Ngành sản xuất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ASEAN như thế nào?

Theo tác giả Eijas Ariffin, những ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đối với khu vực ASEAN có thể đã bị thổi phồng lên rất nhiều so với thực tế.
Ngành sản xuất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ASEAN như thế nào? ảnh 1Sản xuất ôtô tại Thái Lan. (Nguồn: Seasia.co)

Trang mạng ASEAN Post mới đây đăng bài viết “Ngành sản xuất đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực ASEAN như thế nào?” của tác giả Eijas Ariffin, trong đó chỉ ra yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các quốc gia trong khu vực ASEAN.

Nội dung như sau:

Sản xuất là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng của ASEAN. Hiện tại, ASEAN được coi là khu vực trung tâm sản xuất toàn cầu, ước tính sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép là 6,6% giai đoạn từ năm 2016-2020.

Yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trong khu vực này là sức mua của 640 triệu người tiêu dùng với phân khúc thu nhập trung bình ngày càng tăng. Mức thu nhập tăng của người dân đã làm thay đổi xu hướng tiêu dùng và góp phần tạo ra mức tăng trưởng mới trong lĩnh vực này.

Yếu tố thứ hai chính là mức chi phí cho các hoạt động sản xuất rẻ hơn các thị trường khác đã thu hút các doanh nghiệp lớn ngoài khu vực ASEAN đầu tư sản xuất và mở rộng các hoạt động tại đây.

Thời gian qua, Trung Quốc đã điều chỉnh đáng kể mức lương của người lao động, bên cạnh đó Trung Quốc cũng sửa đổi các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo hướng chặt chẽ hơn dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp phải đối mặt với thực trạng tăng chi phí hoạt động, buộc phải tìm kiếm và chuyển hướng sang các khu vực có chi phí rẻ hơn và ASEAN là khu vực các doanh nghiệp hướng tới nhằm giảm chi phí sản xuất trong khi có thể tận dụng được tính ưu việt của chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Sự tham gia của ASEAN vào các thỏa thuận thương mại ngoài khu vực đã cải thiện vị thế của ASEAN là một trung tâm sản xuất toàn cầu.

Chẳng hạn như Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) biến ASEAN thành một thị trường và cơ sở sản xuất duy nhất. Trong khi đó, các thỏa thuận thương mại lớn như Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nếu thành công sẽ là một bước tích cực hướng tới Khu vực thương mại tự do rộng lớn hơn ở châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) có thể đóng vai trò là một diễn đàn liên chính phủ hữu ích về thương mại tự do...

Do đó, các nhà sản xuất trong khu vực sẽ có thể được hưởng chi phí giao dịch thấp hơn nhờ hội nhập kinh tế lớn hơn và môi trường chính sách tự do hóa và phối hợp hơn.

Thế giới đang phát triển theo xu thế sử dụng các ứng dụng khoa học công nghệ cao và đã có sự phát triển vượt bậc trong ngành công nghiệp sản xuất ôtô.

Theo số liệu thống kê gần đây, ngành công nghiệp sản xuất và xuất khẩu ôtô xếp ở vị trí thứ năm trong số các ngành công nghiệp của khu vực ASEAN với giá trị xuất khẩu đạt 42,5 tỷ USD chỉ tính riêng mặt hàng phụ tùng và phụ kiện trong năm 2016.

Theo dự báo, ngành công nghiệp sản xuất ôtô dự kiến sẽ tăng 23% lên 77 tỷ USD vào năm 2020. Điều này sẽ được thúc đẩy bởi nhu cầu nội địa hóa tăng trong quá trình sản xuất ôtô.

Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên ASEAN đã có một lợi thế chiến lược vốn có là một trung tâm sản xuất và xuất khẩu ôtô phục vụ cho cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Thái Lan và Indonesia là hai quốc gia dẫn đầu của ASEAN trong lĩnh vực này. ASEAN đang ngày càng chứng tỏ là một trung tâm sản xuất các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng mới (sử dụng hệ thống điện và công nghệ hybrid).

Do vậy, các nhà sản xuất trong khu vực cần phải tham gia vào các ngành công nghiệp thứ cấp hay nói cách khác là tham gia sản xuất phụ tùng và linh kiện ô tô để tạo ra lợi thế cạnh tranh so với các nhà sản xuất truyền thống ở các khu vực khác.

[ASEAN có thể vượt qua "mùa gió chướng" kinh tế bằng cách nào?]

Ngoài lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu ôtô, ngành sản xuất nhiên liệu tinh chế cũng mang lại cơ hội tăng trưởng kinh tế lớn cho các nước ASEAN. Nhu cầu sử dụng nhiên liệu của người dân ngày càng lớn và yêu cầu về chất lượng nhiên liệu ngày càng cao. Điều này đang mang lại cơ hội phát triển cho các nước trong khu vực ASEAN bằng cách mở rộng xây dựng các nhà máy lọc dầu mới cũng như nâng cấp các nhà máy hiện có đạt các tiêu chuẩn vận hành cao hơn.

Theo các nhà phân tích kinh tế, nhu cầu sử dụng năng lượng bình quân đầu người trong khu vực ASEAN vẫn thấp hơn mức bình quân đầu người trên toàn cầu. Điều này mở ra một tương lai tăng trưởng rộng lớn cho các nước ASEAN trong lĩnh vực này.

Các quốc gia ASEAN đang trong xu hướng phát triển mạnh mẽ, họ sẽ phải đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước, điều này có thể làm tăng sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu và gây lo ngại về gánh nặng kinh tế trong việc đảm bảo an ninh năng lượng. Do đó, buộc các quốc gia ASEAN phải tìm cách phát triển ngành công nghiệp tinh chế nhiên liệu, giảm phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài đồng thời tạo ra một sân chơi bình đẳng cho cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu nước ngoài.

Bên cạnh các yếu tố tích cực tạo ra cơ hội phát triển cho các nước ASEAN, chúng ta không thể không nói đến những khó khăn cản trở quá trình phát triển này.

Một trong những khó khăn mà các nền kinh tế trong khu vực ASEAN phải đối mặt đó chính là ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bởi vì ASEAN là trung tâm của chuỗi giá trị xuyên quốc gia. Các nhà sản xuất và các doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi việc chính quyền Mỹ áp mức thuế cao hơn nhiều so với trước đây đối với các mặt hàng đầu vào trong quá trình sản xuất như linh kiện, thiết bị hay các sản phẩm thô khác...

Tuy nhiên, những ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đối với khu vực ASEAN có thể đã bị thổi phồng lên rất nhiều so với thực tế bởi vì ý kiến cho rằng các quốc gia ASEAN chính là những đối tượng hưởng lợi từ cuộc chiến này.

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ chuyển cơ sở sản xuất sang các nước ASEAN để tránh mức thuế cao do Chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt.

Cho đến nay, sản xuất vẫn là một ngành quan trọng đối với nền kinh tế ASEAN. Mặc dù các nhà phân tích luôn đề cao cảnh giác với tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, các cơ hội thị trường hiện tại và trong tương lai sẽ góp phần vào sự tăng trưởng của khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục