Dù đối mặt với nhiều khó khăn do lĩnh vực hàng hải chưa hết suy thoái, lại chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, tuy nhiên, sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đang từng bước “vươn ra biển lớn” nhờ vào các trụ cột nội tại để phát triển bền vững.
“Lột xác” khi sang hình hài mới
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 của VIMC, theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC, sau khi hoàn tất thủ tục chuyển sang hoạt động Công ty cổ phần từ ngày 18/8/2020, Công ty mẹ đạt doanh thu 653,1 tỷ đồng, vượt 3% so với kế hoạch được giao. Tuy nhiên, VIMC vẫn lỗ 1.117,2 tỷ đồng do điều chỉnh bổ sung các yếu tố chi phí phân bổ, trích lập các tồn tại về tài sản, công nợ tồn đọng trong giai đoạn doanh nghiệp Nhà nước trước đây mà theo quy định về cổ phần hóa chưa được xử lý dứt điểm.
“Tuy nhiên, với vốn chủ sở hữu chiếm trên 79% cùng với các tồn đọng cũ được xử lý gần như triệt để, về dài hạn tình hình tài chính của Công ty mẹ khá lành mạnh,” ông Tĩnh nói.
Bên cạnh đó, VIMC đang giữ vị trí hàng đầu của ngành hàng hải Việt Nam nhờ vào việc sở hữu cổ phần chi phối tại 16 doanh nghiệp cảng biển, quản lý khai thác hơn 13.000m cầu bến (chiếm gần 25% tổng số mét cầu bến quốc gia), khả năng thông qua hơn 150 triệu tấn hàng hóa (chiếm hơn 20% cả nước), trong số đó có các cảng trọng điểm của cả nước như cảng Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Nẵng, Quy Nhơn và cụm cảng container hiện đại tại khu vực Cái Mép-Thị Vải; đội tàu vận tải biển có tổng trọng tải lên tới gần 1,5 triệu tấn, hoạt động trên phạm vi toàn cầu; các Công ty dịch vụ logistics có hệ thống kho bãi quy mô lớn.
['Con tàu vận tải biển' nghiêng ngả, điêu đứng vì đại dịch COVID-19]
Kỳ vọng về một sự phát triển đột phá khi “lột xác” sang hình hài mới, ông Tĩnh thừa nhận, đại dịch COVID-19 đã khiến cho ngành hàng hải Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề do sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng hàng hóa. Các doanh nghiệp vận tải biển và dịch vụ logistics đối mặt với việc khan hiếm nguồn hàng vận chuyển, tình hình cạnh tranh gay gắt, giá cước vận tải biển vẫn ở mức rất thấp. Các doanh nghiệp cảng biển cũng phải thay đổi phương thức khai thác để ứng phó với đại dịch.
“Trước các khó khăn, VIMC đã thực hiện tái cơ cấu quản trị, triệt để tiết giảm chi phí; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; chủ động nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu hàng hóa để mở rộng hoạt động tới các thị trường khai thác mới; xây dựng phương án bố trí, sắp xếp lao động hợp lý trong bối cảnh dịch bệnh; phát huy vai trò kết nối, điều phối của Công ty mẹ,” vị Tổng giám đốc VIMC cho hay.
Mặc dù toàn khối vận tải biển năm 2020 vẫn đang chịu khoản thua lỗ gần 684 tỷ đồng, tuy nhiên, ông Tĩnh nhấn mạnh việc duy trì hoạt động đều đặn của toàn bộ đội tàu vận tải biển và đội ngũ thuyền viên là một thành công rất lớn của VIMC trong bối cảnh đại dịch, việc làm của người lao động trong toàn đơn vị luôn ổn định và có sự cải thiện về thu nhập. Đặc biệt, khối cảng biển và dịch vụ hàng hải đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ và vượt kế hoạch được giao, là điểm sáng trong công tác phát triển thị trường, khách hàng, thu hút thêm được nhiều dịch vụ mới từ các hãng tàu container lớn trên thế giới.
“Ông trùm” hàng hải vượt sóng dữ thế nào?
Năm 2021, bức tranh của ngành hàng hải thế giới nói chung sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Ngành hàng hải vốn chưa hết khó khăn bởi suy thoái sâu và kéo dài hơn mười năm qua lại tiếp tục gặp “con sóng dữ” do COVID-19 đem đến, mọi hoạt động giao thương, đi lại trên toàn thế giới hầu như vẫn bị “đóng băng.”
Những năm tới, ba lĩnh vực kinh doanh trụ cột của VIMC (cảng biển, vận tải biển và dịch vụ hàng hải) vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với thách thức. Tuy nhiên, ông Tĩnh khẳng định việc chuyển đổi sang mô hình Công ty cổ phần là một bước chuyển quan trọng, giúp VIMC tăng thêm nguồn lực để tiến hành đổi mới hệ thống quản trị, quyết liệt thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong kinh doanh, không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng sức cạnh tranh bảo đảm cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Cụ thể, Tổng công ty đặt ra mục tiêu, năm 2021, sản lượng hàng thông qua cảng đạt hơn 113 triệu tấn, trong đó sản lượng xếp dỡ container đạt hơn 5,1 triệu Teus, vận tải biển đạt hơn 18,7 triệu tấn, doanh thu đạt 10.800 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt 944 tỷ đồng.
[Cục trưởng Cục Hàng hải: Quy hoạch cảng biển cần đi trước một bước]
Cùng với đó, VIMC sẽ triển khai thực hiện các dự án tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn 2021-2025 như dự án Bến số 4 và 5 Cảng cửa ngõ Lạch Huyện; nâng cấp và mở rộng cảng Quy Nhơn; các dự án đầu tư của Cảng Tiên Sa giai đoạn 2 và nghiên cứu đầu tư cảng Liên Chiểu; tiếp tục tái cơ cấu đội tàu theo hướng phát triển đội tàu vận tải container tải trọng lớn, hiện đại cùng các container đồng bộ; thanh lý các tàu biển thế hệ cũ (11 tàu với tổng tải trọng 295.000 tấn); đầu tư hệ thống công nghệ thông tin có tính xương sống, kết nối toàn bộ các doanh nghiệp thành viên nhằm chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh doanh của VIMC…
Đề ra định hướng chiến lược kinh doanh, VIMC sẽ tiếp tục tái cơ cấu, đầu tư phát triển nguồn lực để nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm thực hiện các mục tiêu đến năm 2025 là đơn vị hàng đầu trong cung cấp dịch vụ chuỗi logistics trọn gói tại Việt Nam trên cơ sở khai thác tối ưu và tạo lập những lợi thế cạnh tranh; phấn đấu đến năm 2030, VIMC trở thành doanh nghiệp có thương hiệu trong khu vực; có năng lực cạnh tranh cấp độ quốc tế và tham gia chia sẻ thị trường khu vực.
“Mục tiêu là củng cố và phát triển hệ sinh thái tích hợp, kết nối hoạt động vận tải biển-cảng biển-dịch vụ logistics. Trong đó cảng biển phát huy tối đa vai trò là trụ cột, đòn bẩy, động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng vượt bậc của Tổng công ty,” ông Tĩnh nói./.