Ngành giao thông “nước rút” giải ngân vốn đầu tư công

Ban Quản lý dự án Thăng Long đã giải ngân hơn 7.900 tỷ đồng, đạt 95,2% kế hoạch được giao; Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã giải ngân được 3.420 tỷ đồng đạt 81,6% kế hoạch vốn được giao.
Ngành giao thông “nước rút” giải ngân vốn đầu tư công ảnh 1Cầu cạn Mai Dịch-Nam Thăng Long đi vào hoạt động sẽ khép kín đường Vành đai 3 trên cao. (Ảnh: TTXVN)

Đại diện các Ban Quản lý dự án (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết đang tăng tốc triển khai dự án, đảm bảo tiến độ giải ngân theo kế hoạch mà Bộ Giao thông Vận tải giao.

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Phùng Tuấn Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp, Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải), cho biết năm 2021 tổng kế hoạch vốn đơn vị được giao hơn 8.300 tỷ đồng, trong đó các dự án ngân sách Trung ương là hơn 7.800 tỷ đồng, vốn ODA hơn 521 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến hết ngày 21/12, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã giải ngân hơn 7.900 tỷ đồng, đạt 95,2% kế hoạch được giao (hơn 460 tỷ đồng vốn ODA và hơn 7.400 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương).

“Chỉ tính riêng từ 1- 21/12, số vốn được giải ngân đạt hơn 851 tỷ đồng, tập trung ở các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam, đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 đạt hơn 140 tỷ đồng. Dự án Phan Thiết-Dầu Giây đạt hơn 144 tỷ đồng; dự án sửa chữa, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài đạt 158 tỷ đồng. Dự án vành đai 3 Hà Nội đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long đạt gần 66,5 tỷ đồng. Dự án Quốc lộ 12 cầu Hang Tôm đạt gần 307 tỷ đồng," ông Phùng Tuấn Sơn cho biết.

Cũng theo đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long, từ nay đến 30/12, đơn vị sẽ tiếp tục giải ngân hơn 17 tỷ đồng. Dự kiến, đến 31/1/2022 (thời điểm hết năm tài chính), Ban Quản lý dự án Thăng Long sẽ giải ngân được hơn 8.278 tỷ đồng, đạt 99,5% kế hoạch vốn được giao.

Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cũng đang đẩy nhanh tiến độ các dự án được giao. Qua đó, đáp ứng yêu cầu kế hoạch giải ngân năm 2021.

[Vì sao tỷ lệ giải ngân vốn Bộ GTVT cao vượt trội so bình quân cả nước?]

Theo ông Lê Văn Sáu, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, sau điều chỉnh kế hoạch vốn, tổng kế hoạch vốn được giao năm 2021 của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh là 4.192 tỷ đồng; trong đó vốn kéo dài 2020 là 27 tỷ đồng, vốn 2021 là 4.165 tỷ đồng.

Tính đến ngày 22/12, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã giải ngân được 3.420 tỷ đồng đạt 81,6% kế hoạch vốn được giao sau điều chỉnh, bao gồm cả 1.299 tỷ đồng vốn bố trí trả nợ dự án BT.

Theo kế hoạch, trong tháng 12, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh sẽ giải ngân thêm 186 tỷ đồng và tiếp tục giải ngân 528 tỷ đồng trong tháng 1/2022. Tổng giá trị giải ngân đến hết tháng 12 là hơn 3.600 tỷ đồng, đạt 86% kế hoạch vốn và đạt 98,6% trong tháng 1/2022.

“Số vốn dự kiến còn lại là hơn 58 tỷ đồng bao gồm 45 tỷ đồng dự án cao tốc La Sơn-Túy Loan; 7 tỷ đồng các dự án chuẩn bị đầu tư do không đủ điều kiện thanh toán; 5,5 tỷ đồng dự án tuyến tránh Ea Drăng, do dự án đã quyết toán; 0,6 tỷ đồng thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản không còn nhu cầu giải ngân," ông Lê Văn Sáu cho biết.

Ngành giao thông “nước rút” giải ngân vốn đầu tư công ảnh 2Xây dựng cầu Bình Khánh (bắc qua sông Soài Rạp, nối hai huyện Nhà Bè và Cần Giờ) trên tuyến cao tốc Bắc-Nam qua Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Trong khi đó, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết tính đến thời điểm hiện tại, trong số hơn 2.000 tỷ đồng kế hoạch vốn được giao trong năm 2021 sau điều chỉnh, đơn vị đã giải ngân được hơn 1.953 tỷ đồng, đạt hơn 94% kế hoạch.

Còn theo đại diện một số đơn vị khác của Bộ Giao thông Vận tải cho biết cũng đang đẩy mạnh các giải pháp để đảm bảo mục tiêu giải ngân của đơn vị đã được Bộ Giao thông Vận tải giao.

Đại diện lãnh đạo Vụ Kế hoạch-Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), tính đến hiện tại, Ban Quản lý dự án Thăng Long đang là đơn vị có khối lượng giải ngân cao nhất của Bộ Giao thông Vận tải. Trong tổng số vốn kế hoạch năm 2021 của Bộ Giao thông Vận tải khoảng 43.397 tỷ đồng, Ban Quản lý dự án Thăng Long chiếm gần 20%.

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), cho biết năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công rất lớn, lên tới khoảng 43.401 tỷ đồng.

Kết quả giải ngân hàng tháng trong năm 2021 của Bộ Giao thông Vận tải thuộc trong số các bộ, ngành đạt tỷ lệ cao so với bình quân chung cả nước. Dự kiến hết tháng 1/2022 (thời điểm hết năm tài chính), Bộ Giao thông Vận tải phấn đấu giải ngân đạt trên 95% đáp ứng yêu cầu Chính phủ đề ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục