Ngành tài chính Việt Nam đảm bảo yêu cầu hội nhập năm 2015

Sau khi dự Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương ASEAN, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định ngành tài chính sẽ đảm bảo được yêu cầu hội nhập.
Ngành tài chính Việt Nam đảm bảo yêu cầu hội nhập năm 2015 ảnh 1Giải đáp thắc mắc cho người nộp thuế tại Cục thuế Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Tùng/TTXVN)

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, các ngành các cấp của Việt Nam, trong đó có ngành tài chính đã chuẩn bị sẵn sàng trên tất cả các lĩnh vực khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), dự kiến được hình thành vào cuối năm 2015.

Sau khi tham dự Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 19 (AFMM-19) và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương ASEAN (AFMGM) lần thứ nhất tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 21/3, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định rằng ngành tài chính Việt Nam sẽ đảm bảo được yêu cầu hội nhập.

Về lĩnh vực thuế, đến nay cơ bản các mức thuế của Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu về cắt giảm thuế trong ASEAN, ngành cũng đang tiến hành từng bước để tiến tới hài hòa các thủ tục về thuế. Trong lĩnh vực hải quan, ngành tài chính đã tiến hành thông quan được hải quan điện tử và đang kết nối để triển khai cơ chế một cửa quốc gia và tiến tới là cơ chế một cửa ASEAN vào cuối năm 2015.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tham dự các hội nghị lần này, đoàn Việt Nam quan tâm đến tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, tăng cường lĩnh vực tài trợ cơ sở hạ tầng và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực quản lý thuế.

Bộ trưởng cho biết, cho đến thời điểm này, ASEAN đã hoàn thành 85% công việc theo lộ trình xây dựng cộng đồng AEC, trong đó kênh hội nhập tài chính được đánh giá đạt tỷ lệ thực hiện các biện pháp xây dựng AEC cao nhất.

Tuy vậy, các Bộ trưởng Tài chính ASEAN nhận định rằng vẫn còn những thách thức sau khi hình thành AEC và các quốc gia thành viên sẽ tiếp tục đưa ra các kế hoạch hành động để thực hiện AEC như tăng cường ổn định tài chính, hỗ trợ xây dựng năng lực, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường tài chính toàn diện, tăng cường cơ chế giám sát kinh tế vĩ mô và đối thoại chính sách.

Về lĩnh vực tài trợ cơ sở hạ tầng, Quỹ cơ sở hạ tầng ASEAN hiện đã có sự tham gia đầy đủ của cả 10 thành viên. Đến thời điểm hiện tại, Indonesia và Việt Nam là hai nước đã có dự án được vay vốn từ Quỹ, trong đó có Dự án truyền tải điện của Việt Nam. Trong tương lai, Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng các danh mục dự án cơ sở hạ tầng để vay từ Quỹ này và đây sẽ là một nguồn tài chính bổ sung, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng trong nước.

Về vấn đề hợp tác thuế, Bộ trưởng cho rằng mặc dù ở các trình độ phát triển khác nhau nhưng các nước, bên cạnh việc thực hiện các cam kết về cắt giảm thuế suất, cần tăng cường hợp tác trao đổi chính sách hướng tới mục tiêu hài hòa hóa về thuế, đảm bảo có sự liên thông giữa chính sách trong nước và quốc tế.

Đề cập đến kết quả của Hội nghị AFMM-19 và Hội nghị AFMGM lần thứ nhất, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tại Hội nghị AFMM-19, các Bộ trưởng nhận định năm 2015 là cột mốc đánh dấu việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN và xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2015, nhằm đề ra mục tiêu và khuôn khổ cho liên kết ASEAN sâu rộng hơn trong 10 năm tới. Hội nghị đã tập trung thảo luận về các lĩnh vực hợp tác tài chính như bảo hiểm, hải quan, hợp tác thuế, tài trợ cơ sở hạ tầng nhằm thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Kinh tế ASEAN và thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng; hài hòa hóa các giải pháp về thuế, hải quan để đảm bảo nguồn thu ngân sách, chống thất thu thuế, chuyển giá và gian lận thuế.

Việc ASEAN tổ chức Hội nghị AFMGM lần đầu tiên đã thể hiện quyết tâm chung của các nhà lãnh đạo cơ quan tài chính và ngân hàng ASEAN trong việc phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy quá trình hội nhập tài chính tiền tệ khu vực sau khi Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục