Các nhà phân tích năng lượng ngày 4/6 cảnh báo nhu cầu nhiên liệu hóa thạch đang sụt giảm cùng với rủi ro gia tăng đối với các nhà đầu tư có thể khiến giá trị dự trữ dầu và khí đốt giảm 2/3, qua đó tác động tiêu cực tới kinh tế thế giới, trong khi giá trị lợi nhuận dự kiến của lĩnh vực dầu khí cũng có thể giảm 2/3 trong tương lai.
Theo một báo cáo của Carbon Tracker, một tổ chức nghiên cứu tài chính phi lợi nhuận, sự cạnh tranh của các công nghệ năng lượng sạch cùng với những chính sách của chính phủ các nước nhằm đạt được các mục tiêu về khí hậu và an ninh năng lượng đang đẩy ngành sản xuất nhiên liệu hóa thạch “rơi xuống đáy."
Ông Kingsmill Bond, chiến lược gia về năng lượng mới của Carbon Tracker và là chủ biên của nghiên cứu trên, cho hay tình trạng “rơi xuống đáy” bắt đầu diễn ra sau khi nhu cầu nhiên liệu đã lên tới đỉnh điểm.
Theo ông Bond, một ví dụ điển hình là nhu cầu than toàn cầu đã đạt đỉnh vào năm 2013 và kể từ sau đó đến nay đã không bao giờ tăng trở lại mức trên.
Trước dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhiều nhà phân tích dự đoán nhu cầu dầu và khí đốt toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào giữa thập niên 2020 trong khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu sẽ ổn định vào cuối thập niên 2020.
[Góc nhìn toàn cảnh về tương lai của ngành dầu mỏ]
Tuy vậy, tình trạng kinh tế suy giảm do các nước áp dụng lệnh phong tỏa để chống dịch COVID-19 kể từ tháng 3/2020 có thể đẩy nhanh quá trình trên.
Theo ông Bond, nhu cầu nhiên liệu hóa thạch của thế giới nhìn chung đã đạt đỉnh.
Trong khi đó, IEA dự đoán nhu cầu nhiên liệu hóa thạch toàn cầu sẽ giảm 8% trong năm 2020 do dịch COVID-19.
Ông Bond nhận định khó có thể dự báo mức độ hồi phục trong năm 2021 song nếu mức độ hồi phục là 50% và nếu lĩnh vực sản xuất nhiên liệu hóa thạch khôi phục mức tăng trưởng 1% thì sẽ phải đến năm 2025 mới có thể khôi phục mức độ của năm 2019. Song khi đó, các công nghệ năng lượng tái tạo sẽ phát triển đủ mạnh để đáp ứng được mức tăng trưởng về nhu cầu nhiên liệu trên thế giới.
Theo báo cáo hồi tháng 5/2020 của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), trong năm 2019, các loại điện sản xuất từ năng lượng tái tạo như – điện Mặt Trời và phong điện - chiếm 72% mức tăng trưởng sản lượng của lĩnh vực sản xuất điện toàn cầu.
Trong khi đó, quy mô của nền kinh tế nhiên liệu hóa thạch, với giá trị cơ sở hạ tầng nguồn cung đạt khoảng 10.000 tỷ USD và giá trị cơ sở hạ tầng về nhu cầu đạt 22.000 tỷ USD, đồng nghĩa với việc sụt giảm nhanh có thể gây ra một mối nguy đối với sự ổn định tài chính.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nhiên liệu hóa thạch có tổng giá trị cổ phiếu niêm yết lên tới 18.000 tỷ USD, chiếm 25% tổng giá trị của các thị trường cổ phiếu trên thế giới.
Theo tính toán của Carbon Tracker, nếu nhu cầu nhiên liệu giảm 2%/năm, cùng với mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ Trái Đất dưới 2 độ C theo Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu thì lợi nhuận trong tương lai của ngành dầu khí sẽ giảm gần 2/3 xuống còn 14.000 tỷ USD.
Sự sụt giảm lợi nhuận nói trên ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ.
Các quốc gia có thu nhập từ xuất khẩu dầu khí lớn nhất thế giới là Saudi Arabia, Nga, Iraq và Iran.
Trong khi đó, các quốc gia dễ bị tổn thương nếu tình trạng trên diễn ra bao gồm Venezuela, Ecuador, Libya, Algeria, Nigeria và Angola./.