Ngành hàng hải bán hàng loạt tàu già để 'trẻ hóa' vận tải biển

Các tàu được Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thanh lý không còn phù hợp về kỹ thuật, khấu hao tàu lớn, điểm hòa vốn cao so với mặt bằng giá cước, khó cạnh tranh trên thị trường cung cấp dịch vụ.
Tàu Vinalines Glory sẽ được Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thanh lý vì có tuổi đời từ năm 2006. (Nguồn ảnh: shipspotting.com)

Theo báo cáo của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), tổng số tàu bán, thanh lý năm 2021 của đội tàu doanh nghiệp này là 11 tàu với tổng tải trọng 295.098 DWT (tấn) nhằm “trẻ hóa” tái cơ cấu phương tiện.

Trong số đó, các tàu bán và thanh lý chuyển tiếp từ kế hoạch năm 2020 là 5 tàu (tổng tải trọng 155.7433 DWT) và 6 tàu bán trong năm nay có tổng tải trọng 139.3355 DWT.

Theo ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIMC, đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến hoạt động kinh doanh cả khối vận tải biển nói chung nên việc thanh lý tàu già của VIMC diễn ra trong bối cảnh khối vận tải biển của đơn vị tiếp tục chìm đắm trong thua lỗ. Cụ thể, năm 2020, khối vận tải biển lại ghi nhận mức lỗ tới hơn 684 tỷ đồng, con số này ngược lại với khối cảng thu về lợi nhuận hơn 1.300 tỷ đồng, khối dịch vụ hàng hải đạt doanh thu hơn 1.600 tỷ đồng (vượt 8,4% kế hoạch năm).

“Đa số các tàu bán, thanh lý trong đợt này có tuổi đời lâu nhất là năm 1996 và giai đoạn những năm 2000-2009 chủ yếu chở hàng khô, tàu dầu và tàu container. Đây là các tàu già nên không còn phù hợp về kỹ thuật, khấu hao tàu lớn, điểm hòa vốn cao so với mặt bằng giá cước, khó cạnh tranh trên thị trường cung cấp dịch vụ. Mặt khác, việc thanh lý tạo nguồn tiền tái đầu tư, phát triển đội tàu theo hướng thuê tàu trần; nghiên cứu thị trường để đàu tư tàu có tính năng và cỡ tàu kinh doanh hiệu quả,” ông Sơn cho hay.

[Những đòn bẩy đưa 'ông trùm' hàng hải vượt 'sóng dữ' COVID-19]

Đưa ra giải pháp về công tác thị trường và hoạt động kinh doanh với vận tải biển, theo vị Chủ tịch VIMC, Tổng công ty sẽ xây dựng bảng tổng hợp thị trường và đưa ra dự báo, đánh giá, xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp; duy trì mạng lưới các khách hàng sẵn có, trong bối cảnh các hãng tàu ngày càng có xu thế tham gia sâu vào chuỗi cung ứng dịch vụ, cần liên kết và hợp tác chặt chẽ với hãng tàu trong tìm kiếm và thiết lập mối quan hệ với các khách hàng lớn tiềm năng cũng như các nhà xuất nhập khẩu hàng rời lớn trong nước; tăng cường gặp gỡ khách hàng, đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu đội tàu của các doanh nghiệp bằng nhiều hình thức.

Bên cạnh đó, VIMC đẩy mạnh, tăng cường tìm kiếm và ký các hợp đồng dài hạn; thuê tàu ngoài vào khai thác nhằm nâng cao năng lực đội tàu liên kết hợp tác với các đơn vị vận tải biển nội địa hoặc nước ngoài để chia sẻ lượt tàu, phát triển mạnh các tuyến container nội địa và tuyến nước ngoài.

“Tổng công ty cũng lựa chọn các hợp đồng khai thác và các tuyến vận tải hợp lý để giảm tối đa thời gian chạy tàu rỗng, thời gian chờ. Đặc biệt, đơn vị sẽ theo dõi sát sao các biến động của thị trường nhiên liệu, kiểm soát chặt chẽ chi phí nhiên liệu, sửa chữa phụ tùng vật tư, đàm phán giảm giá bốc xếp cảng biển, sửa chữa vỏ tàu container,…” ông Sơn nói./.

Năm 2021, VIMC đặt ra mục tiêu sản lượng hàng thông qua cảng đạt hơn 113 triệu tấn, trong đó sản lượng xếp dỡ container đạt hơn 5,1 triệu Teus, vận tải biển đạt hơn 18,7 triệu tấn, doanh thu đạt 10.800 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt 944 tỷ đồng.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục