Giá bán cá tra hiện dao động từ 29.500-30.000 đồng/kg, tăng từ 5.000-5.500 đồng/kg so với cuối năm 2021. Giá cá tra nguyên liệu tăng là tiền đề quan trọng để phát triển sản xuất, tiêu thụ trong năm 2022.
Mục tiêu năm 2022, ngành cá tra dự kiến sản xuất khoảng từ 1,6-1,7 triệu tấn cá tra thương phẩm; kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt trên 1,6 tỷ USD.
Đây là kế hoạch được ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển ngành cá tra năm 2022 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức diễn ra tại Cần Thơ ngày 25/2.
Cơ hội và thách thức
Theo bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội xuất khẩu và chế biến thủy sản (Hiệp hội VASEP), dự báo giá xuất khẩu cá tra ở tất cả thị trường đều tăng, xuất khẩu cá tra trong năm 2022 tăng từ 20-25% so với năm 2021; giá cá tra xuất khẩu dự báo sẽ tăng khoảng 5%.
Đối với những thị trường như Mỹ đang ở mức giá cao 3,95 USD/kg, Trung Quốc cũng tăng cao. Thị trường nhập khẩu phục hồi, tăng trưởng tốt, trong đó, chủ yếu ở 4 nhóm chính gồm Trung Quốc 31%, Mỹ 23%, các nước thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) 13% và EU 6,6%,...
Cùng nhận định tình hình xuất khẩu cá tra có nhiều khởi sắc trong năm 2022, ông Trần Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hùng Cá (tỉnh Đồng Tháp) bày tỏ, sẽ có nhiều thuận lợi về giá nguyên liệu và giá xuất khẩu cá tra, sản lượng cá tra sẽ tăng mạnh trở lại từ cuối năm 2022-2023.
[Giá cá tra nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh trở lại]
Giá xăng dầu tăng cao, giá cá biển thế giới tăng cao, đánh bắt biển cũng đã và sẽ tiếp tục bị giới hạn, do vậy cá nuôi nước ngọt (cá tra) của Việt Nam sẽ có chỗ đứng hơn trên thị trường thế giới.
Từ tháng 2-4/2022, giá cá tra nguyên liệu khoảng 30.000 đồng/kg, giá phân phối cá tra phile đông lạnh nội địa Mỹ cũng đã tăng lên 8-8,5 USD/kg nhưng không có hàng, nguồn cung mới cá phile đông lạnh rất giới hạn. Vì vậy, giá cá tratrà sẽ tiếp tục tăng.
Từ đầu năm 2022, giá cá tra đã tăng rất cao là cơ hội để người dân, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, phát triển sản xuất. Tuy nhiên, giá cao, tăng trưởng nóng cũng tiềm ẩn nhiều hệ lụy như tình trạng lạm dụng trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm có thể bị giảm sút, gây mất ổn định ngành hàng...
Tình hình thời tiết, khí hậu có thể tiếp tục diễn biến bất thường; hạn hán xâm nhập mặn diễn ra sớm có thể làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh và gây khó khăn cho sản xuất.
Ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản cho biết, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, các tháng mùa khô năm 2022, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long khả năng thiếu hụt từ 10-15% so với trung bình nhiều năm. Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, khả năng tập trung trong khoảng tháng 2 đến tháng 4, nguồn nước giảm và tình trạng xâm nhập mặn tiềm ẩn rủi ro về dịch bệnh.
Ngoài thời tiết, khí hậu thì thị trường và rào cản thương mại cũng là thách thức đối với ngành hàng cá tra. Các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới mà nước ta tham gia vừa là thách thức, vừa là cơ hội để sản phẩm cá tra Việt Nam tiếp tục xuất khẩu vào các thị trường EU, Hoa Kỳ,... Tuy nhiên, những yêu cầu ngày càng khắt khe từ trường nhập khẩu đòi hỏi ngành hàng cá tra nước ta phải nỗ lực để đáp ứng.
"Sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, hoạt động thanh kiểm tra trực tiếp của Cục thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đối với toàn chuỗi cá tra có thể sẽ nối lại. Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành lệnh số 248, 249 áp dụng đối với hoạt động xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Lệnh 248, 249 có thể sẽ có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản đông lạnh, trong đó có cá tra," ông Nhữ Văn Cẩn nhận định.
Bà Tô Thị Tường Lan, Hiệp hội VASEP khuyến cáo, tuy dự báo giá thành cá tra tăng nhưng ngành thủy sản cần có đánh giá và định hướng đối với nuôi trồng cá tra. Hiện nay, nguyên liệu tăng cao. Doanh nghiệp và thị trường có thể điều tiết giá xuất khẩu và chất lượng. Tuy nhiên, các ngành chức năng cần định hướng cho người nuôi, doanh nghiệp cân đối cung cầu để tăng độ an toàn giá trị và lợi nhuận, tránh tình trạng phát triển nóng như năm 2018.
Bên cạnh đó, tuy dịch bệnh COVID-19 đã giảm căng thẳng nhưng chưa chấm dứt vẫn là thách thức cho cung ứng; chi phí leo thang, tình hình vận tải biển vẫn chưa có giải pháp tích cực; lạm phát tăng tại Mỹ có thể khiến sức mua giảm, sức mua tăng đột biến như năm 2021 khó xảy ra. "Nếu cước tàu biển, logistics, lao động tiếp tục đứng ở mức cao như hiện tại và tăng thêm thì giá cá tra nguyên liệu không thể tăng thêm nhiều hơn nữa," ông Trần Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hùng Cá (tỉnh Đồng Tháp) cho biết.
Tiếp tục nâng cao chất lượng
Năm 2021, diện tích thả nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long đạt 5.856,7ha (tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2020). Các địa phương có diện tích thả nuôi tập trung nhiều nhất gồm An Giang, Đồng Tháp, Long An, Bến Tre.
Sản lượng thu hoạch cá tra năm 2021 đạt 1,525 triệu tấn, tăng 1,63% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, sản lượng cá tra thu hoạch tập trung tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Bến Tre chiếm 86,4% so với toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước những thách thức ngành cá tra được dự báo sẽ đối mặt trong thời gian tới, các địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Long An, Cần Thơ... đều kiến nghị các ngành, các cấp cần có những giải pháp để khắc phục khó khăn, phát triển ngành hàng cá tra hiệu quả và bền vững.
Cụ thể là quan trắc môi trường nước ở các điểm có nguy cơ ô nhiễm môi trường; xây dựng quy chế vùng nuôi tập trung theo hướng áp dụng quy trình nuôi tiên tiến, thực hành nuôi tốt (VietGAP...) để giảm các loại thuốc và hóa chất dùng trong quá trình sản xuất; tăng cường công tác kiểm dịch con giống trước khi đưa vào ao nuôi; kiểm tra, giám sát các loại thức ăn, thuốc, hóa chất ở các cơ sở kinh doanh thức ăn và vật tư thủy sản, đảm bảo truy xuất nguồn gốc vùng nuôi...
Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ đề xuất, Chi cục Thủy sản và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát môi trường; phát hiện và xử lý các nguồn xả thải, đặc biệt tại các vùng nuôi, vùng sản xuất giống thủy sản tập trung để kịp thời cập nhật thông tin và thông báo kịp thời đến người nuôi và các đối tượng có liên quan.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện việc cấp mã số ao nuôi nhằm bảo đảm sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch và thích ứng nhanh với cơ chế thị trường, góp phần ổn định sản xuất thông qua việc cân đối cung cầu; nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc từ cá giống và vật tư đầu vào đến cá tra nguyên liệu.
Đảm bảo ngành cá tra phát triển sản xuất và xuất khẩu ổn định, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu Tổng cục Thủy sản tiếp tục triển khác các đề án, nhiệm vụ nâng cao chất lượng giống cá tra phục vụ nuôi thương phẩm; chỉ đạo sản xuất cung ứng đủ con giống chất lượng cao để nâng cao hiệu quả, hạ giá thành sản xuất.
Các địa phương thực hiện nghiêm quy hoạch diện tích nuôi; kiểm soát toàn diện các yếu tố đầu vào; nâng cao sức cạnh tranh bằng cách nâng cao chất lượng giống, thức ăn, dinh dưỡng. Các địa phương Long An, Hậu Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng … tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, liên kết chuỗi đối với các cơ sở nuôi nhỏ lẻ để đảm bảo ổn định sản xuất.
Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục triển khai Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long,” đặc biệt đối với tỉnh Đồng Tháp. Cùng đó, tiếp tục hoàn thiện và vận hành tốt chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp trên địa bàn tỉnh An Giang.
Ông Phùng Đức Tiến cũng lưu ý, các doanh nghiệp chế biến thủy sản quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết một cách chặt chẽ; gắn kết với cơ sở nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong việc giám sát, theo dõi quá trình thực hiện sản xuất; theo dõi sát diễn biến thị trường để ứng phó nhanh, đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu của các quốc gia nhập khẩu để sẵn sàng xuất khẩu ngay khi có thời cơ.
Các doanh cần nghiệp đẩy mạnh hoạt động giao dịch điện tử trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu-nhà máy chế biển-cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin.
Hệ thống truy xuất điện tử này của doanh nghiệp chế biến có thể kết nối với hệ thống quản lý ao nuôi của cơ quan quản lý thủy sản; tìm kiếm thị trường mới, chuyển hướng thị trường xuất khẩu thay vì tập trung vào một số thị trường chính./.