Ngành hàng không Việt sẽ đóng góp 23 tỷ USD vào GDP năm 2035

Theo dự báo của Hiệp hội vận tải Hàng không quốc tế, tới năm 2035, hàng không Việt Nam sẽ “cõng” tới 136 triệu hành khách và đóng góp 23 tỷ USD vào GDP.
Ngành hàng không Việt sẽ đóng góp 23 tỷ USD vào GDP năm 2035 ảnh 1Hành khách chờ làm thủ tục lên chuyến bay. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ông Robert Cullemore, quản lý cao cấp Hiệp hội vận tải Hàng không quốc tế (IATA), lĩnh vực vận chuyển hàng không tại Đông Dương phát triển rất nhanh và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được lượng khách ngày càng lớn, trong đó có Việt Nam.

Tại hội thảo "Các sân bay Đông Dương năm 2017" (Airport Indochina) do Escom tổ chức vào sáng nay (30/3), theo thống kê của IATA, năm 2014, hàng không Việt Nam đã vận chuyển 51 triệu hành khách, giải quyết được 2 triệu việc làm, đóng góp tới 9 tỷ USD tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Dự báo của IATA tới năm 2035, hàng không Việt Nam sẽ “cõng” tới 136 triệu hành khách và tạo thêm 5,3 triệu việc làm, đóng góp 23 tỷ USD vào GDP.

Ông Robert Cullemore cho rằng, mục tiêu chung của các nhà đầu tư quan tâm đến thị trường hàng không và có nhu cầu rót vốn đầu tư nhưng cũng rất quan tâm đến kế hoạch tổng thể dài hạn xây dựng năng lực vận chuyển, tuân thủ các quy định của quốc tế, hợp tác đối tác và tư vấn, chính sách và quy định áp dụng giải pháp công nghệ mới tiện ích cho người sử dụng...

Liên quan đến vấn đề an ninh an toàn thông tin hiệu quả sân bay, đại diện BOSCH, công ty chuyên về thiết bị về an ninh an toàn của Cộng hòa liên bang Đức cho rằng, các sân bay được tổng hợp từ nhiều yếu tố như kết hợp từ hạ tầng đậu đỗ, cổng ra vào, cho đến gian hàng mua sắm, phòng chờ và đường cất cánh. Hiện nay, có rất nhiều sân bay đối mặt với thách thức nhất là khủng bố, đe dọa đánh bom, tấn công tự sát, không tặc… đấy là nguy cơ cần phải ngăn chặn.

“Bảo vệ sân bay khỏi nguy cơ khủng bố, tập trung giải quyết những đe doạn đánh bom ẩn danh, thiết bị nổ được gắn tại khu vực đỗ xe, trong hành lý ký gửi, máy bay và khả năng quản lý đảm bảo an toàn an ninh là hết sức quan trọng, cần thiết với những thách thức mới,” đại diện BOSCH nhìn nhận.

Đặt vấn đề tình trạng mất cắp hành lý diễn ra ở các sân bay, đại diện BOSCH cho rằng, các hành khách đang đối mặt với nguy cơ bị mất cắp đồ trong hành lý, trong đó quá trình vận chuyển từ kiểm tra hành lý lên máy bay là giai đoạn đối mặt với nguy cơ bị mất nhất. Điều này đòi hỏi các hệ thống giám sát phải hoạt động hiệu quả và chuyên nghiệp.

Tại hội thảo, hàng loạt các vấn đề như đầu tư vào các dự án cảng hàng không thông qua PPP; chiến lược cải thiện năng lực đường bay cất hạ cánh; duy trì và đảm đảm an toàn đường bang cất hạ cánh; công nghệ giúp các sân bay thắt chặt chính sách an ninh trong khi không làm giảm hiệu quả của sân bay và tác động đến khách hàng; liên kết các sân bay... cũng được các chuyên gia và lãnh đạo một số cơ quan hàng không nước ngoài diễn giải và đóng góp ý kiến nhằm thúc đẩy thị trường vận tải hàng không Đông Dương phát triển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục