Việt Nam quy định thời gian cho một cuộc thanh tra chống chuyển giá chỉ là 45 ngày trong khi tại các nước, thời gian này thường phải gấp 10 lần như vậy.
Đây là một trong những điều khó khăn được ông Phạm Ngọc Lai, Quyền Vụ trưởng Thanh tra Tổng cục Thuế nói lên tại buổi họp báo về kết quả thanh kiểm tra 9 tháng tổ chức ngày 13/10.
[Phát hiện hàng nghìn tỷ đồng phải nộp ngân sách sau thanh kiểm tra]
Theo ông Lai, quy định hiện tại chỉ cho phép cơ quan chức năng thực hiện một cuộc thanh tra chống chuyển giá trong 45 ngày và không được kéo dài quá 70 ngày. Trong khi ấy, ông dẫn thông lệ quốc tế cho một cuộc thanh tra tương tự thường là 575 ngày.
“Bởi thế nên chúng tôi hạn chế về thời gian, các nước có thời gian dài hơn chục lần so với mình, chưa kể là con người của họ cũng nhiều hơn,” ông Lai nói.
Điều này theo ông lại càng khó khi các công ty đa quốc gia thường luân chuyển hàng hóa qua nhiều nước. “Họ nhập một sản phẩm từ công ty mẹ đóng ở Mỹ hay Canada rồi qua Hong Kong, qua Singapore rồi mới vào Việt Nam,” ông Lai lên tiếng.
Quá trình trên theo lãnh đạo ngành thuế khiến cơ quan chức năng vô cùng khó khăn để truy tìm, thu thập thông tin.
Một khó khăn nữa ông Lai bày tỏ là hầu hết ngành thuế các nước được điều tra thuế nhưng phía Tổng cục Thuế thì không có chức năng này. Sự thiếu hụt này theo ông đã gây khó trong việc thanh kiểm tra chống chuyển giá.
“Chúng tôi đang nghiên cứu bổ sung chức năng điều tra cho ngành thuế, hiện đang xây dựng đề án khoa học, theo lộ trình chúng tôi sẽ trình cơ quan thẩm quyền, để cơ quan thuế có thêm chức năng này,” đại diện Tổng cục Thuế nói.
Trước đó, trong 9 tháng, ông Lai cho biết, ngành thuế đã thanh tra kiểm tra 217 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết. Cơ quan chức năng đã truy thu, truy hoàn và phạt gần 576 tỷ đồng, giảm lỗ 2.635 tỷ đồng, giảm khấu trừ 15,5 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 1.811 tỷ đồng./.