Trải qua nhiều “cú sốc” kể từ đại dịch COVID-19 và tình trạng khủng hoảng đơn hàng trong nửa cuối năm 2022, ngành gỗ Việt Nam được xác định còn nhiều khó khăn phía trước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp ngành gỗ đang cho thấy sự kiên trì, khả năng thích ứng linh hoạt, đồng thời xác định đúng thế mạnh, khắc phục điểm yếu, không ngừng củng cố năng lực để sớm quay lại đà tăng trưởng.
Bài 1: Muôn kiểu xoay sở
Trong bối cảnh thị trường thu hẹp, đơn hàng sụt giảm, các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn không chấp nhận “ngủ đông” mà xoay xở mọi cách để duy trì sản xuất, tạo việc làm và giữ chân người lao động.
Thị trường vẫn trầm lắng
Theo Hiệp Hội Gỗ và Lâm Sản Việt Nam (Viforest), hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ và sản phẩm từ gỗ đang rất khó khăn, đơn hàng tiếp tục sụt giảm nhất là tại các thị trường lớn như Mỹ, EU.
Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,61 tỷ USD, giảm 34,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 982 triệu USD, giảm 47,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Tình trạng thiếu đơn hàng và kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài trong tháng 1/2023 là yếu tố chính khiến trị giá xuất khẩu các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ giảm mạnh trong tháng 1/2023.
Sang tháng 2, hoạt động xuất khẩu đã trở lại bình thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, nhưng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn giảm là do thị trường chưa có tín hiệu khởi sắc.
Bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và sản xuất Sao Nam chia sẻ trước đây 100% sản phẩm ván sàn của công ty chỉ tập trung xuất khẩu đi thị trường Mỹ.
Tuy nhiên từ cuối năm 2022 đến nay nhu cầu của Mỹ sụt giảm mạnh trong khiến lượng hàng xuất đi Mỹ cũng giảm mạnh, chỉ còn khoảng 35-40% sản lượng sản xuất của nhà máy.
[Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đối phó lạm phát trên thị trường thế giới]
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, Giám đốc Công ty Gỗ Lâm Việt cho biết đơn hàng xuất khẩu đi các thị trường quan trọng theo đà giảm từ những tháng cuối năm 2022 đến đầu năm 2023 và tới nay vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.
Hiện tại, đơn hàng chỉ đủ để nhà máy hoạt động khoảng 50% công suất. Đây là tình trạng chung của các doanh nghiệp trong ngành gỗ nhiều tháng qua.
Theo ông Liêm, các doanh nghiệp vẫn phải cố gắng giữ chân người lao động bằng cách chia ca sản xuất luân phiên. Bởi nếu cho công nhân nghỉ việc thì họ sẽ kiếm việc khác hoặc về quê, đến khi có đơn hàng trở lại sẽ không có nhân công sản xuất, việc tuyển dụng rất khó khăn và mất nhiều thời gian, nhất là các công nhân lành nghề.
Khó chồng khó là chi phí mà doanh nghiệp đang gánh rất nhiều, từ tiền lương công nhân, các khoản bảo hiểm, chi phí xử lý nước thải, kiểm định môi trường định kỳ đến chi phí sử dụng hạ tầng.
Nói về khó khăn hiện tại của ngành gỗ, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng bên cạnh nguyên nhân lạm phát khiến nhu cầu giảm thấp; còn có lý do chủ quan khác từ chính nội tại khó khăn của các doanh nghiệp trong ngành.
Nhiều năm liên tục, ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao với 2 con số mỗi năm nhờ vào sự gia tăng nhanh chóng của quy mô thị trường thế giới; cũng như, sức hút năng lực sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm đòi hỏi tay nghề cao.
Tuy nhiên, chính vì thuận lợi đó khiến hầu hết doanh nghiệp trong ngành chỉ tập trung vào khâu sản xuất, xây dựng nhiều nhà máy lớn mà thiếu quan tâm cho việc xúc tiến thương mại, kết nối chặt chẽ với các thị trường.
Điểm yếu trên khiến các doanh nghiệp gỗ Việt Nam bị động khi nhu cầu thị trường suy giảm. Minh chứng là từ nửa cuối năm 2022 đến nay, khi lạm phát lan rộng và đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm giờ làm.
Vì vậy, muốn phát triển bền vững, các doanh nghiệp, hiệp hội phải liên kết và đầu tư đúng mức cho việc xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, cập nhật thông tin, năng lực cung ứng đến khách hàng quốc tế.
Thích ứng linh hoạt
Trong bối cảnh thị trường thu hẹp, đơn hàng sụt giảm, các doanh nghiệp ngành gỗ không thể ngồi im chờ mà xoay sở mọi cách để duy trì sản xuất, hạn chế thấp nhất tình trạng lao động mất việc.
Bà Đỗ Thị Kim Loan cho biết ngay khi thị trường Mỹ chững lại, lãnh đạo công ty Sao Nam đã tìm cách chuyển hướng sang tìm khách hàng ở các thị trường khác như Australia, Canada…để bù đắp phần nào lượng sụt giảm từ thị trường chính.
“Khi thị trường xuất khẩu lớn nhất khó khăn, chúng tôi tìm kiếm thêm khách hàng ở thị trường Canada và chấp nhận làm gia công cho khách hàng ở Australia. Hiện có các nhà nhập khẩu ván gỗ Australia chuyển nguyên liệu sang cho công ty theo hình thức tạm nhập tái xuất, chúng tôi sẽ thực hiện các công đoạn gia công để thành phẩm, đóng gói và xuất trở lại cho họ. Tỷ trọng tham gia vào các sản phẩm này chỉ khoảng 40-50% nhưng đây là sự thích nghi để duy trì hoạt động của nhà máy, tạo việc làm cho công nhân trong giai đoạn khó khăn” - bà Đỗ Thị Kim Loan chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Liêm cho biết thị trường xuất khẩu chính của Công ty Lâm Việt là Mỹ, Canada, EU, Anh, nhưng từ khi lạm phát lan rộng đơn hàng giảm sâu ở toàn bộ các thị trường trên. Để duy trì sản xuất, doanh nghiệp tích cực tìm đơn hàng nhỏ ở một số thị trường như New Zealand, Australia, Chile…
Bây giờ doanh nghiệp không đặt mục tiêu lợi nhuận mà chỉ cần có đơn hàng để giữ lao động và đủ chi phí trang trải cho hoạt động của nhà máy. Mục tiêu của doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2023 là hoà vốn, và hy vọng đến quý 3, quý 4 thị trường sẽ tốt lên, doanh nghiệp vẫn có sẵn lực lượng để sản xuất.
“Để có thể trụ lại trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, công ty đã chủ động rà soát lại các chi phí để cắt giảm tối đa; đồng thời tìm những thị trường ngách, đơn hàng nhỏ để duy trì hoạt động, giữ chân công nhân chờ thị trường phục hồi. Thời gian này, các nhà máy cũng ưu tiên tái cấu trúc lại dây chuyền sản xuất, đầu tư trang thiết bị để giảm chi phí nhân công. Bên cạnh đó, bắt kịp xu hướng tiêu dùng mới, các doanh nghiệp cũng đa dạng hoá sản phẩm, vẫn lấy gỗ làm nguyên liệu chính nhưng gia tăng sự phối hợp với các loại vật liệu khác như kim loại, đá, kính, vải…để tăng tính thẩm mỹ và ứng dụng theo nhu cầu của khách hàng,” ông Nguyễn Liêm chia sẻ.
Ông Nguyễn Phương, Giám đốc Công ty Gỗ Minh Thành cho biết các doanh nghiệp ngành gỗ gặp khó khăn từ cuối năm 2022 đến nay. Mặc dù đơn hàng giảm mạnh liên tục nhưng doanh nghiệp không muốn ngừng hoạt động hay cắt giảm lao động. Do đó, các doanh nghiệp trước đây chỉ tập trung sản xuất theo đơn hàng có sẵn thì nay phải chủ động, tích cực tìm kiếm khách hàng mới, đơn hàng mới để giữ lực lượng lao động.
Theo ông Nguyễn Phương, những nỗ lực của doanh nghiệp đã có tác dụng, dù chưa có các đơn hàng lớn nhưng từ đầu năm 2023 đã có những tín hiệu tích cực hơn. Những khách hàng truyền thống ở thị trường Mỹ đã bắt đầu kết nối để chia sẻ thông tin, tìm hiểu kế hoạch sản xuất và sản phẩm trong cho mùa mua hàng sắp tới./.
Đón đọc bài 2: Đồng bộ cho sản xuất và thương mại