Ngành giáo dục Thừa Thiên-Huế nỗ lực vượt qua khó khăn sau bão lũ

Hàng trăm ngàn suất quà, sách vở, đồ dùng học tập, lương thực, học bổng đã đến tận tay học sinh các trường vùng lũ, tiếp thêm động lực để các em vượt qua năm học khó khăn này.
Ngành giáo dục Thừa Thiên-Huế nỗ lực vượt qua khó khăn sau bão lũ ảnh 1Dọn dẹp vệ sinh trường lớp. (Ảnh minh họa. Bích Huệ/TTXVN)

Lũ chồng lũ, bão chồng bão kéo dài hơn một tháng qua khiến ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên-Huế chịu thiệt hại nặng nề.

Hiện nay, các cấp, ngành trong tỉnh đang chung tay cùng ngành giáo dục nỗ lực khắc phục thiệt hại sau bão lũ, hỗ trợ cơ sở vật chất, đồ dùng học tập để con đường đến trường của nhiều thầy cô và học sinh vơi bớt khó khăn.

Thiệt hại nặng nề

Nằm ở vùng ven biển, Trường Tiểu học Phú Thuận 1, huyện Phú Vang đã bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 13. Từng đợt gió lớn đã cuốn bay toàn bộ mái nhà của dãy nhà cấp 4, gồm một phòng học, ba phòng chức năng. Nhiều cơ sở vật chất, đồ dùng học tập bị ngấm ướt nước mưa, hư hại; nhà để xe bị sập.

Thầy Đỗ Viết Đề, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thuận 1, cho biết rạng sáng 15/11, bão số 13 gây gió to và giật mạnh tại địa phương. Ngay khi bão tan, các thầy cô giáo trong trường không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến cảnh tan hoang các phòng học, trang thiết bị dạy học.

Được sự hỗ trợ của các lực lượng bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ, chính quyền địa phương, các thầy cô giáo đã khẩn trương dọn vệ sinh, tận dụng những tấm tôn còn nguyên vẹn để lợp lại mái nhà, sớm đưa học sinh trở lại trường. Nhà trường đã bố trí học sinh học tạm ở các phòng khác để đảm bảo an toàn trong quá trình sửa chữa.

Không chỉ riêng Trường Tiểu học Phú Thuận 1, sau khi cơn bão số 13 đi qua, cơ sở vật chất của 34 điểm trường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế bị hư hỏng nghiêm trọng. Ngoài ra, một số nhà xe bị tốc mái, hàng rào trường học bị sập, đồ chơi ngoài trời bị hư hỏng.

Trường Tiểu học số 1 xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền là nơi thường xuyên bị ngập trong các đợt mưa lũ vừa qua. Một tháng rưỡi qua, ngôi trường này phải hứng chịu sáu trận bão lũ liên tiếp và đó cũng là thời gian mà hơn 400 học sinh của trường phải nghỉ học. Hiện nay, sân trường vẫn còn ngập lụt gần 1m nên nguy cơ học sinh nơi đây phải nghỉ học dài ngày.

Cô Đoàn Thị Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 xã Quảng Phước, cho biết thời gian qua, thầy cô giáo của trường gặp nhiều khó khăn trong việc bảo quản cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và khắc phục hậu quả. Lũ chồng lũ, nhiều lần các thầy cô vừa mới dọn sạch bùn non, sắp đặt bàn ghế hôm trước, hôm sau lại phải kê bàn ghế, dụng cụ học tập lên cao để đón đợt lũ mới. Nhiều đợt, các phòng học bị nước lũ ngập sâu hơn 1,2m. Vấn đề đạt ra hiện nay là học sinh đã nghỉ học hơn 45 ngày, chương trình học chậm hơn so với mặt bằng chung toàn huyện.

Tại huyện Quảng Điền, trong các đợt mưa lũ vừa qua, 45 trường học đều bị ngập, trong đó có nơi ngập sâu đến 1,5m. Gần 20.000 học sinh nơi đây phải nghỉ học đến sáu đợt để tránh lũ, ảnh hưởng đến tiến độ chương trình của học sinh.

Ông Nguyễn Thái Hiệp, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Điền, cho biết nằm ở vùng thấp trũng, Quảng Điền là địa phương chịu thiệt hại nặng do lũ lụt. Nhiều cơ sở trường học bị tốc mái, ngập sâu, trang thiết bị, đồ dùng dạy học hư hỏng, sách giáo khoa, vở của học sinh bị ướt. Hiện nay, nhiều trường học vẫn chưa triển khai dạy học trở lại. Ngành giáo dục nơi đây vẫn cố gắng từng bước khắc phục khó khăn để các em học sinh có thể đến lớp sớm nhất.

Lũ chồng lũ, bão chồng bão kéo dài trong tháng 10 và 11 năm nay khiến chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế nói chung và ngành Giáo dục nói riêng phải đối mặt với những khó khăn, thiệt hại chồng chất. Dù đã có sự chuẩn bị trước, nhưng sức tàn phá của các đợt thiên tai quá nặng gây thiệt hại về tài sản của các cơ sở giáo dục, sức khỏe, thể chất của giáo viên, học sinh và gia đình người học.

[Nhiều nơi ở tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn bị ngập úng nặng do mưa bão]

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh thừa Thiên-Huế, các đợt bão lũ vừa qua, đã khiến hơn 250 phòng bị tốc mái; hơn 1.430 phòng bị thấm dột, tấm lợp bị mục; hơn 4.700m2 hàng rào bị sập, nghiêng; hư hỏng hơn 500 bộ máy vi tính; 3.124 bộ bàn ghế học sinh hư hỏng; trên 15.000 bộ sách giáo khoa và 13.000 cuốn vở của học sinh bị nước cuốn trôi và ướt... Ước tính thiệt hại hơn 80 tỷ đồng.

