Ngành lao động quyết thoát vị trí "đội sổ" về cải cách hành chính

Sau khi "đội sổ" trong kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2016, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ký kết hợp tác với Tập đoàn Viễn thông Quân đội để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Ngành lao động quyết thoát vị trí "đội sổ" về cải cách hành chính ảnh 1Lễ ký kết hợp tác đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sau khi "đội sổ" trong kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2016, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tạo điều kiện cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của ngành, đặc biệt là người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội dễ dàng tiếp cập các thông tin, dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết các chính sách về việc làm, an sinh xã hội.

Đây là nội dung của thỏa thuận hợp tác hợp tác nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội giai đoạn 2017-2020 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) ký kết ngày 27/9 tại Hà Nội.

Theo đó, hai bên nhất trí phối hợp triển khai có hiệu quả các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hoạt động quản lý, điều hành lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; Ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông giúp sự kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và người dân được thuận lợi hơn, đặc biệt là người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội.

[Ngân hàng Nhà nước dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính năm 2016]

​Viettel sẽ tư vấn, cung cấp cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội các giải pháp công nghệ thông tin và các sản phẩm dịch vụ viễn thông tốt nhất nhằm xây dựng và hoàn thiện kiến trúc Chính phủ điện tử, hiện đại hóa môi trường làm việc và phục vụ cải cách hành chính, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ thông tin.

Phát biểu tại lễ ký, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin của đơnvị này còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Do đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đối với Bộ và ngành lao động, thương binh, xã hội là yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong năm 2018, ứng dụng công nghệ thông tin là một trong các khâu đột phá của ngành.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đối tượng quản lý và phục vụ có nhiều đối tượng là hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người khuyết tật. Chính vì vậy, Viettel cần nghiên cứu để có các chính sách ưu đãi tốt nhất, phát triển các ứng dụng, tiện ích để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của ngành, đặc biệt là các đối tượng yếu thế dễ dàng tiếp cận các thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ công trực tuyến.

Tổng Giám đốc Viettel, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang có nhu cầu cấp thiết trong việc ứng dụng công nghệ thông tin do đối tượng quản lý quá lớn và không thể làm thủ công được nữa. Với số lượng dữ liệu lớn của ngành này, nếu ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổng hợp, lưu trữ sẽ thấy ngay được hiệu quả trong việc khai thác nhiều thông tin hữu ích, mang lại nhiều giá trị.

Ông Hùng cũng cho rằng cam kết ứng dụng công nghệ thông tin chính là cam kết về thay đổi cách vận hành bộ máy làm việc của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để phục vụ người dân ngày một tốt hơn./.

Theo kết quả Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2016 của các bộ, cơ quan ngang bộ được công bố, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có kết quả thấp nhất với giá trị 71,91%. Đây là kết quả trong năm đầu tiên triển khai thực hiện xác định Chỉ số cải cách hành chính theo các tiêu chí, tiêu chí thành phần mới quy định tại Quyết định số 4361/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục