Trong những năm gần đây, với sự biến đổi của khí hậu toàn cầu, tình hình khí tượng thủy văn ở nước ta ngày càng biến động phức tạp hơn. Thiên tai nghiêm trọng với những biểu hiện bất thường đã xảy ra ở nhiều vùng trên cả nước, gây ảnh hưởng nặng nề về người và tài sản.
Điều này càng đặt ra tính cấp thiết của việc truyền tải, cập nhật liên tục thông tin về tình hình thời tiết để giảm nhẹ hậu quả thiên tai.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, trong thời gian tới, 80% dân số nước ta có nguy cơ chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai như: làm nhiều người mất nơi ở; sản xuất bị đình trệ; làm suy thoái môi trường và có thể đẩy lùi thành quả phát triển của đất nước.
Tại hội thảo “Thông tin khí tượng thủy văn phục vụ phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai” do Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tổ chức sáng nay (16/1), Ông Lê Công Thành, Tổng Giám đốc Trung tâm, khẳng định Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu với nhiều biểu hiện bất thường của thiên tai như lũ, bão, hạn hán và triều cường.
Tuy nhiên, theo ông Thành thì các trang thiết bị, trình độ khoa học-công nghệ trong việc theo dõi, quan trắc, truyền tin, cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn dù đã có nhiều cải thiện, nhưng để có thể đáp ứng tốt và đầy đủ cho những yêu cầu ngày một cao của xã hội, sự biến động nguy hiểm của biến đổi khí hậu vẫn còn là bài toán khó.
Từ những mối lo ngại trên đồng thời để góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, ông Thành cho rằng công tác truyền tải kịp thời những thông tin về tình hình khí tượng thủy văn đến với các cấp lãnh đạo và người dân là việc làm hết sức quan trọng. Để làm được điều này, ngành khí tượng thủy văn rất cần sự vào cuộc, phối hợp của các cơ quan truyền thông, báo chí.
Thay mặt các cơ quan truyền thông, báo chí, nhà báo Văn Hào, Ban Tin trong nước (Thông tấn xã Việt Nam) nhấn mạnh, trong những năm qua, biến đổi khí hậu với những diễn biến bất thường của thiên tai đã gây không ít khó khăn cho ngành khí tượng thủy văn khi đưa ra dự báo. Cũng vì lý do đó, nên việc cung cấp thông tin của ngành đối với báo chí vẫn còn gặp những trở ngại, nhất là dự báo bão, mùa, tháng.
“Theo tôi hiểu thì nghề dự báo khí tượng thủy văn là ‘ăn cơm dương gian, lo việc của trời.’ Vì vậy, để đoán định được sự ‘đỏng đảnh' của thời tiết là việc vô cùng khó. Còn với người làm báo thì phải thông tin về những vấn đề phức tạp nhất mà các chuyên gia cũng thừa nhận là đúng, và người mù chữ nghe đọc lên cũng hiểu được thì cũng chẳng dễ dàng gì..,” nhà báo Văn Hào chia sẻ.
Vì vậy, nhà báo Văn Hào kiến nghị trong thời gian tới mối quan hệ giữa cơ quan khí tượng thủy văn với Thông tấn xã nói riêng, các cơ quan báo chí nói chung cần ngày càng mật thiết hơn.
“Ngoài việc cải tiến hơn nữa các bản tin về khí tượng thủy văn theo hướng “Nhanh - Đúng - Dễ hiểu” cùng với việc nâng cấp thông tin, ngành cũng nên thành lập đường dây nóng để tạo điều kiện cho phóng viên chuyên trách nắm bắt thông tin đầy đủ và chính xác hơn,” nhà báo Văn Hào khuyến nghị./.