Năm 2019, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam có thể lập kỷ lục mới về doanh số. Để tiếp tục thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ôtô trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, theo các chuyên gia, bên cạnh việc việc ban hành chính sách mạnh mẽ hơn để bảo vệ và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp nội địa, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần hướng tới chiến lược khách hàng là trung tâm trong quá trình chuyển mình của thị trường ôtô nội địa.
2019 có thể lập kỷ lục mới về doanh số
Chiều 10/10, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) công bố doanh số bán hàng của các đơn vị thành viên trong tháng Chín vừa qua đạt 27.767 xe các loại, tăng 29% so với tháng trước.
Trong tổng doanh số trên, có 20.916 xe du lịch, tăng 37%; 6.532 xe thương mại, tăng 10%; và 319 xe chuyên dụng, tăng 10% so với tháng liền trước.
Tính chung trong 9 tháng qua, các đơn vị thành viên VAMA có tổng doanh số bán 230.334 xe ôtô các loại, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với sức tiêu thụ bình quân của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) và của TC MOTOR gần 32.000 xe/tháng trong 9 tháng qua, thị trường ôtô Việt Nam cả năm nay có thể xác lập kỷ lục mới về doanh số bán hàng.
[Việt Nam cần những chính sách đột phá để phát triển công nghiệp ôtô]
Xét về xuất xứ xe, nếu như các tháng trước, doanh số bán xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu có sự tăng giảm trái chiều trong tháng Chín vừa qua ở hai phân khúc này đều có sự tăng trưởng mạnh so với tháng trước đó.
Cụ thể, trong khi doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 16.994 xe, tăng 35%, số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc cũng tăng 21% khi có 10.773 xe được bàn giao đến tay khách hàng trong cả nước.
Tính chung trong 9 tháng qua, các đơn vị thành viên VAMA có tổng doanh số bán 230.334 xe ôtô các loại, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xe ôtô du lịch đạt 168.694 xe, tăng 30%; xe thương mại 57.523 xe, giảm 3%; và xe chuyên dụng đạt 4.117 xe, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, theo giới chuyên doanh, con số báo cáo bán hàng trên của VAMA chưa thể hiện hết toàn cảnh thị trường ôtô Việt Nam bởi ngoài các đơn vị thành viên VAMA, còn có sự góp mặt của các thương hiệu TC Motor, Audi, Jaguar, Land Rover, Subaru, Volkswagen, Volvo… và mới đây là VinFast bởi một số đơn vị này là không phải thành viên VAMA hoặc là thành viên như Mercedes-Benz hay Audi nhưng không công bố doanh số bán hàng.
Chỉ tính riêng số liệu công bố của VAMA và TC MOTOR, trong tháng Chín vừa qua có tổng cộng 35.488 xe được tiêu thụ. Tính chung 9 tháng qua, cả nước có tổng số 285.807 xe ôtô các loại được giao cho khách hàng.
Giới chuyên doanh nhận định, với doanh số tiêu thụ bình quân gần 32.000 xe ôtô/tháng của cả VAMA và TC MOTOR trong 9 tháng qua, từ nay đến hết năm còn 3 tháng bán hàng, thị trường ôtô Việt Nam cả năm 2019 có thể đạt tổng doanh số trên 384.000 xe các loại và xác lập kỷ lục mới.
Qua đó, sẽ vượt xa doanh số gần 290.000 xe của năm 2018 và con số từng ghi kỷ lục 304.000 xe trong năm 2016 của thị trường ôtô Việt Nam.
Thị trường công nghiệp ôtô hướng đến khách hàng
Ngày 24/10, tại Hội thảo Xây dựng thị trường cho công nghiệp ôtô Việt Nam hướng tới khách hàng, do Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) và Hiệp hội các nhà Nhập khẩu ôtô chính hãng Việt Nam (VIVA) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đăng Duy Nhất, Tổng giám đốc Global Elite Consulting, Giám đốc CMO Council tại Việt Nam cho rằng, trong chiến lược lấy khách hàng làm trung tâm cần tập trung vào giá trị riêng của từng thương hiệu.
Ngoài ra, xu thế chuyển dịch mới của thế giới số sẽ giúp đơn vị sản xuất đến gần với khách hàng hơn.
Theo ông Nguyễn Đăng Duy Nhất, các Hiệp định Thương mại tự do tạo thuận lợi thương mại với lộ trình cắt giảm thuế bằng 0%, thì đơn vị sản xuất không thể “bám” vào đâu ngoài khách hàng để cải thiện năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, đây cũng là bài toán khó mà mỗi doanh nghiệp cần tìm lời giải riêng cho mình.
Ghi nhận trên thị trường toàn cầu, nhiều doanh nghiệp trong ngành công nghiệp ôtô đã chứng tỏ sự thành công khi không ngừng cải tiến sản phẩm, quản trị rủi ro hiệu quả. Một số thương hiệu khác lại nỗ lực thay đổi, lựa chọn phân khúc khách hàng và phục vụ những đối tượng nhất định thông qua việc nắm bắt xu hướng thị trường.
Điều này cho thấy, thị trường luôn luôn cạnh tranh, nhưng các thương hiệu vẫn tồn tại và duy trì tốc độ tăng trưởng. Đó là nhờ vào việc doanh nghiệp đã tư duy khác biệt trong quy trình sản xuất, kết nối khách hàng thành công bằng cách đáp ứng yêu cầu cá nhân hóa.
Qua đó, doanh nghiệp cung cấp được những giá trị mà khách hàng mong đợi hay kỳ vọng, nhất là người tiêu dùng ngày càng ưu tiên mua trải nghiệm chứ không chỉ dừng lại ở sở hữu sản phẩm, dịch vụ. Đáng chú ý hơn, doanh nghiệp sẽ kết nối với khách hàng thành công bằng cách đáp ứng yêu cầu cá nhân hóa.
Như vậy, chiến lược thương hiệu cho doanh nghiệp là cần hiểu số hóa đang làm thay đổi hành vi và tâm lý người tiêu dùng rất nhanh.
Thế giới số đòi hỏi doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh. Để thành công, doanh nghiệp tập trung những yếu tố nhanh-rẻ-chất lượng và tiên phong trong đổi mới sáng tạo.
Dẫn chứng cụ thể, ông Ninh Hữu Chấn, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam chỉ ra rằng, đối với thị trường ôtô Việt Nam được đánh giá tiềm năng với dân số đông và số lượng ôtô cá nhân còn hạn chế.
Cùng với đó, thị trường ngày càng đa dạng cung lẫn cầu, nên khách hàng sẽ là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nhận diện thị hiếu tiêu dùng.
Cụ thể, doanh nghiệp nắm bắt cơ hội chinh phục khách hàng thông qua đầu tư, phát triển công nghệ, cũng như tung ra những sản phẩm độc đáo. Còn đối với cơ quan quản lý, việc hiểu rõ sự chuyển động của thị trường và thị hiếu tiêu dùng sẽ giúp có cơ chế chính sách phù hợp để thúc đẩy thị trường ôtô phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Liên quan đến định hướng phát triển ngành công nghiệp ôtô, ông Đỗ Nam Bình, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục công nghiệp cho biết, ngành công nghiệp ôtô được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp đi đầu, kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp khác.
Công nghiệp ôtô là “khách hàng” của nhiều ngành công nghiệp có liên quan như kim loại, cơ khí, điện tử, hóa chất… Vì vậy, sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp ôtô được xem là nhân tố tác động tích cực thúc đẩy những ngành có liên quan phát triển, tạo động lực xây dựng nên công nghiệp.
Tiềm năng phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam đang phụ thuộc vào 3 yếu tố gồm: quy mô và cơ cấu dân số, mức thu nhập bình quân đầu người và số xe trung bình/1.000 dân.
Tại Việt Nam, xu thế ôtô hóa dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới, khi GDP bình quân đầu người vượt 3.000 USD và số xe trung bình trên 1.000 dân đạt 50 xe.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, là khách hàng tiêu dùng lớn tiềm năng của xe cả nhân. Dự kiến nhu cầu tiêu thụ ôtô sẽ bùng nổ trong giai đoạn đến năm 2025.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm nhập khẩu (đặc biệt là ôtô từ các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia) và trong vòng 7- 10 năm tới, sản phẩm ôtô từ các quốc gia thành viên Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia sẽ thúc đẩy kim ngạch nhập khẩu ôtô tiếp tục tăng cao. Đơn cử, dự kiến nhập siêu ngành ôtô năm nay sẽ đạt mức kỷ lục hơn 3,4 tỷ USD.
Theo một số chuyên gia, trước hết các cơ quan chức năng cần tập trung xây dựng, hoàn thiện các chính sách thuế nội địa nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước tăng khả năng cạnh tranh trước làn sóng xe nhập khẩu trong thời gian tới.
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy mở rộng hoạt động sản xuất, lắp ráp ôtô, công nghiệp hỗ trợ trong nước cần có cơ chế ưu đãi phù hợp với tình hình mới.
Đặc biệt, muốn thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, khi hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ theo cam kết quốc tế, cần ban hành và đề xuất ban hành những chính sách mạnh mẽ hơn để bảo vệ và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp nội địa. Đồng thời, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong nước để có thế cạnh tranh với sản phẩm nguyên chiếc nhập khẩu./.