Ngành logistics Việt Nam tiếp đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024

Tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển thông qua các cảng biển ước tính tăng khoảng 14% đạt trên 570 triệu tấn hàng tính từ đầu năm tới nay; trong số đó, hàng khô và container chiếm tỷ trọng lớn.
Kho bãi chứa container tại cảng Tân Vũ. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Cùng với sự tăng trưởng về xuất khẩu, những yếu tố trợ lực từ phía Chính phủ và sự cải thiện về chuỗi cung ứng toàn cầu đã kéo theo ngành logistics Việt Nam trong năm 2024 phát triển mạnh mẽ.

Tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển thông qua các cảng biển ước tính tăng khoảng 14% đạt trên 570 triệu tấn hàng tính từ đầu năm tới nay; trong số đó, hàng khô và container chiếm tỷ trọng lớn, với sản lượng xử lý lần lượt đạt hơn 321 và 191 triệu tấn.

Ngoài ra, là sự mở rộng của các khu công nghiệp, vốn đóng vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng xuất khẩu, cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu logistics.

Ngành logistics Việt Nam cũng đang có những bước chuyển mình quan trọng nhờ vào sự đồng hành và hỗ trợ từ Chính phủ.

Chính phủ chủ trương tập trung cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là hải quan và các cơ quan kiểm tra chuyên ngành nhằm giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Các cảng biển chiến lược như Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép- Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) tiếp tục được đầu tư nâng cấp, tạo động lực thúc đẩy vận tải biển, một trong những phân khúc chủ lực của logistics.

Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, và hệ thống quản lý chuỗi cung ứng (SCM) đã được khuyến khích mạnh mẽ, nâng cao năng suất và hiệu quả quản lý.

Ngoài ra, các chính sách xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư quốc tế và tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới cũng đang được Chính phủ tích cực triển khai.

Vận chuyển hàng hóa phục vụ xuất khẩu tại cảng Hải phòng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Những nỗ lực này không chỉ thúc đẩy phát triển các trung tâm logistics ứng dụng công nghệ cao mà còn tạo ra các chuỗi cung ứng hiện đại, gia tăng giá trị cho dịch vụ logistics trong nước và quốc tế.

Vai trò của các hiệp hội và doanh nghiệp hạt nhân trong ngành logistics cũng được chú trọng, giúp thúc đẩy sự liên kết trong chuỗi cung ứng và phát triển các dịch vụ logistics bền vững.

Hướng đến tương lai, việc kết hợp giữa nỗ lực từ Chính phủ và doanh nghiệp không chỉ giúp ngành logistics vượt qua khó khăn hiện tại mà còn định vị Việt Nam như một trung tâm logistics hàng đầu khu vực.

Để tạo động lực phát triển và có nhiều đột phá trong năm 2025, đại diện Công ty cổ phần Giao nhận Vận tải Vàng cho hay cũng như nhiều doanh nghiệp ngành logistics, doanh nghiệp kỳ vọng vào sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ phía Nhà nước.

Cụ thể là đầu tư hạ tầng giao thông, viễn thông và công nghệ thông tin; thêm những chính sách thúc đẩy ngành dịch vụ logistic phát triển; đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục hải quan; cắt giảm các khoản phí, lệ phí sử dụng hạ tầng và nâng cao năng lực cho các cụm cảng hàng không, cảng biển, và cửa khẩu biên giới.

Chỉ với sự đồng hành từ phía Chính phủ và sự chủ động từ doanh nghiệp, ngành logistics Việt Nam không chỉ khắc phục các bất cập hiện tại mà còn hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm logistics hàng đầu khu vực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong giai đoạn hội nhập sâu rộng.

Mới đây, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố kết quả khảo sát được thực hiện từ tháng 10-11/2023-2024 cho thấy, biến động về doanh thu, chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp logistics tính từ Quý 4/2023 đến năm 2024 đã thể hiện rõ nét sự phục hồi của ngành.

Nếu năm 2023, doanh thu toàn ngành bị ảnh hưởng nặng nề do 33,3% doanh nghiệp giảm đáng kể nguồn thu thì tới năm 2024, tình hình đã khởi sắc hơn với 52,9% doanh nghiệp tăng doanh thu đáng kể; tỷ lệ giảm doanh thu cũng đã giảm xuống chỉ còn 11,8%.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp logistics cũng đã giảm bớt áp lực về chi phí. Tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận chi phí tăng đáng kể chỉ khoảng 17,6% năm 2024 trong khi tỷ lệ doanh nghiệp tăng doanh thu đáng kể chiếm tới 52,9% trong năm nay. Sự cải thiện về doanh thu và kiểm soát chi phí đã kéo theo triển vọng lợi nhuận tích cực hơn đối với nhiều nhà vận chuyển.

Năm 2024, có tới 82,3% doanh nghiệp dự báo lợi nhuận tăng. Dữ liệu này phản ánh tác động tích cực từ sự phục hồi xuất khẩu và việc sáng suốt đầu tư vào công nghệ logistics cùng các chính sách hỗ trợ hiệu quả từ Chính phủ đã khẳng định ngành logistics đang dần lấy lại đà tăng trưởng và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Khảo sát của Vietnam Report cũng cho thấy cộng đồng doanh nghiệp logistics lạc quan về triển vọng năm 2025 sẽ tiếp tục đà phục hồi của năm 2024. Ở góc nhìn chung về toàn ngành logistics, với 29,4% nhận định khả quan hơn một chút và 11,8% đánh giá khả quan hơn rất nhiều.

Đối với các doanh nghiệp, có 64,7% nhận định tình hình sẽ khả quan hơn một chút và 17,6% đánh giá rất khả quan. Chỉ 5,9% dự báo khó khăn hơn rất nhiều, cho thấy niềm tin vào sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững của ngành.

Điều này phản ánh niềm tin không chỉ vào cải thiện nội tại của doanh nghiệp mà còn từ sự hỗ trợ của chính sách chính phủ và xu hướng tăng trưởng thương mại quốc tế.

Kỳ vọng vào năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, ngành logistics đang tận dụng cơ hội từ quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy mạnh đầu tư và ứng dụng công nghệ để củng cố vai trò huyết mạch trong nền kinh tế.

Ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report cho hay điểm lại những thách thức lớn nhất đối với ngành này trong năm 2024, có thể kể tới là sự bất ổn kinh tế-chính trị trên thế giới, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, rào cản pháp lý và thủ tục hành chính và lao động không đáp ứng được về số lượng/chất lượng.

Năm 2024 được xác định là thời điểm quyết định trong kế hoạch hành động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh dịch vụ logistics theo Quyết định số 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Vũ Đăng Vinh cho rằng đây cũng là bước chuẩn bị quan trọng cho Chiến lược phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2025-2035, với tầm nhìn đến năm 2050, nhằm biến logistics Việt Nam trở thành một ngành dịch vụ mũi nhọn, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và giúp thúc đẩy các dự án trọng điểm của ngành giao thông, tập trung kết nối và phát triển hạ tầng logistics đồng bộ, giúp cải thiện hiệu quả vận tải nội địa và quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục