Ngành nông nghiệp với mục tiêu về an ninh lương thực và xuất khẩu

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Việt Nam, với diện tích xấp xỉ 7,3 triệu ha trồng lúa, 1 triệu ha trồng rau nên về cơ bản Việt Nam không có nguy cơ mất an ninh lương thực,
Ngành nông nghiệp với mục tiêu về an ninh lương thực và xuất khẩu ảnh 1Bốc xếp gạo xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Trong khi nhiều quốc gia đang phải tìm cách ứng phó để đảm bảo an ninh lương thực thì Việt Nam nhờ cơ bản kiểm soát được dịch bệnh COVID trong nước, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục đạt kết quả tốt, đồng thời xuất khẩu nông sản tăng mạnh với thặng dư thương mại 5 tháng đầu năm gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Nga và Ukraine lần lượt là các nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất và lớn thứ 5 thế giới. Hai nước này đóng góp 19% nguồn cung lúa mạch thế giới, 14% lúa mỳ và 4% ngô, chiếm hơn 30% lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu.

Tuy nhiên, căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã khiến hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và nhiều loại hàng hóa bị đình trệ, gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu với giá ngũ cốc, dầu nấu ăn, nhiên liệu và phân bón tăng vọt.

Tình trạng trên khiến nhiều quốc gia đã hạn chế xuất khẩu những mặt hàng lương thực và thực phẩm. Ngay như Malaysia xuất khẩu 3,6 triệu tấn thịt gà mỗi tháng cũng đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu thịt gà giữa bối cảnh nước này đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung nội địa và giá cả tăng cao.

Trong nước, lương thực chính được sử dụng là lúa gạo hiện cả nước gần như đã cơ bản thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân. Đến trung tuần tháng 5, cả nước gieo cấy được 4.282 nghìn ha lúa Đông Xuân và Hè Thu; trong đó đã thu hoạch khoảng 2.673 nghìn ha, tăng 3,6% cùng kỳ; năng suất bình quân đạt 66,2 tạ/ha; sản lượng thu hoạch đạt khoảng 17,7 triệu tấn.

Với sản lượng trên, nguồn cung lúa gạo đáp ứng dồi dào cho tiêu dùng trong nước và còn phục vụ cho xuất khẩu với khối lượng 2,86 triệu tấn trong 5 tháng đầu năm, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái và mang về giá trị 1,39 tỷ USD.

Hiện các địa phương phía Nam đã xuống giống vụ Hè Thu. Một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu thu hoạch lúa trà sớm như Long An, Đồng Tháp… Các địa phương miền Bắc cũng bắt đầu gieo cấy vụ Hè Thu, vụ Mùa.

[Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tiếp tục đà tăng trưởng tốt]

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Việt Nam có diện tích xấp xỉ 7,3 triệu ha trồng lúa, 1 triệu ha trồng rau… nên về cơ bản Việt Nam không có nguy cơ mất an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng trên bình diện quốc gia trước mắt cũng như lâu dài.

“Với khả năng sản xuất như hiện nay và không có tác động bất ngờ nào như thiên tai… thì Việt Nam luôn bảo đảm an ninh lương thực,” ông Cường nhấn mạnh.

Ngành nông nghiệp với mục tiêu về an ninh lương thực và xuất khẩu ảnh 2Dây chuyền chế biến thịt gà của nhà máy Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Với thực phẩm, mặc dù ngành chăn nuôi cũng gặp khó khăn do giá thức ăn ở mức cao; nguy cơ tái phát dịch tả lợn châu Phi lớn... nhưng các địa phương đã tích cực hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi thông qua biện pháp tăng cường chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học.

Nhìn chung, đàn lợn, đàn bò và gia cầm tiếp tục phát triển ổn định. Cụ thể, đàn bò ước tăng khoảng 1,6% so với cùng kỳ tháng 5/2021; đàn lợn tăng 5,7% và đàn gia cầm tăng 1,9 %; riêng đàn trâu ước giảm khoảng 1,5%;

Với sự phát triển ổn định trong chăn nuôi không chỉ đáp ứng cơ bản cho nhu cầu trong nước mà hiện, một số sản phẩm động vật của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang nhiều thị trường.

Điển hình như thịt gà chế biến xuất khẩu sang 7 nước và vùng lãnh thổ; sữa và sản phẩm sữa xuất khẩu sang gần 50 nước, nhất là thị trường Trung Quốc có tiềm năng rất lớn; thịt lợn sữa, lợn choai, lợn mảnh, trứng gia cầm... cũng đã được xuất khẩu sang một số thị trường.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam sang các nước còn nhiều hạn chế do điều kiện sản xuất, chưa tương xứng với tiềm năng của ngành chăn nuôi Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Quyền Cục trưởng Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, Cục Thú y cũng đã hỗ trợ 9 doanh nghiệp có sản phẩm động vật xuất khẩu sang Hàn Quốc chuẩn bị hồ sơ đánh giá từ xa theo yêu cầu của Hàn Quốc. Cục đang hỗ trợ các công ty sữa có nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc theo quy định mới của Lệnh 248 và Lệnh 249 của Trung Quốc. Hiện nay, đã có 8 doanh nghiệp Việt Nam với 12 nhà máy sản xuất sữa đã được Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu sữa vào thị trường này.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết trong thời gian tới, để đẩy mạnh xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam, các đơn vị, địa phương và doanh nghiệp cần tập trung xây dựng thành công các chuỗi sản xuất, vùng chăn nuôi đạt yêu cầu an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của quốc tế và của nước nhập khẩu; nâng cao chất lượng sản phẩm động vật xuất khẩu của Việt Nam nhằm đáp ứng được quy định của các thị trường nhập khẩu.

Do vậy, để bảo đảm an toàn trong chăn nuôi cũng như từng bước xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) hướng tới xuất khẩu, đến nay Cục Thú y và cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh cho 3.705 lượt cơ sở, vùng chăn nuôi tại 52 tỉnh, thành phố, bao gồm 1.462 cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm; 2.039 cơ sở, vùng chăn nuôi lợn và 204 cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác.

Riêng việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE hướng tới xuất khẩu, mục tiêu của ngành nông nghiệp đến năm 2025, xây dựng vùng chăn nuôi gia cầm của 9 huyện thuộc tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Đồng Nai an toàn dịch đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle.

Đồng thời, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thiết lập vùng đệm 23 huyện. Các huyện này từng bước xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam, sau đó tiến tới áp dụng và đạt tiêu chuẩn theo quy định của OIE.

Với chăn nuôi gia súc, đến năm 2025, ngành nông nghiệp đặc mục tiêu xây dựng vùng chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn của OIE của 7 huyện của tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước an toàn với một số loại bệnh.

Bộ chỉ đạo Cục Thú y thành lập Tổ công tác kỹ thuật thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật để tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu để đẩy mạnh xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.

Để đảm bảo kế hoạch tăng trưởng của ngành, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành tiếp tục chỉ đạo chăm sóc, thu hoạch vụ Hè Thu, xuống giống vụ Mùa tại các tỉnh phía Nam; triển khai gieo cấy vụ Hè Thu, vụ Mùa tại các tỉnh phía Bắc.

Ngành tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm; hỗ trợ tiêu thụ, lưu thông sản phẩm chăn nuôi. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo triển khai nhanh mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trên các đối tượng vật nuôi, nhất là đối với chăn nuôi lợn.

Trước tình trạng, giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất lương thực, thực phẩm tăng cao. Điều này, dẫn đến một số hệ lụy, tác động trực tiếp tới ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực sản xuất lương thực, thực phẩm nói riêng. Để ổn định thu nhập cho người nông dân, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ đã tập trung chỉ đạo điều chỉnh kế hoạch sản xuất linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của các yếu tố bất lợi.

Ngành nông nghiệp đẩy mạnh khuyến cáo nông dân áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến giảm chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, gia tăng sử dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Đặc biệt là đổi mới tư duy sản xuất, đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp; tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục