Ngành lúa gạo và dệt may của Campuchia đối phó với COVID-19

Để tránh tình trạng thiếu cung những hàng hóa quan trọng như gạo, Chính phủ và khu vực tư nhân ở Campuchia phối hợp để tăng nguồn cung gạo cho các cửa hàng thêm 100 tấn lên 500 tấn.
Ảnh minh họa. (Nguồn:Phnom Penh Post)

Công ty Green Trade và Liên đoàn Lúa gạo Campuchia (CRF) vừa cho hay nguồn cung gạo trong nước tăng đang giúp bình ổn giá gạo trên thị trường, trong bối cảnh Campuchia phải đối mặt với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Đầu tháng Ba này, nhiều người dân Campuchia đã mua tích trữ nhu yếu phẩm; trong đó có gạo, vì lo ngại dịch COVID-19 lan rộng có thể dẫn tới tình trạng thiếu hàng hóa thiết yếu.

Trả lời báo Phnom Penh Post, Phó Chủ tịch CRF Chan Sokheang nói rằng để tránh tình trạng thiếu cung những hàng hóa quan trọng như gạo, Chính phủ và khu vực tư nhân ở Campuchia đã phối hợp để tăng nguồn cung gạo cho các cửa hàng thêm 100 tấn lên 500 tấn.

Theo Phó Chủ tịch CRF Chan Sokheang, “sức mua gạo vẫn mạnh và giá gạo đang ổn định.”

Người dân có thể mua gạo của Công ty Green Trade - công ty quốc doanh với các chi nhánh ở quận Daun Penh và Russey Keo (thủ đô Phnom Penh).

Đại diện của Công ty Green Trade cho biết kể từ ngày 9/3 vừa qua, mỗi ngày công ty bán ra khoảng 1 tấn gạo. Khách hàng có thể mua gạo của các công ty khác như Amru Rice (Cambodia) Co Ltd, Mekong Oryza Trading, Baitong Rice Export Company, Khmer Food Group hay mua qua các cơ sở xay xát.

Trong thông cáo báo chí mới đây, CRF kêu gọi người dân tránh mua gạo với tâm lý hoảng loạn vì nguồn cung gạo vẫn dồi dào.

Dệt may Campuchia nỗ lực ứng phó với COVID-19

Bộ Lao động và Dạy nghề Campuchia ngày 18/3 ra thông báo làm dịu tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với ngành dệt may Campuchia.

[Campuchia tung gói tín dụng 50 triệu USD hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ]

Theo người phát ngôn của Bộ trên, Heng Sour, dịch COVID-19 lây lan không gây ra tình trạng đóng cửa các nhà máy may ở Campuchia như lo ngại ban đầu.

Ông Heng Sour nói: “Các nhà máy sản xuất hàng may mặc không chịu tác động nhiều như chúng ta nghĩ, nhưng xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nếu dịch bệnh tiếp diễn.”

50 nhà máy trên toàn Campuchia trước đây đã ngừng hoạt động do thiếu nguyên liệu thô, song hiện 17 nhà máy trong số này đã sản xuất trở lại sau khi Trung Quốc nối lại nguồn cung nguyên liệu thô cho Campuchia.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội các Nhà sản xuất Hàng dệt may Campuchia (GMAC) Kaing Monika, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu thô của ngành dệt may Campuchia sẽ sớm chấm dứt khi Trung Quốc phục hồi sau dịch COVID-19.

Tuần trước, 13 tàu chở trên 900 container nguyên liệu sản xuất quần áo và giày dép từ Trung Quốc đã cập cảng Sihanoukville (miền Nam Campuchia). Việc thiếu hụt nguyên liệu thô sẽ kết thúc trong những tháng tới khi tình hình ở Trung Quốc được cải thiện và các nhà máy nối lại sản xuất.

Vấn đề gây lo ngại liên quan đến xuất khẩu những mặt hàng này sang Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) - những nơi đang chịu tác động mạnh bởi dịch COVID-19. 

Theo GMAC, xuất khẩu đồ lữ hành của Campuchia năm 2019 đạt 1,2 tỷ USD, tăng gấp đôi so với năm 2018. Mỹ tiếp tục là nước nhập khẩu đồ lữ hành nhiều nhất của Campuchia, chiếm khoảng 80% xuất khẩu mặt hàng này của Xứ Chùa Tháp.

Theo Ngân hàng Trung ương Campuchia, kim ngạch xuất khẩu của nước này đạt 14,63 tỷ USD năm 2019, tăng 12,7% so với năm 2018, trong khi kim ngạch nhập khẩu lên tới 22,34 tỷ USD, tăng 18,6%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục