Ngành tài chính Edinburgh lạc quan vào triển vọng giai đoạn hậu Brexit

Thành phố Edinburgh của Scotland lạc quan rằng ngành tài chính tại đây có đủ năng lực để phát triển cũng như mau phục hồi trước những tác động tiêu cực của Brexit.
Ngành tài chính Edinburgh lạc quan vào triển vọng giai đoạn hậu Brexit ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: ft.com)

Theo tờ The Financial Times, thành phố Edinburgh của Scotland lạc quan rằng ngành tài chính tại đây có đủ năng lực để phát triển cũng như mau phục hồi trước những tác động tiêu cực của việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Quy mô ngành dịch vụ tài chính ở Edinburgh nhỏ hơn so với Trung tâm tài chính London.

Và theo TheCityUK, ngành tài chính Edinburgh mang lại khoảng 5 tỷ bảng Anh mỗi năm cho nền kinh tế, trong khi con số này của Trung tâm tài chính London là 80 tỷ bảng và 50.000 việc làm.

Edinburgh, cái nôi của ngành bảo hiểm nhân thọ, hiện đóng góp tới 13% số việc làm trong lĩnh vực ngân hàng của Anh và 25% số việc làm trong lĩnh vực bảo hiểm. Sự đa dạng của các hoạt động dịch vụ tài chính của Edinburgh là lý do giúp cho thành phố này mau chóng phục hồi trước những tác động của Brexit.

Theo Graeme Jones, Giám đốc điều hành Scottish Financial Enterprise, Edinburgh không có các hoạt động thị trường cho các nghiệp vụ chẳng hạn như nghiệp vụ phái sinh, nên về cơ bản ngành tài chính Edinburgh ít bị tổn thương hơn so với Trung tâm tài chính London.

[Mega Story] Brexit - Vì sao người dân Anh chọn con đường này?

Các công ty tài chính có trụ sở chính hoặc hoạt động tại Edinburgh gồm từ các công ty đa quốc gia lớn như RBS, JPMorgan, Standard Life và BlackRock cho tới cho các ngân hàng nhỏ hơn như Tesco Bank. Phần lớn các ngân hàng ở Edinburgh tập trung vào các khách hàng bán lẻ.

Ngoài ra, khả năng các công ty mất tấm “hộ chiếu” cho phép họ cung cấp các dịch vụ hoặc hoạt động tại bất kỳ nước thành viên EU nào sau khi Brexit cũng không gây nhiều tác động đối với Edinburgh như ở London.

Bên cạnh đó, đội ngũ lao động lành nghề và hạ tầng giáo dục tốt là lợi thế của Edinburgh trong việc hỗ trợ tăng trưởng.

Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, Edinburgh là thành phố có học vấn cao nhất của nước Anh, với khoảng 55% lực lượng lao động có bằng đại học hoặc tương đương.

Theo Fintech Scotland, mối liên kết chặt chẽ giữa các trường đại học, các nhà hoạch định chính sách và các công ty đã mang lại một môi trường tập trung cho các doanh nghiệp mà khó nơi nào sánh được.

Theo bà Louise Smith, người đứng đầu bộ phận thiết kế và thực hiện dự án tại RBS, cho rằng khả năng mất nguồn tài trợ của EU cho nghiên cứu học thuật sau khi Brexit không đáng quan ngại bằng việc thu hút và giữ chân các nhân tài.

Báo cáo của Oliver Wyman mới đây cho hay Brexit có thể khiến nước Anh mất tới 75.000 việc làm trong lĩnh vực tài chính.

Tuy nhiên, Edinburgh ít phụ thuộc vào lao động EU hơn so với London. Thống kê của ONS cho hay trong năm 2016, khoảng 10% nhân viên trong lĩnh vực tài chính và bảo hiểm ở London đến từ EU, so với mức trung bình ở Anh là 7% và ở Scotland là 6%.

Một lợi thế khác của Edinburgh là giá bất động sản tại đây chỉ bằng là một phần nhỏ của London, với giá nhà trung bình là 242.000 bảng Anh, thấp hơn nhiều so với mức 628.000 bảng tại thủ đô London.

Miles Celic, Giám đốc điều hành TheCityUK, cho rằng dù người dân Edinburgh lạc quan vào khả năng vượt qua các tác động tiêu cực của Brexit, song tiến trình này vẫn tác động bất lợi chung trên toàn nước Anh.

Và vào giai đoạn đàm phán quan trọng hiện nay, ưu tiên cấp bách nhất đối với các doanh nghiệp là Anh và EU đạt được một thỏa thuận chuyển tiếp cho giai đoạn hậu Brexit./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục