Một tháng sau khi Nga đáp trả biện pháp trừng phạt kinh tế do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt bằng lệnh cấm nhập khẩu nông sản, thực phẩm của phương Tây vào thị trường Nga, nhiều sản phẩm nông nghiệp của châu Âu đã bắt đầu hứng chịu hậu quả.
Ngày 3/9, Ủy viên nông nghiệp châu Âu, Dachan Cholosh cho biết lệnh cấm nhập khẩu của Nga làm hoạt động xuất khẩu nông sản của EU bị thiệt hại tới 5 tỷ euro (6,6 tỷ USD).
Theo hãng tin Reuters, EU đánh giá lệnh cấm nhập của Nga sẽ ảnh hưởng đến 4,2% tổng lượng xuất khẩu của liên minh gồm 28 nước này, hay một nửa kim ngạch xuất khẩu sang Nga, trong đó hàng rau quả và sữa chịu thiệt hại nặng nề nhất, khi thị phần xuất sang Nga chiếm tỷ trọng lần lượt 29% và gần 30% tổng sản lượng xuất khẩu hai mặt hàng này của EU.
Các nước bị ảnh hưởng nhiều nhất từ lệnh cấm vận của Nga là Litva, Ba Lan, Đức. Riêng Bỉ ước tính thiệt hại khoảng 281 triệu euro trong năm nay và chính quyền địa phương đang kêu gọi dân chúng tăng cường dùng trái cây nội địa để ủng hộ các nhà sản xuất nông nghiệp.
Một chuyên gia về thị trường của EU cho biết để giảm bớt hậu quả của lệnh cấm vận từ Nga, trước tiên cần phải thực hiện các chương trình cổ vũ dân chúng trong nước tiêu thụ nhiều hơn nữa trái cây, trước khi áp dụng các giải pháp thị trường khác.
Ngày 3/9, Ủy ban nông nghiệp thuộc Ủy ban châu Âu (EC) đã nhóm họp để tìm các biện pháp khác nhằm tiêu thụ nông sản, thực phẩm. Ông Roger Waite, phát ngôn viên Ủy ban nông nghiệp EC cho biết EU vẫn khá lạc quan về thị trường nông sản xuất khẩu. Không có Nga, EU sẽ tìm kiếm các thị trường mới. Việt Nam cũng là một thị trường tiềm năng cho một số nông sản châu Âu.
Trước mắt, EC tài trợ một phần việc chuyển hướng nguồn hàng dôi dư bằng cách phát miễn phí cho mục đích sử dụng phi thực phẩm hoặc lưu trữ để chờ các thị trường mới. Ngoài ra, EC cũng thông báo chi 30 triệu euro cho các chiến dịch khuyến mại.
Cuối tuần này, 28 quốc gia thành viên EU sẽ nhóm họp ở Brussels để xem xét các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất từ lệnh cấm vận từ Nga để xác định các khoản trợ giúp kịp thời.
Trước đó, ngày 11/8, EU đã hỗ trợ 32,7 triệu euro cho các nhà sản xuất đào, sau đó ngày 25/8 lại quyết định chi thêm 125 triệu euro cho tất cả các nhà sản xuất rau quả để bù đắp một phần thiệt hại khi không xuất được hàng sang Nga đúng mùa thu hoạch cao điểm./.