Ngành thực phẩm cao cấp nếm 'trái đắng' trong dịch COVID-19

Khi hàng nghìn nhà hàng phải đóng cửa và nhiều nền kinh tế rơi vào suy thoái, nhu cầu toàn cầu về các loại thực phẩm cao cấp như thịt bò wagyu, cá ngừ vây xanh, trứng cá muối đã "lao dốc không phanh."
Thịt từ một con cá ngừ vây xanh nặng 278kg. (Nguồn: Reuters)

Trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm khống chế sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 "tấn công" hoạt động kinh tế, kinh doanh thực phẩm cao cấp là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do "nguồn sống" của các mặt hàng này phụ thuộc phần lớn vào các nhà hàng và các khách sạn hàng đầu.

Chính vì vậy, khi hàng nghìn nhà hàng phải đóng cửa và nhiều nền kinh tế đang rơi vào suy thoái do COVID-19, nhu cầu toàn cầu về các loại thực phẩm cao cấp như thịt bò wagyu, cá ngừ vây xanh hay trứng cá muối đã "lao dốc không phanh."

Để duy trì hoạt động, kể từ đầu năm 2020, một số nhà sản xuất thực phẩm cho người sành ăn đã phải tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng, trong khi một số khác buộc phải cắt giảm sản lượng.

[Nhà hàng Hà Lan cho khách vào nhà kính để đảm bảo giãn cách xã hội]

Dữ liệu đặt chỗ của OpenTable, một dịch vụ đặt chỗ nhà hàng trực tuyến cho thấy lượng thực khách tại các nhà hàng ở Mỹ, Anh, Đức, Canada, Australia, Ireland, Mexico đã giảm tới gần 80% trong năm 2020.

Khi phải "chôn chân" tại nhà trong đại dịch COVID-19 và lo lắng về tình hình tài chính, dường như người dân cũng không còn màng tới các loại thực phẩm cao cấp.

Nói như Giám đốc điều hành Công ty trứng cá muối Pertlita ở Tây Nam Pháp Michel Berthommier, người dân không còn muốn thưởng thức vị rượu Chateau Petrus với tôm hùm hoặc trứng cá muối nữa.

Trong khi đó, Giám đốc dịch vụ tư vấn tại Công ty môi giới hàng hóa IKON ở Sydney (Australia) Ole Houe cũng thừa nhận rằng thực phẩm cao cấp là một trong lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19.

Ông còn không mong đợi sự hồi phục của ngành này khi nhiều nước đang rơi vào suy thoái.

Nhu cầu giảm đã ảnh hưởng đến giá của các mặt hàng cao cấp. Tại Tokyo (Nhật Bản), giá của mặt hàng thịt bò wagyu hàng đầu giảm khoảng 30% so với năm 2019, cá ngừ vây xanh cũng giảm tới hơn 40% trong khi giá của loại dưa nổi tiếng ở Shizuoka cũng giảm 30%.

Trong khi đó, công ty nhân giống cá tầm hàng đầu của Nga - Caviar House - cũng đang giảm giá trứng cá muối lai Beluga 30%.

Chủ doanh nghiệp Alexander Novikov cho biết mùa Xuân và mùa Hè thường là mùa thấp điểm đối với trứng cá muối, song nếu so với cùng kỳ năm trước, thì doanh thu tại Nga giảm khoảng 50%.

Giá trứng cá muối ở Pháp cũng rơi xuống gần mức thấp lịch sử, trong khi doanh số bán rượu sâm panh cũng "lao dốc" và các nhà sản xuất patê gan ngỗng phải cắt giảm sản lượng để đẩy giá.

Để giảm bớt tác động khi các nhà hàng đóng cửa, nhiều công ty chế biến thực phẩm cao cấp đang nỗ lực tiếp cận khách hàng thông qua các nền tảng thương mại điện tử hay trên các kệ hàng của siêu thị.

Giám đốc điều hành công ty chế biến thịt bò lớn nhất của Australia - Australian Agricultural, ông Hugh Killen, cho biết công ty này đang tăng cường cung cấp sản phẩm cho một số siêu thị lớn cũng như trên các nền tảng kỹ thuật số. Tuy nhiên, bày bán ở siêu thị mang lại lợi nhuận thấp hơn nhiều so với việc bán tại cửa hàng cao cấp.

Ở Nhật Bản, các đầu bếp sushi hàng đầu thường trả 400.000 yen (khoảng 3.737 USD) cho 10 cân cá ngừ loại ngon nhất, cao hơn nhiều so với mức giá 25.000 yen của các siêu thị cho 10 cân cá ngừ có giá trị thấp hơn.

Thông thường phần ngon nhất của cá hồi, gọi là harakami, được bán đầu tiên cho các nhà hàng sushi cao cấp.

Tuy nhiên, kể từ khi các nhà hàng đóng cửa, đầu ra của harakami cũng không còn, và các nhà sản xuất buộc phải giao cá ngừ chất lượng cao cho các nhà bán lẻ và siêu thị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục