Sau thời gian tăng trưởng đột phá, trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm nông lâm thủy sản, mang về hàng chục tỷ USD mỗi năm, ngành gỗ hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức lớn.
Đơn hàng giảm mạnh
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam tăng trưởng nhanh, giành được vị thế ngày càng cao trên thị trường đồ gỗ thế giới.
Tuy nhiên, những tháng gần đây, ngành gỗ đang đối mặt với tình trạng sụt giảm đơn hàng dẫn đến khả năng không tăng trưởng hoặc tăng ở mức rất thấp trong năm 2022.
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, thông tin những tháng gần đây thị trường gỗ đang ảm đạm, khi doanh thu và đơn hàng của các doanh nghiệp đang suy giảm tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn.
Theo khảo sát của các hiệp hội gỗ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đều cho thấy vài tháng gần đây đơn hàng của các doanh nghiệp sụt giảm tới 50%.
Trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 9,7 tỷ USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2021 nhờ sự tăng trưởng xuất khẩu dăm gỗ và viên nén sang 3 thị trường gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Trong khi đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ chỉ đạt 7,1 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2021; các thị trường xuất khẩu đồ gỗ, nội thất quan trọng như EU, Hoa Kỳ, Anh đều giảm, thậm chí có thị trường giảm tới 50%.
Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm chính của Việt Nam, chiếm trên 60% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đang có sự giảm tốc.
Tính đến hết tháng 7, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản sang thị trường Hoa Kỳ đạt trên 5,84 tỷ USD, giảm gần 5% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo ông Nguyễn Liêm, đại dịch COVID-19, cuộc xung đột Nga-Ukraine, mức lạm phát cao tại nhiều quốc gia, đặc biệt tại các thị trường lớn trên thế giới; trong đó có Hoa Kỳ, EU… là những nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao.
Khi hàng hóa trở nên đắt đỏ, nhu cầu tiêu dùng về các sản phẩm không thiết yếu sẽ giảm, việc này dẫn đến tồn kho sản phẩm đồ gỗ tại các thị trường cao, các nhà nhập khẩu sẽ hạn chế mua hàng.
Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai cũng cho biết hiện các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu đang phải đối diện với nhiều khó khăn.
Khảo sát cho thấy, trong tháng 7/2022, biến động về số lượng lao động trong các nhà máy, thời gian làm việc của công nhân đang giảm trên 30% và sản lượng sản phẩm giảm trên 40% so với những tháng đầu năm 2022.
Nhiều nhà máy hiện không có đơn hàng trong các tháng cuối năm, hàng chậm, hoặc thậm chí bị hủy đơn hàng, hàng tồn kho nhiều và bị tắc nghẽn dòng tiền.
Dù kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Đồng Nai trong nửa đầu năm 2022 vẫn đạt khoảng 900 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm ngoái, nhưng 2 tháng gần đây, xuất khẩu đã giảm nhiều, đặc biệt là khối các doanh nghiệp trong nước.
Kết quả khảo sát nhanh các doanh nghiệp ngành gỗ của Tổ chức Forest Trends cũng cho thấy, sự sụt giảm rõ nét về đơn hàng gần đây.
Trong 45 doanh nghiệp hiện xuất khẩu sản phẩm gỗ đi Hoa Kỳ được khảo sát, có 33 doanh nghiệp cho biết doanh thu hiện tại đã giảm gần 40% so với các tháng đầu năm.
Chỉ có 10 doanh nghiệp cho biết doanh thu tăng so với các tháng trước đó, nhưng mức tăng rất nhỏ, ở mức 11%.
Thị trường EU cũng tương tự, trong số 38 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang thị trường này có tới 24 doanh nghiệp cho biết, doanh thu hiện giảm trên 41% so với các tháng trước đó. Chỉ có 4 doanh nghiệp cho biết nguồn thu tăng, ở mức 14%.
Tại thị trường Anh, trong 25 doanh nghiệp xuất khẩu thì 17 doanh nghiệp thông báo có nguồn thu giảm, ở mức trên 41%. Khoảng 71% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm.
Với tình hình thị trường như hiện nay, doanh nghiệp cho rằng nguồn thu sẽ giảm khoảng 44% trong cả năm 2022.
Các chuyên gia dự báo khả năng tăng trưởng của ngành gỗ năm nay cao nhất chỉ ở mức vài phần trăm, không thể đạt được con số 19% như năm ngoái.
Bởi lẽ, dư địa cho ngành gỗ phát triển là rất khó, trừ khi có những đột biến về thị trường, về đầu tư của doanh nghiệp cũng như thương mại điện tử và chuyển đổi số.
Với tình hình kinh tế thế giới như hiện nay, việc hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD trong năm 2022 là rất khó khăn.
Đối diện nhiều vụ phòng vệ thương mại
Ngoài tác động từ tình hình kinh tế, lạm phát, những cáo buộc gian lận xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu… cũng đang trở thành mối đe dọa cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững của ngành gỗ Việt Nam.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, ngành gỗ đang đối diện ngày càng nhiều hơn với những vụ việc liên quan đến biện pháp phòng vệ thương mại.
Tần suất của các vụ cảnh báo, khởi xướng điều tra gia tăng và những thiệt hại mà doanh nghiệp Việt Nam phải chịu ngày càng lớn hơn.
Theo phân tích của ông Hoài, nguyên nhân của hiện tượng trên xuất phát từ việc những năm gần đây, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam có mức tăng trưởng bứt phá, trở thành nước xuất khẩu gỗ đứng thứ 5 thế giới và là nhà cung cấp các sản phẩm gỗ chính cho nhiều thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…
Bên cạnh đó, với việc đã ký nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), hàng hoá; trong đó, bao gồm các sản phẩm gỗ được hưởng chính sách ưu đãi về thuế, tạo áp lực cạnh tranh lên ngành sản xuất của một số quốc gia.
Có thể kể đến các vụ việc như ngành gỗ bị Hàn Quốc kiện và áp thuế gỗ dán xuất khẩu sang nước này với mức thuế trung bình 10%. Năm 2021, Canada cũng điều tra và áp thuế mặt hàng salon đệm mút xuất khẩu của Việt Nam cũng với mức thuế 10%.
[DN ngành gỗ đối diện chi phí tăng cao do giá nguyên liệu phi mã]
Trong 3 năm gần đây, Việt Nam lại đối diện thêm rủi ro về phòng vệ thương mại. Cụ thể, ngoài áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, ngành gỗ Việt phải đối diện với các biện pháp tự vệ, nhiều nhất là Hoa Kỳ.
Điển hình như vụ việc điều tra 301 của Hoa Kỳ về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp từ năm 2020-2021. Hiện nay, Hoa Kỳ đang tiếp tục gia hạn ban hành kết luận cuối cùng đối với vụ việc điều tra mặt hàng gỗ dán làm từ gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam đến ngày 17/10/2022.
Xuất phát điểm vụ việc là trong thời gian Hoa Kỳ áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp với sản phẩm gỗ dán của Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá là 183,36% và thuế chống trợ cấp từ 22,98% đến 194,90%, thì kim ngạch xuất khẩu sản phẩm tương tự từ Việt Nam sang Hoa Kỳ liên tục tăng từ 112,3 triệu USD năm 2018 lên 226,4 triệu USD năm 2019, 248,5 triệu USD năm 2020 và 356,7 triệu USD năm 2021.
Các mặt hàng làm từ gỗ dán xuất khẩu của Việt Nam cũng có sự tăng trưởng tương tự.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, sau khi Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá đối với tủ bếp, tủ nhà tắm đối với Trung Quốc thì nhà mua hàng của Hoa Kỳ đổ dồn sang Việt Nam để đặt hàng, các nhà máy của Trung Quốc cũng chuyển dịch sang Việt Nam để đầu tư.
Do đó, Việt Nam đang là thị trường chủ lực trong việc cung cấp các sản phẩm tủ gỗ cho thị trường Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, cơ hội tăng thị phần luôn đi kèm với rủi ro phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế nếu kim ngạch xuất khẩu gia tăng đột biến và không tương xứng với năng lực sản xuất thực tế.
Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, việc bị điều tra phòng vệ thương mại là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, Cục Phòng vệ thương mại luôn khuyến khích doanh nghiệp chủ động phối hợp trong quá trình điều tra. Nếu tích cực hợp tác và có đủ căn cứ chứng minh các cáo buộc vô căn cứ, doanh nghiệp có thể không bị áp thuế hoặc áp thuế mức độ thấp, vẫn giữ được thị trường xuất khẩu.
Ở chiều ngược lại, nếu không có sự nỗ lực, tham gia tích cực của doanh nghiệp, khả năng doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với các mức thuế rất cao, gây thiệt hại nặng nề và mất luôn thị trường.
Về lâu dài, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp trong nước cần đảm bảo tuân thủ triệt để các quy định của thị trường quốc tế, đặc biệt là về nguồn gốc xuất xứ, tính hợp pháp của nguyên liệu. Việc thực thi các quy định phát triển lâm sản bền vững là yêu cầu sống còn, không chỉ riêng với ngành chế biến gỗ Việt Nam mà của cả thế giới.
Bên cạnh đó, các hiệp hội cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường tổ chức các khóa đào tạo tập huấn ngắn hạn để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về những rủi ro khi bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; các kỹ năng để phòng vệ, tự vệ nhằm ứng phó khi có sự cố.
Bởi theo các hiệp hội, thời gian qua doanh nghiệp rất lúng túng khi gặp phải những vụ kiện từ phía nước nhập khẩu nên thường bị liệt vào dạng không hợp tác hoặc không phản hồi… điều này làm gia tăng rủi ro cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, các cơ quan đại diện thương mại ở nước ngoài có thể cung cấp thông tin sớm hơn, đầy đủ hơn và có nhiều những cảnh báo, khuyến nghị để các hiệp hội, doanh nghiệp có thể ứng phó kịp thời./.