Tại Hội nghị tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 diễn ra ngày 14/5 tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực của ngành ngân hàng, đặc biệt là việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01 về cơ cấu lại thời gian trả nợ, gia hạn nợ gốc, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ. Đây là chính sách thiết thực và kịp thời.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng khó có thể tiếp cận được những hỗ trợ này do thủ tục còn nhiều phức tạp, gây khó khăn cho doanh nghiệp và mức lãi suất vẫn còn cao...
Miễn, giảm lãi suất hơn 1 triệu tỷ đồng
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã tác động đến mọi mặt kinh tế, xã hội, đời sống của người dân. Ngân hàng Nhà nước dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngay sau khi bắt đầu có dịch, đã chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời xây dựng khuôn khổ pháp lý bằng việc ban hành ngay Thông tư 01 và Chỉ thị 02 vào đầu tháng Ba để các tổ chức tín dụng triển khai việc gia hạn các khoản nợ gốc và lãi đến hạn, miễn giảm lãi, phí và tiếp tục cho vay mới đối với những dự án, doanh nghiệp cần vốn để duy trì và phục hồi trong thời điểm cao trào chống dịch.
[Giảm lãi suất điều hành góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế]
Cũng theo Phó Thống đốc, sau 2 tháng triển khai quyết liệt, tất cả các tổ chức tín dụng, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ, thể hiện tinh thần chia sẻ, tháo gỡ, tạo điều kiện cho khách hàng vượt qua và khôi phục sản xuất kinh doanh.
Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215.000 khách hàng với dư nợ 130.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 260.000 khách hàng với dư nợ 1,08 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 630.000 tỷ đồng cho 182.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 103.000 khách hàng với dư nợ trên 2.800 tỷ đồng, cho vay mới đối với gần 517.000 khách hàng với dư nợ gần 19.000 tỷ đồng.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực của ngành ngân hàng, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01 về cơ cấu lại thời gian trả nợ, gia hạn nợ gốc, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ. Đây là chính sách thiết thực và kịp thời.
Đại diện Công ty Cơ điện xây dựng Agrimeco, ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc cho biết, doanh nghiệp đang thực hiện dự án đầu tư thuỷ điện, tuy nhiên các thiết bị nước ngoài chuyển về bị dừng và dừng chưa biết đến bao giờ. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến dự án đề nghị ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp đi qua khó khăn…
“Ngân hàng đã chủ động làm việc với công ty và tính toán cho thấy sự hỗ trợ này giúp chúng tôi giảm được vài trăm triệu đồng trong tổn thất của đợt dịch này ước tính vài trăm tỷ đồng là rất đáng quý. Chúng tôi mong các ngân hàng tiếp tục đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới và thiết lập mặt bằng lãi suất cho vay mới thấp hơn,” ông An nói.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho biết, Hiệp hội thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Hà Nội tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp nhỏ và vừa tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực tín dụng, đã kết nối làm việc với các ngân hàng như SHB, TPBank, VietinBank Hoàng Mai, Vietcombank, Agribank, MB… Bên cạnh đó, các ngân hàng đã đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng phương án khả thi để tiếp cận nguồn vốn vay được thuận lợi. Đặc biệt là không để doanh nghiệp bị nhảy nhóm nợ bởi vì khi bị nhảy nhóm doanh nghiệp sẽ không được tiếp cận gói vay mới.
Nhiều doanh nghiệp vẫn dè dặt vay vốn
Tại hội nghị, ông Trần Đăng Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ thành phố Hà Nội cho biết theo khảo sát từ các hội viên hiện có gần 20% doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng; 70% ảnh hưởng nhiều và chỉ có hơn 10% doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng. Dự đoán suy giảm doanh thu năm 2020, có 47% doanh nghiệp suy giảm từ 20%-40%; 20% doanh nghiệp suy giảm từ 40%-90% doanh thu và thực tế gần 20% doanh nghiệp suy giảm 100%.
Điều này cũng được thể hiện việc tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay luôn ở mức thấp. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cung cấp thông tin cụ thể, tăng trưởng tín dụng tháng Một tăng 0,1%, tháng Hai tăng 0,07%, tháng Ba tăng 1,1%, tháng Tư tăng 1,42% và đến trung tuần tháng Năm khoảng 1,2%.
Ông Hùng lý giải tăng trưởng tín dụng sang tháng Năm chững lại do các doanh nghiệp có dòng tiền và trả nợ nhưng lại chưa có kế hoạch kinh doanh mới để vay vốn hoặc vay rất ít. Mặc dù dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát, nhưng nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp còn thấp.
Chia sẻ về việc một số doanh nghiệp kiến nghị chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, ông Hùng cho biết có hiện tượng doanh nghiệp hoạt động khó khăn từ 1-2 năm trước, đã nợ xấu nhưng nay lại kiến nghị gửi Ngân hàng Nhà nước là không tiếp cận được vốn vay dù nằm trong đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Khẳng định quan điểm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là ngân hàng không thiếu vốn miễn là doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết thêm ngân hàng không thể cho vay khi đầu ra của doanh nghiệp gặp khó khăn, chưa chứng minh được hiệu quả của khoản vay. Thời điểm này, doanh nghiệp cần tiến hành sắp xếp, xác định hoạt động kinh doanh phù hợp với khả năng tài chính, từ đó có phương án kinh doanh hiệu quả. Nếu làm được như vậy thì chắc chắn ngân hàng sẽ cho vay.
Để việc hỗ trợ có hiệu quả, theo ông Mạc Quốc Anh kiến nghị ngành ngân hàng nên thống kê bao nhiêu doanh nghiệp, ngành hàng nhận được chính sách hỗ trợ. Từ đó, giúp các doanh nghiệp cùng ngành nghề học hỏi và việc hỗ trợ sẽ lan tỏa hơn.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, đại diện các ngân hàng tại hội nghị như Vietcombank, VietinBank, MB, VPBank cho biết đã nhanh chóng vào cuộc ngay từ những ngày đầu.
Ông Hồ Văn Tuấn, Giám đốc Sở Giao dịch Vietcombank cho biết ngân hàng đã triển khai đồng bộ các giải pháp trong suốt thời gian qua. Đến nay, Vietcombank đã cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với 8.000 tỷ đồng dư nợ của 1.172 khách hàng; thực hiện giải ngân mới hơn 307.000 tỷ đồng hỗ trợ cho 83.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và cân đối dòng tiền; miễn giảm lãi hơn 850 tỷ đồng đối với 610.000 tỷ đồng dư nợ của tổng số 156.000 khách hàng, dự kiến tiếp tục miễn giảm cho khách hàng gần 1.500 tỷ đồng.
Ông Tuấn kiến nghị nên đưa các khoản cho vay sau 23/1 nhưng đến hạn trong thời gian dịch COVID-19 tác động vào danh sách được cơ cấu nợ, giãn nợ. Bên cạnh đó, đại diện Vietcombank cũng đề xuất xem xét việc đánh giá doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch.
“Hiện nay, căn cứ để xem xét dựa trên việc doanh thu giảm trên sổ sách kế toán. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp trong quý 1 chưa bị ảnh hưởng doanh thu nhưng về sau dòng tiền giảm do ảnh hưởng bởi dịch. Theo đó, ngân hàng kiến nghị bổ sung tiêu chí dòng tiền giảm vào đánh giá các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19,” ông Tuấn kiến nghị.
Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB) cũng cho biết việc hỗ trợ doanh nghiệp còn vướng một số điểm khó khăn như không được dự thu lãi với các khoản nợ cơ cấu. Điều này sẽ tác động đến doanh thu của các chi nhánh, tác động đến lương của các nhân viên. Bên cạnh đó, hiện nay ngân hàng áp dụng công nghệ vào quá trình giao dịch với khách hàng như chữ ký số, tuy nhiên chi phí để sử dụng vẫn còn cao nếu tăng cường áp dụng vào các nghiệp vụ, tương tự với chi phí SMS với ngân hàng./.