Mặc dù nền kinh tế Việt Nam thời gian qua có nhiều biến động, nhưng ngành nhựa của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng bền vững, bình quân từ 20% đến 25% hàng năm, trong đó các ngành mũi nhọn như công nghệ sản xuất ống nhựa, bao bì có mức phát triển từ 30 đến 50%.
Đạt được kết quả này, ngành nhựa Thành phố Hồ Chí Minh đã không ngừng tiếp cận và áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến.
Chiếm 80% tổng sản lượng cả nước
Theo Tổng cục Thống kê, nếu tính doanh nghiệp nhựa đang hoạt động có vốn từ 500 triệu đồng trở lên có trên 1.000 doanh nghiệp, chủ yếu ở các tỉnh phía Nam.
Số lượng doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương và Long An chiếm tới 80% tổng số lượng doanh nghiệp nhựa trên cả nước.
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm sản xuất chiếm 80% tổng sản lượng sản phẩm nhựa của cả nước và thu hút vốn đầu tư đạt 80% trong tổng số 15 tỷ USD trong vòng 20 năm qua.
Vào năm 2012, Công ty Nhựa Bình Minh đã soán ngôi vương của Nhựa Tiền Phong, trở thành doanh nghiệp nhựa có lợi nhuận cao nhất cả nước.
Nếu như năm 2008 đánh dấu bước phát triển khi doanh thu của Công ty vượt qua ngưỡng 1.000 tỷ đồng, thì đến năm 2013, doanh thu đã đạt 2.088 tỷ đồng.
Trên đà thắng lợi, Công ty Nhựa Bình Minh đặt mục tiêu trong năm 2014 đạt doanh thu 2.190 tỷ đồng, lợi nhuật đạt 490 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Kim Yến, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhựa Bình Minh, nhận định thị trường chủ lực của ngành nhựa Thành phố vẫn là thị trường trong nước. Với uy tín và thương hiệu đã in sâu trong lòng khách hàng, Bình Minh nói riêng và ngành nhựa thành phố nói chung luôn hướng đến mục tiêu cho ra những sản phẩm nhựa đạt chuẩn quốc tế, tự tin cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu.
Hiện nay Nhựa Bình Minh có mạng lưới hơn 1.000 đơn vị phân phối sản phẩm trên toàn quốc.
Ông Trương Văn Long, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật nhựa - cao su và quản lý năng lượng (Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh), cho biết: Nhựa là vật liệu được sử dụng trên rất nhiều sản phẩm, lĩnh vực khác nhau, vốn đầu tư sản xuất nhựa cũng không quá lớn so với các ngành sản xuất khác. Trong ngành xây dựng, các vật liệu xây dựng bằng nhựa có ưu thế về độ nhẹ, giá thành rẻ mà độ bền lại cao.
Cùng quan điểm trên, các doanh nghiệp nhựa Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng trong tương lai gần, khi nền kinh tế phục hồi, đặc biệt là thị trường bất động sản, ngành nhựa trong nước sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn, giống như cuộc bứt phá ngoạn mục của Nhựa Bình Minh trong giai đoạn năm năm, từ năm 2008 đến năm 2012.
Khu vực tập trung khoa học và kỹ thuật
Theo Hiệp hội Nhựa Thành phố Hồ Chí Minh (VSPA), qua 20 năm trưởng thành và phát triển, ngành nhựa Thành phố phát triển bền vững được như ngày nay nhờ luôn chú trọng, tập trung đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc, thân thiện với môi trường.
Thành phố Hồ chí Mình hiện được coi là trung tâm về khoa học và kỹ thuật công nghệ nhựa với năm phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, các phòng thí nghiệm quốc tế và các trường đại học có chương trình đào tạo kỹ sư hóa nhựa và phòng thí nghiệm hóa nhựa.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu về công nghệ phát triển nhựa phân hủy sinh học, thời gian phân hủy chỉ là 1-2 năm thay cho nhựa hóa thạch 600 năm mới phân hủy, hướng tới công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường.
Tiêu biểu là công nghệ OXO sản xuất nguyên liệu chủ phối trộn với nguyên liệu nhựa hóa thạch thông thường, sử dụng thiết bị máy móc sản xuất nhựa phân hủy sinh học.
Công nghệ này đang phát triển phổ biến trong các doanh nghiệp bao bì nhựa, trong đó nòng cốt là các doanh nghiệp bao bì nhựa đã nhận thẻ xanh của Tổng Cục môi trường Việt Nam.
Hiện đã có gần 20 sản phẩm túi nilon Việt Nam được Tổng Cục môi trường cấp nhãn xanh thân thiện môi trường.
Xác định mục tiêu phát triển công nghệ cao thân thiện với môi trường, VSPA đã phối hợp với Liên đoàn nhựa Singapore nghiên cứu công nghệ nhựa phân hủy sinh học 0% plastic từ nhiều năm qua.
Công nghệ này sử dụng nguyên liệu chính là bột khoai mì Việt Nam phối kết với dầu cọ Malaysia và một số loại hóa chất sinh học khác thành nguyên liệu sản xuất, với dây chuyền thiết bị sản xuất khép kín bốn trong một bao gồm các công đoạn tạo hạt, thổi túi, in ấn, xếp túi.
Theo ông Trần Công Hoàng Quốc Trang, Chủ tịch VSPA, công nghệ này sử dụng thiết bị toàn bộ hoàn toàn mới với công nghệ đón đầu 20 năm tới.
Sử dụng công nghệ này, doanh nghiệp thổi túi Việt Nam phải đầu tư hoàn toàn thiết bị mới, công nghệ mới đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế về công nghệ cao, công nghệ sạch bảo vệ môi trường, nói chung là công nghệ nhựa phân hủy sinh học.
Trong năm 2014, VSPA vận động các doanh nghiệp hội viên đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng, xây dựng các nhà máy sản xuất túi nhựa phân hủy sinh học theo chủ trương khuyến khích của Chính phủ, hợp tác với Singapore nhập trang thiết bị và chuyển giao công nghệ nhựa phân hủy sinh học 0% plastic.
Các nhà máy này tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành, với công suất thiết kế đạt gần 100.000 tấn/năm, cơ bản đảm bảo được yêu cầu thay thế túi nhựa ô nhiễm môi trường hiện nay./.