Hai học sinh bị thương và 14 học sinh có phụ huynh bị thiệt mạng do thiên tai. Đáng chú ý, thời điểm này, các vùng thấp trũng thuộc huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, thị xã Hương Trà, nước vẫn còn ngập sâu, học sinh chưa thể đến trường.

Nỗ lực khắc phục thiệt hại, đảm bảo chương trình học

Với sự hỗ trợ của lực lượng quân đội, cùng các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, ngành giáo dục Thừa Thiên-Huế đã tích cực khắc phục thiệt hại do bão lũ; đồng thời kêu gọi, huy động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm chung tay hỗ trợ giáo viên và học sinh, không để các em bỏ học sau bão lũ; ổn định công tác dạy và học.

Ngành giáo dục Thừa Thiên-Huế nỗ lực vượt qua khó khăn sau bão lũ ảnh 2Giáo viên trường mầm non Phú Hội (cơ sở 2) dọn dẹp sau mưa. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Ngành giáo dục đã thành lập ban tiếp nhận để sớm chuyển các sự hỗ trợ về những trường, học sinh chịu thiệt hại nặng. Nhờ vậy, hàng trăm ngàn suất quà, sách vở, đồ dùng học tập, lương thực, học bổng đã đến tận tay học sinh các trường vùng lũ, tiếp thêm động lực để các em vượt qua năm học khó khăn này.

Sau mỗi đợt bão tan, lũ rút, các thầy cô giáo Trường Trung học cơ sở Đặng Dung, huyện Quảng Điền lại gác việc nhà, xắn tay áo để dọn dẹp, lau chùi bàn ghế, lớp học để đón học sinh trở lại trường. Nhiều phụ huynh học sinh tranh thủ thời gian chung tay cùng nhà trường đảm bảo trường lớp sạch sẽ, phòng, chống dịch bệnh trong trường học.

Thầy Lê Anh Dũng, Trường Trung học cơ sở Đặng Dung, cho biết nằm ở địa bàn vùng trũng, những đợt mưa lũ vừa qua, nhiều học sinh của trường bị trôi, ướt sách, vở và các đồ dùng học tập khác. Nhà trường đã vận động các nhà hảo tâm để hỗ trợ các em sách vở, dụng cụ học tập và quần áo để các em đến trường, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn. Bão lũ đi qua đã để lại rất nhiều khó khăn, hiện nay nhà trường xác định vừa khắc phục hậu quả vừa tổ chức dạy bù để đảm bảo chương trình.

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Vang, với mục tiêu không để học sinh nào phải bỏ học do gặp phải hoàn cảnh khó khăn do bão, lũ, huyện đã kêu gọi các nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện cùng chung tay, góp sức giúp các trường học, những học sinh chịu thiệt hại do bão, lũ.

Đến nay, ngành giáo dục huyện Phú Vang đã tiếp nhận và phân phối hàng nghìn suất quà, với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng đến các trường và học sinh vùng lũ. Trong đó, Hội Khuyến học huyện đã kêu gọi và hỗ trợ gần 2.000 suất quà, với kinh phí hơn 150 triệu đồng.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Tân cho biết mưa bão cả tháng qua đã gây nhiều thiệt hại đối với người dân và ngành giáo dục. Trước mắt, ngành chỉ đạo các phòng giáo dục cũng như các đơn vị trực thuộc sửa chữa lại cơ sở vật chất hư hỏng nhẹ. Những công trình hư hỏng nặng, các đơn vị tổng hợp báo cáo, để Sở trình Ủy ban Nhân dân tỉnh bố trí kinh phí khắc phục kịp thời đảm bảo an toàn cho học sinh.

Sở yêu cầu các trường nắm bắt tình hình học sinh để có hướng hỗ trợ kịp thời, không để học sinh nào vì khó khăn mà phải nghỉ học. Với những trường học nghỉ dài ngày, Sở có phương án điều chỉnh thời gian học bù trong cả năm học để không tạo áp lực cho thầy cô và học sinh.

Trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Năm 20/11 năm nay, Sở chỉ đạo các trường tổ chức ngày lễ ngắn gọn, ý nghĩa nhằm ôn lại ngày truyền thống của ngành và động viên nhau cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này; đồng thời đề nghị không tặng hoa, quà.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, tỉnh đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề do những đợt thiên tai vừa qua, trong đó có ngành giáo dục. Ngành giáo dục cần chú trọng giải pháp để học sinh các vùng thấp, trũng sớm trở lại trường học đảm bảo an toàn, mượn cơ sở vật chất ở nơi cao để cho học sinh vùng ngập lụt lâu ngày học tập; tăng thời lượng dạy học, đảm bảo điều chỉnh chương trình học phù hợp. Đồng thời, ngành phải rà soát và ưu tiên hỗ trợ sách giáo khoa, bàn ghế, đồ dùng học tập cho học sinh, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đang đến rất gần, trong khi học trò cả nước đang náo nức lập nhiều thành tích trong học tập để tri ân các thầy cô giáo, ở những vùng ngập lụt ở tỉnh Thừa Thiên-Huế, các thầy cô giáo, phụ huynh và các em học sinh đang cùng nhau nỗ lực vượt qua khó khăn, vừa khắc phục thiệt hại vừa tổ chức việc dạy và học để bảo đảm chất lượng chương trình học./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục