Sáng 23/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VII năm 2020 với sự tham gia của hơn 300 đại biểu cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh điển hình tiên tiến toàn quốc.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng đại diện một số bộ, ban, ngành Trung ương đã tham dự Đại hội.
Tại sự kiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tôn vinh, biểu dương 24 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước được lựa chọn từ các đơn vị, cơ sở giáo dục của cả nước trong 5 năm qua.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, thời gian qua, toàn ngành đã triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng. Bộ đã chủ động phát động và tổ chức triển khai thực hiện các phong trào thi đua của ngành nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29/NQ-TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Các phong trào thi đua phát triển theo chiều sâu, gắn chặt với các hoạt động của ngành và trở thành hoạt động thiết thực, thường xuyên trong các cơ sở giáo dục và trong toàn ngành.
Trong 5 năm qua, các nhà trường đã chủ động đổi mới phương pháp giáo dục, có nhiều hoạt động cụ thể nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hoạt động của đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên và học sinh, sinh viên. Nhiều mô hình, sáng kiến trong dạy và học đã được các cơ sở giáo dục thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên với phương châm mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày tới trường đều nỗ lực đổi mới, cải tiến trong công việc.
Về công tác khen thưởng, 5 năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tặng bằng khen cho gần 1.800 tập thể và trên 13.000 cá nhân, trong đó khen thưởng cho học sinh, sinh viên giỏi quốc gia, quốc tế trên 5.200 em. Toàn ngành đã có 3 tập thể và 7 cá nhân được nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lao động, 61 nhà giáo được công nhận danh hiệu chiến sỹ thi đua toàn quốc, được Chủ tịch nước tặng thưởng 18 huân chương Độc lập cho các tập thể…
[50 dự án lọt vào chung kết Diễn đàn Giáo dục Việt Nam năm 2020]
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh Đảng, Nhà nước luôn coi giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho hay qua 6 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng và đạt được những thành quả bước đầu quan trọng. Cụ thể, ngành đã hoàn thiện hành lang pháp lý với việc trình Quốc hội thông qua Luật Giáo dục Đại học, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa được thực hiện tích cực; đổi mới kiểm tra, đánh giá người học ngày càng thực chất, hiệu quả hơn. Giáo dục đại học cũng có những bước tiến quan trọng khi lần đầu tiên có ba cơ sở giáo dục đại học lọt vào bảng xếp hạng 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới, 7 trường đại học được vào danh sách 500 trường đại học tốt nhất châu Á.
Kết quả các phong trào thi đua cho thấy, ngành giáo dục quyết tâm và nhiều đổi mới, đóng góp tích cực vào phát triển con người, đào tạo nguồn nhân lực, là một trong ba đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, góp phần vào thành tựu to lớn qua 35 năm đổi mới của đất nước.
Định hướng trong giai đoạn tới, Phó Chủ tịch nước yêu cầu ngành giáo dục tiếp tục tham mưu xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách, thực hiện có hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy vai trò quốc sách hàng đầu của giáo dục và đào tạo đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế./.