Trong hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, việc áp dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục ở Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận sự chuyển biến rõ rệt theo chiều hướng rất tích cực.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trong ngành còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là thông tin tại Hội thảo quốc tế ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “Chuyển đổi số giáo dục - Từ cốt lõi đến toàn diện,” do Ủy ban Nhân dân Thành phố tổ chức ngày 28/10.
[Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025]
Theo kết quả khảo sát các chỉ số sẵn sàng áp dụng công nghệ vào giáo dục ở Thành phố Hồ Chí Minh, 88% trường học trên địa bàn đã có chiến lược kỹ thuật số hoặc kế hoạch kết hợp sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và quản lý trường học. 82% học sinh sử dụng các thiết bị kỹ thuật số một cách an toàn và phù hợp.
Đặc biệt, khảo sát còn cho thấy 78% học sinh cải thiện quá trình học tập nhờ vào sử dụng công nghệ thông tin.
77% giáo viên cho biết rất tự tin chuẩn bị các bài thuyết trình để sử dụng trên lớp, 73% giáo viên sử dụng công nghệ thông tin đánh giá kết quả học tập của học sinh và 64% giáo viên tham gia sử dụng các tài nguyên dùng chung trên Internet...
Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ vào giáo dục ở Thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều bất cập khi chỉ có 4% trường học có các thiết bị kỹ thuật số được điều chỉnh để phục vụ học sinh khuyết tật; 70% trường học có băng thông hoặc tốc độ internet đủ dùng, trong đó có 67% nhà trường kết nối Internet ổn định.
Bên cạnh đó, chỉ có 42% giáo viên cho biết các tài nguyên số được liên kết với sách giáo khoa, 35% giáo viên sử dụng trò chơi học tập kỹ thuật số...
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, việc triển khai chương trình chuyển đổi số lĩnh vực Giáo dục tuy được các cấp lãnh đạo quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, nhưng do đây là lĩnh vực còn mới, chưa có mô hình chuẩn nên khi thực hiện vừa phải nghiên cứu vừa phải tìm tòi, điều chỉnh nên kết quả còn chậm so với kỳ vọng.
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, Thành phố có trên 1,7 triệu học sinh và khoảng 100.000 giáo viên, nhân viên cán bộ quản lý tài khoản, định danh người dùng, chăm sóc người dùng... trong khi nhân sự của Sở Giáo dục và Đào tạo còn hạn chế về số lượng.
Bên cạnh đó, nguồn lực công nghệ thông tin của các đơn vị trường học còn rất hạn chế, nhất là giáo dục mầm non. Vì vậy, việc cập nhật cơ sở dữ liệu trường vẫn chưa đầy đủ và kịp thời.
Dữ liệu hiện nay đã không được tạo ra từ một nguồn tập trung mà từ vô số phần mềm, thiết bị, hoạt động. Việc tích hợp toàn bộ những dữ liệu này tạo ra những mô hình đồng nhất có thể phục vụ cho việc phân tích, xử lý là một thách thức lớn về mặt công nghệ trong khi điều kiện hạ tầng công nghệ thực tế của ngành giáo dục và đào tạo Thành phố chưa đáp ứng được.
Bên cạnh đó, các hệ thống lưu trữ, phân tích dữ liệu lớn của ngành giáo dục và đào tạo chưa được thực hiện do chậm triển khai các đề án công nghệ thông tin.
Cũng theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục được nhiều tập đoàn, công ty phần mềm quan tâm, đầu tư lớn.
Tuy nhiên, do mục đích triển khai không phù hợp với định hướng của Giáo dục thành phố cũng như tính chất đặc thù chuyên ngành giáo dục, Sở phải tự xây dựng và vận hành một số phần mềm trực tuyến lớn nhằm hỗ trợ công tác quản lý, điều hành của ngành trong khi nguồn nhân lực công nghệ thông tin có hạn.
Chưa kể, vấn đề an toàn, an ninh mạng, hạ tầng công nghệ... vẫn đang là thách thức lớn không riêng ngành giáo dục trong quá trình chuyển đổi số.
Nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số trong ngành giáo dục, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong giai đoạn hiện nay và giáo dục là một trong những lĩnh vực trọng yếu trong Chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao kết quả chuyển đổi số của ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là trong hai năm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Phúc lưu ý việc thiết lập chương trình học trực tuyến trong giai đoạn COVID-19 mới chỉ là một trong những hình thức rất đơn giản của chuyển đổi số.
Mục đích chuyển đổi số trong ngành giáo dục đang được hướng đến là hệ thống học trực tuyến thông minh đúng nghĩa, có đầy đủ học liệu, quản lý học tập để giúp học sinh, giáo viên học tập, giảng dạy một cách chủ động, bổ sung cho việc học trực tiếp cũng như nâng cao chất lượng dạy và học.
Tuy nhiên, để xây dựng hệ thống hoàn chỉnh, cần những dự án cụ thể. Nếu mỗi trường học, mỗi Phòng Giáo dục thực hiện dự án sẽ không khả thi cũng như không hiệu quả mà phải cần vai trò điều phối, thực hiện của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng vấn đề khó nhất không phải là công nghệ, mà nằm ở yếu tố con người. Do vậy, việc thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành giáo dục cần sự quyết tâm, nỗ lực nhiều hơn của mỗi giáo viên, nhà trường.
Đại diện Ngân hàng Thế giới Cristóbal Cobo đưa ra những khuyến nghị, ngành giáo dục và đào tạo thành phố cần thiết kế các chiến lược để đảm bảo sự phù hợp giữa chính sách và quá trình thực thi. Trong đó, cần đặt giáo viên và học sinh vào trung tâm của chiến lược công nghệ giáo dục, chú ý đến các khối lớp thấp hơn để tăng cường tính nhất quán.
Đặc biệt, việc xây dựng các cơ chế hỗ trợ nhằm hướng dẫn giáo viên sử dụng công nghệ trong giảng dạy là rất quan trọng, thay vì cho lập kế hoạch hoặc hoạt động mang tính chất hành chính.
Để khắc phục những khó khăn trong quá trình chuyển đổi số, ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu gốc (Master Data) để từng bước liên thông kết nối, chuyển giao dữ liệu giữa các cấp học.
Ngành phối hợp với các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ để hướng dẫn, nâng cao chất lượng nguồn dữ liệu; phát huy tối đa nội lực đội ngũ công nghệ thông tin...
Về mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống học tập đồng bộ và kho dữ liệu học mở làm nền tảng xây dựng xã hội học tập; sử dụng AI trong giáo dục; ứng dụng blockchain để quản lý, xác thực liên thông điểm số, văn bằng.../.