổi chất vấn cũng ghi nhận những đề xuất, kiến nghị từ các đại biểu được người trả lời chất vấn đồng tình nhằm tránh xảy ra thêm các trường hợp oan sai, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan tố tụng.
Từ vụ việc ông Chấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, lắp camera theo dõi khi lấy cung; chuyển hồ sơ vụ án này từ Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Giang lên Cơ quan điều tra Bộ Công an xử lý. Bà Nga cũng kiến nghị Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phải khẩn trương xác minh có hay không việc ông Chấn bị bức cung, nhục hình.
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao chỉ đạo rà soát lại tất cả các vụ án hình sự có đơn kêu oan, đăc biệt là các vụ có mức án cao nhất hoặc tử hình để kịp thời ngăn chặn những dấu hiệu oan sai, bà Nga nhấn mạnh.
Tiếp thu đề nghị của đại biểu, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết thêm, Tòa án Nhân dân tối cao đang chỉ đạo rà soát lại tất cả các bản án hình sự có đơn kêu oan, hoặc có kiến nghị của các cấp, phản ánh của báo chí nhất là các bản án có mức án cao nhất để phát hiện các sai sót, kịp thời xử lý.
Chánh án Trương Hòa Bình nhất trí với quan điểm của đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn Bến Tre) nếu để xảy ra oan sai phải thực hiện bồi thường theo quy định của Nhà nước.
Chánh án cũng cho biết, để hạn chế tình trạng oan sai, cần phải có các giải pháp như đảm bảo sự tranh tụng tại phiên tòa, đồng thời cần phát huy đầy đủ vai trò của người tham gia tố tụng và các đương sự để làm rõ bản chất của vụ án, bản chất của phiên tòa; tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện, đào tạo, đào tạo lại, ý thức tự đào tạo; thường xuyên thực hiện công tác giám đốc kiểm tra, rà soát, xem xét một cách toàn diện những vụ án hình sự mà có ý kiến, đơn thư kêu oan. Mặt khác, nếu có xảy ra, phải kịp thời khắc phục.
Cho rằng, năm 2013, nhiều tòa án địa phương xét xử tội phạm tham nhũng với mức án nhẹ, gây bất bình trong dư luận, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đặt vấn đề: liệu có tiêu cực trong xét xử các vụ án tham nhũng? Chánh án Trương Hòa Bình khẳng định, thời gian qua những vụ án tham nhũng trọng điểm, có hành vi tham nhũng tài sản, tiền bạc của Nhà nước số lượng lớn, đều được xét xử nghiêm minh, không nương nhẹ. Một số vụ án ở địa phương, đối tượng tham nhũng được hưởng án treo, chưa thích đáng với tội, hiện Tòa án Nhân dân tối cao đã tiến hành cho thẩm phán kiểm điểm, đồng thời xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.
Không để lọt tội phạm, không để xảy ra oan sai
Tham gia báo cáo bổ sung liên quan tới oan sai, hiện tượng ép cung, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, xử lý vụ án hình sự và quan điểm, giải pháp của Bộ Công an, Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định: Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và công tác điều tra, xử lý các vụ án hình sự nói riêng, một nguyên tắc chỉ đạo hàng đầu và xuyên suốt là không để lọt tội phạm, không để xảy ra oan sai; nghiêm cấm việc mớm cung, ép cung, bức cung, nhục hình. Nếu vi phạm phải xử lý nghiêm minh.
Trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải xử lý theo quy định của pháp luật hình sự. Quan điểm, chủ trương trên được toàn ngành Công an luôn quán triệt thực hiện. Bộ thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, phát hiện và khắc phục, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Vì vậy các sai phạm trong hoạt động điều tra đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, cá biệt vẫn xảy ra ở một số đơn vị, địa phương thậm chí còn án oan sai, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Bộ trưởng Trần Đại Quang nêu rõ: Theo quy định, thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, điều tra viên trực tiếp điều tra vụ án là những người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra oan sai. Với trách nhiệm quản lý và tổ chức hoạt động điều tra của các cơ quan điều tra trong công an nhân dân, Bộ Công an có trách nhiệm về tất cả hoạt động của cơ quan điều tra, kể cả những sai sót trong hoạt động điều tra.
Để giải quyết khắc phục các tình trạng trên, Bộ Công an đã, đang chỉ đạo các cơ quan điều tra trong ngành thực hiện các giải pháp: tiếp tục thực hiện đúng, đầy đủ quy định của pháp luật về điều tra, xử lý tội phạm, nhất là các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo cũng như tạo điều kiện trên thực tế để người bào chữa được tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
Bộ cũng thường xuyên giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm, chuyên môn của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, điều tra viên trong công tác điều tra, phòng chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp.
Bộ Công an đang chỉ đạo xây dựng, chỉ đạo triển khai Đề án chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp của công an nhân dân và Đề án đào tạo nghiệp vụ chính trị đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng điều tra công an các cấp. Thông qua thực hiện hai Đề án trên đã tạo điều kiện tích cực cho công tác xây dựng lực lượng công an nhân dân.
Bộ cũng tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn hoạt động điều tra, xử lý tội phạm của cơ quan điều tra cấp trên đối với cơ quan điều tra cấp dưới; thực hiện nghiêm túc công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động điều tra; kiên quyết xử lý nghiêm đối với điều tra viên, thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra có vi phạm trong hoạt động điều tra các vụ án hình sự. Đồng thời, Bộ cũng thường xuyên phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, lãnh đạo ngành Kiểm sát chỉ đạo lực lượng kiểm sát các cấp tăng cường công tác kiểm sát hoạt động điều tra, phát hiện kịp thời các vi phạm của điều tra viên của cơ quan điều tra để xử lý và khắc phục.
Với trách nhiệm là cơ quan chủ trì, soạn thảo, Bộ Công an đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu soạn thảo báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Tổ chức điều tra hình sự theo đúng tiến độ thời gian, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về tổ chức điều tra hình sự; đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật hình sự để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong hoạt động tố tụng hình sự.
Bộ tăng cường công tác đào tạo chính trị, pháp luật, tâm lý, đạo đức cho đội ngũ điều tra viên để họ tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật và ngành công an trong hoạt động điều tra, hạn chế thấp nhất những sai sót, vi phạm có thể xảy ra.
Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra
Làm rõ hơn những nội dung đại biểu chất vấn, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình nhận định: Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao và Bộ Công an đều có quan điểm chung về vấn đề oan sai; biện pháp khắc phục án oan sai, không để lọt tội phạm và đã có những biện pháp khắc phục. Việc này đã giảm một cách đáng kể trong năm 2013, tuy nhiên có xảy ra một tỷ lệ nhỏ. Đối với việc này, với tư cách là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát tư pháp, Viện Kiểm sát cũng có phần trách nhiệm.
Để khắc phục tình trạng oan sai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao cũng đã có nhiều biện pháp: tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra; nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát, giải quyết các vụ án hình sự; kiểm soát chặt chẽ, giải quyết các tin báo tố giác tội phạm; tích cực thực hiện các biện pháp chống oan sai ngay từ giai đoạn khởi tố.
Kiểm soát hoạt động điều tra, nâng cao số lượng, chất lượng các yêu cầu điều tra, theo đó thu thập đầy đủ chứng cứ buộc tội và gỡ tội. Thận trọng chính xác trong việc ra các quyết định truy tố, thực hiện tốt việc tranh tụng tại tòa, tạo điều kiện cho luật sư tham gia vụ án ngay từ khi khởi tố. Kiểm soát chặt chẽ các bản án, tăng cường kháng án nếu có dấu hiệu oan sai; kịp thời thụ lý giải quyết thậm trọng đối với các đơn tố cáo có oan sai.
Ngành tăng cường trách nhiệm kiểm sát trong hoạt động tư pháp hình sự, yêu cầu kiểm sát viên tích cực tham gia cùng điều tra viên trong hoạt động tố tụng trong hỏi cung, lấy lời khai; kiểm soát chặt chẽ việc giam giữ, tạm giữ nhằm phát hiện các biện pháp bức cung, nhục hình… Viện trực tiếp phúc tra một số trường hợp theo quy định luật định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra có sai phạm và xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể để xảy ra oan sai trong việc giải quyết các vụ án hình sự; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực của đội ngũ kiểm sát viên, đề cao kỷ cương, kỷ luật…
Đối với các vụ án oan sai đã xảy ra trên thực tế, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao có 5 việc cần làm: kịp thời minh oan cho người bị oan; tích cực phối hợp với cơ quan điều tra để điều tra làm rõ đối tượng gây án; thực hiện trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật; xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra oan sai-sai đến đâu, xử đến đó; tổ chức rút kinh nghiệm, đánh giá nguyên nhân, ban hành các quy định để khắc phục.
Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về lượng, mạnh về chất
Kết luận phần chất vấn và trả lời chất đối với Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã có sự chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại cần tiếp tục giải quyết.
Qua phần chất vấn, một lần nữa thể hiện sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội cũng như của cử tri cả nước đối với công tác tư pháp, nhất là công tác xét xử.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị ngành Tòa án Nhân dân cần tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ vừa đủ về lượng, vừa mạnh về chất. Bởi hiện nay, chất lượng của ngành Tòa án vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Do vậy, công tác đào tạo của ngành Tòa án phải thực hiện một cách quyết liệt.
Ngành Tòa án cần xây dựng lực lượng trong sạch vững mạnh trong toàn ngành, có tài, có đức và thật sự là những cán bộ liêm chính; có biện pháp quản lý đội ngũ cán bộ từ trung ương đến địa phương, kể cả đội ngũ Hội thẩm nhân dân và Thẩm phán.
Mặt khác, ngành cần phối hợp với các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương và có sự giám sát chặt chẽ của các đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp đối với đội ngũ cán bộ Tòa án.
Ngành Tòa án quan tâm kiện toàn đầy đủ về tổ chức, chức năng, quyền hạn một cách toàn diện ở các cấp; tiếp tục nghiên cứu về mô hình xét xử sao cho phù hợp; nâng cao chất lượng xét xử, đảm bảo công bằng, công khai, có tranh tụng tại phiên tòa để đảm bảo kết luận đúng người, đúng tội và tránh oan sai.../