Ngành ngân hàng cắt giảm nhiều thủ tục hành chính hỗ trợ khách hàng

Hệ thống các tổ chức tín dụng đã chủ động rà soát, cắt giảm, bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp vay vốn và sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Các đại biểu tham dự tại hội nghị. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Ngày 17/6, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị trực tuyến Đẩy mạnh cải cách hành chính trong ngành ngân hàng, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng, tiếp tục triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP 2019 của Chính phủ.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, công tác cải cách thủ tục hành chính của Ngân hàng Nhà nước đã được thực hiện theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 đảm bảo yêu cầu công khai minh bạch và tạo điều kiện cho tổ chức cá nhân giám sát quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2019/NĐ-CP về cắt giảm điều kiện kinh doanh, kết quả Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm với tỷ lệ đạt 31% (tổng số cắt giảm, đơn giản hóa 80 trên 257 điều kiện, trong đó cắt giảm được 49 điều kiện, đạt 50% tổng số phương án đề xuất).

[Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025 định hướng đến 2030]

Cùng với đó, hệ thống các tổ chức tín dụng cũng chủ động rà soát, cắt giảm, bãi bỏ nhiều thủ tục đối với doanh nghiệp, người dân trong hoạt động cho vay và cung cấp dịch vụ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp vay vốn và sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Còn ông Phạm Đức Ấn, Chánh văn phòng Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, trong thời gian qua đã có 420 cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp được tổ chức trên toàn quốc; các ngân hàng đã cho vay mới hơn 50.000 doanh nghiệp; thực hiện gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất gần 60.000 tỷ đồng đối với các khoản vay cũ của hơn 3.300 doanh nghiệp.

Cũng theo ông Ấn, các tổ chức tín dụng đã có nhiều hình thức cải tiến, đổi mới quy trình cho vay, đơn giản hóa thủ tục như cắt giảm số lượng hồ sơ, các loại giấy tờ trong hồ sơ, bỏ bớt các thông tin phải kê khai… rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ vay vốn của khách hàng. Các quy trình nội bộ tiếp tục được cải tiến, giảm bớt đầu mối xử lý, ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý tự động một số bước công việc, sử dụng một số loại giấy tờ điện tử thay cho bản giấy để rút ngắn thời gian luân chuyển xử lý hồ sơ trong nội bộ.

Hiện các tổ chức tín dụng vẫn đang tiếp tục cải tiến mô hình giao dịch một cửa theo hướng ứng dụng công nghệ, giảm bớt thông tin phải kê khai của khách hàng từ đó giảm chi phí hoạt động, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ đối với khách hàng (thực tế hầu hết các giao dịch khách hàng cá nhân đã giảm từ 20% đến 50% thời gian giao dịch); đồng thời tạo điều kiện để nâng cao chất lượng, năng suất lao động, tinh giảm nhân sự.

Điển hình, trong năm 2018, BIDV đã ban hành mới, thay thế 40 văn bản nhằm cải cách hành chính, đơn giản hóa quy trình thủ tục hướng đến khách hàng, phù hợp với quy định của cơ quan quản lý.

Ông Lê Trung Thành, Phó Tổng giám đốc BIDV cũng cho biết, BIDV đã giảm thiểu số lượng chữ ký, hồ sơ của khách hàng và ngân hàng thông qua việc quy định rõ và phổ biến với khách hàng số lượng bản gốc đối với từng loại hồ sơ tín dụng trên nguyên tắc ngân hàng giữ 1 bản, khách hàng 1 bản, cơ quan chức năng 1 bản. Giảm thiểu số lượng hồ sơ vay vốn thông qua tích hợp nhiều biểu mẫu đối với các khoản vay đơn giản như tích hợp giấy đề nghị vay vốn và báo cáo đề xuất tín dụng hoặc hợp đồng tín dụng, phiếu giao nhận hồ sơ, giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sản xuất kinh doanh.

Đối với phân khúc khách hàng bán lẻ, việc tích hợp mẫu biểu góp phần giảm 42% số lượng bản gốc mẫu biểu, giảm 45% số lượng chữ ký của khách hàng, giảm 48% số lượng chữ ký của lãnh đạo/cán bộ BIDV trên các hồ sơ.

Đối với phân khúc khách hàng doanh nghiệp, với việc xây dựng các quy định sản phẩm tín dụng đặc thù ước tính rút gọn tối thiểu 10% so với quy trình cấp tín dụng thông thường.

VietinBank cũng đã cắt giảm từ 3-5 giờ làm việc/1 hồ sơ tín dụng; xây dựng các quy trình riêng (rút gọn từ 2-3 hồ sơ/1 sản phẩm khách hàng cần cung cấp/ký kết với ngân hàng) đối với các sản phẩm đặc thù (cho vay mua ôtô, cho vay có tài sản bảo đảm có tính thanh khoản cao, sản phẩm chuỗi, cho va kinh doanh siêu nhỏ…); cắt giảm các bước trong quy trình phát hành thẻ, chỉ yêu cầu khách hàng ký 1 lần vào giấy đề nghị phát hành thẻ kiêm hợp đồng; việc nhận thẻ cũng chỉ yêu cầu khách hàng ký xác nhận thẻ 1 lần duy nhất.

LiveBank – Ngân hàng tự động với giao dịch viên từ xa phục vụ 24/7 cảu TPBank. (Ảnh: CTV)

Là một ngân hàng thương mại cổ phần luôn đi đầu về công nghệ, TPBank là ngân hàng đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam đã triển khai hệ thống LiveBank tới tất cả các tỉnh, thành phố có điểm giao dịch của TPBank để đáp ứng nhu cầu giao dịch mọi lúc, mọi nơi của khách hàng, khách hàng có thể thực hiện hầu hết các giao dịch (mà trước đây phải thực hiện tại quầy) tại các LiveBank 24/7.

TPBank cũng là ngân hàng đầu tiên và duy nhất ứng dụng in mã QR lên sổ tiết kiệm và ấn chỉ quan trọng cho TPBank phát hành giúp khách hàng có thể tra cứu trực tuyến. TPBank cũng triển khai tổng đài tự động cho call Center, khách hàng có thể tự gọi điện đến tổng đài và làm theo hướng dẫn để tự thao tác, kiểm tra các thông tin về sổ tiết kiệm của mình tại ngân hàng.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cũng cho biết, ngân hàng này cải tiến biểu mẫu hợp đồng, hồ sơ ký với khách hàng theo hướng đơn giản, ngắn hơn hơn. Bộ hợp đồng cũ yêu cầu hơn 100 chữ ký với khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp mua ôtô, mua nhà nay chỉ cần 10-15 chữ ký.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Lãnh đạo một số tổ chức tín dụng còn thiếu quan tâm, chưa chú trọng và nghiêm túc triển khai việc công khai các thông tin liên quan đến thủ tục, hồ sơ, sản phẩm dịch vụ ngân hàng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Chưa chủ động hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong tiếp cận tín dụng. Mức lãi suất cho vay còn chưa phù hợp, việc định giá và xử lý tài sản bảo đảm chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp...

Một số Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố chưa chủ động tham mưu, đề xuất, còn tâm lý chờ chỉ đạo của Trung ương. Việc xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hoạt động ngân hàng trên địa bàn thiếu chủ động, kịp thời dẫn đến còn một số kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn gửi đến các cơ quan Trung ương.

Các mẫu hợp đồng rất dài, nhiều thông tin phải kê khai và không thích hợp với một số đối tượng khách hàng. Ngoài ra, các ngân hàng đều quy định về phí phạt trả nợ trước hạn, phí phạt cam kết rút vốn… Tuy nhiên, các hợp đồng vẫn có điều khoản chung chung, không rõ ràng như “các phí khác có liên quan”, gây tâm lý bị động đối với khách hàng.

Đặc biệt, về quy trình cấp tín dụng của một số ngân hàng khó kiểm soát tiến độ từng công đoạn, do chỉ giao cho 1 bộ phận hoặc một nhân viên xử lý khép kín từng hồ sơ khách hàng.

Phó Thống đốc đề nghị, các tổ chức tín dụng  cần lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính, tập trung vào tăng vốn và cải thiện chất lượng nguồn vốn tự có, đáp ứng quy định của pháp luật và chuẩn mực quốc tế. Tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp kiểm soát chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu, nâng cao chất lượng tài sản.

Công khai đầy đủ trên trang tin điện tử chính thức của ngân hàng các thông tin về về thủ tục cho vay, cung cấp dịch vụ, biểu phí. Hoàn thiện cơ chế nội bộ về chăm sóc khách hàng, quy trình truyền thông, văn hóa giao dịch văn minh, để xử lý kịp thời các phản ánh, khiếu nại, hạn chế tối đa việc hình thành các luồng dư luận tiêu cực, dây chuyền ảnh hưởng đến ngành./.

Ông Lê Trung Thành, Phó Tổng giám đốc BIDV chia sẻ về việc cắt giảm thủ tục hành chính:

Tin cùng chuyên mục