Thiếu giáo viên là thực trạng tồn tại đã nhiều năm qua của ngành giáo dục. Khi thực trạng này vẫn còn chưa được giải quyết căn cơ thì việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 với hàng loạt môn học mới lại càng khiến cho vấn đề thiếu giáo viên ở các nhà trường trở nên trầm trọng hơn.
Đặc biệt trong năm học 2022-2023 này, năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10, với hàng loạt môn học mới như Tin học, Ngoại ngữ, Nghệ thuật…, việc thiếu giáo viên lại càng trở thành rào cản lớn để triển khai các nhiệm vụ giáo dục
Có chương trình mới với nhiều mục tiêu giáo dục mới nhưng không có giáo viên, các nhà trường đã và đang phải loay hoay tìm đủ cách để lấp chỗ trống, thậm chí ở nhiều tỉnh thành buộc phải chấp nhận tạm thời loại môn học ra khỏi chương trình học vì không có thầy cô đứng lớp.
Bài 1: Thiếu giáo viên trầm trọng trên cả khắp cả nước
Năm 2022 là năm đầu tiên ngành giáo dục và đào tạo triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10 với nhiều môn học bắt buộc mới (Ngoại ngữ, Tin học ở lớp 3, môn Nghệ thuật với 8 phân môn ở lớp 10). Tuy nhiên, ở hầu hết các địa phương trên cả nước, việc triển khai các môn học này gặp rất nhiều khó khăn do thiếu giáo viên.
Trắng giáo viên
Suốt cả mùa hè năm nay, cô Đường Thị Huế, Hiệu trưởng Trường liên cấp Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở xã Hồng An (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) thấp thỏm không yên khi cả trường chỉ có một giáo viên Tiếng Anh, sẽ rất khó khăn khi phải dạy cho tất cả các lớp, từ lớp 3 đến lớp 9. Trong khi đó, giáo viên này lại đang nộp đơn xin chuyển về vùng thuận lợi hơn để có điều kiện chăm sóc con cái, gia đình, sau khi đã có nhiều năm cống hiến cho ngôi trường ở vùng huyện nghèo nơi biên viễn.
“Nếu cô giáo chuyển đi, trường sẽ ‘trắng’ giáo viên ngoại ngữ, nhưng nếu cô không được chuyển, tôi cũng rất thương,” cô Huế chia sẻ.
Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, cả huyện có 17 trường có bậc tiểu học, với trên 60 điểm trường, nhưng chỉ có 5 giáo viên dạy Tiếng Anh.
Thiếu giáo viên cũng là tình trạng chung của nhiều tỉnh thành trên cả nước. Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, hàng loạt địa phương đã lên tiếng về vấn đề này.
Ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ An cho hay địa phương đang thiếu khoảng 6.000 giáo viên. Đại diện tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết tỉnh thiếu hơn 10.000 giáo viên. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương, bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, cho hay cần bổ sung 3.000 giáo viên.
Tại Tây Ninh, tổng số nhu cầu giáo viên các cấp học hiện nay của tỉnh đang cần là 11.683 giáo viên nhưng hiện chỉ có 10.493 giáo viên, kể cả tuyển dụng mới. Toàn tỉnh đang thiếu 1.190 giáo viên ở các cấp học.
Ngay ở các thành phố lớn, tình trạng thiếu giáo viên cũng diễn ra nghiêm trọng khi số học sinh tăng nhanh. Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Thủ đô đang thiếu hơn 10.200 giáo viên ở các cấp học.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, số giáo viên còn thiếu là gần 6.000 người. Để đáp ứng yều cầu dạy học của năm học 2022-2023, thành phố cần tuyển hơn 5.200 giáo viên ở các bậc học, trong đó nhiều nhất là bậc tiểu học với trên 2.300 giáo viên.
Với môn Nghệ thuật ở bậc trung học phổ thông, vấn đề thiếu giáo viên lại càng là thách thức lớn hơn trường vừa không có giáo viên, vừa không có đủ điều kiện cơ sở vật chất để phục vụ môn học. Tại nhiều tỉnh như Phú Thọ, Gia Lai, Sơn La… hầu hết các trường trung học phổ thông đều không có giáo viên cho môn học này. Ngay tại Thủ đô Hà Nội, nhiều trường cũng chưa thể triển khai môn học này trong năm học 2022-2023 cũng vì lý do tương tự.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 2/2022, cả nước thiếu khoảng 94.700 giáo viên, trong đó thiếu 48.718 giáo viên mầm non, 20.210 giáo viên tiểu học, 14.653 giáo viên trung học cơ sở, 11.133 giáo viên trung học phổ thông. Bước vào đầu năm học mới, riêng số giáo viên các môn Tin học, Ngoại ngữ ở lớp 3 và môn Nghệ thuật ở lớp 10 còn thiếu khoảng trên 10.000 người.
Tuyển dụng khó khăn
Dù thiếu giáo viên khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là việc đã nhìn thấy từ trước nhưng việc tuyển dụng rất khó khăn.
Ông Vi Xuân Chiểu, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) cho hay huyện đã hai lần thông báo tuyển giáo viên nhưng không có hồ sơ ứng tuyển vì lương thấp, công việc lại quá vất vả. Tương tự, tại Yên Bái, hai huyện nghèo là Trạm Tấu và Mù Căng Chải cũng không nhận được bất cứ hồ sơ nào sau hai lần công bố tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh, ông Phạm Ngọc Hải cho biết theo quy định của Chính phủ, công tác tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở sẽ được ủy ban nhân dân tỉnh phân cấp về huyện thực hiện. Do đó, các huyện vùng sâu, biên giới sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển dụng.
[Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cho năm học mới 2022-2023]
“Người tham gia tuyển dụng thường chọn các trường ở vùng thuận lợi để đăng ký tham gia tuyển dụng. Nếu không có chính sách đặc thù cho các địa phương vùng sâu, biên giới thì khó có thể đảm bảo đủ đội ngũ giáo viên để giảng dạy,” ông Hải nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ngay ở những vùng thuận lợi, việc tuyển dụng cũng không dễ dàng vì chi phí sinh hoạt cao trong khi lương giáo viên thấp. Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho hay việc tuyển giáo viên rất khó khăn, nhất là những môn đặc thù và môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 như tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật...
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nhật Hằng, từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022, toàn ngành giáo dục Bình Dương có 527 giáo viên nghỉ việc, phần lớn vì thu nhập chưa đảm bảo cuộc sống.
Với môn Nghệ thuật ở cấp trung học phổ thông còn thêm hạn chế về nguồn tuyển khi đây là lần đầu tiên môn Nghệ thuật được triển khai ở cấp học này. Số người được đào tạo sư phạm nghệ thuật ít trong khi những người được đào tạo về nghệ thuật lại không thể tham gia giảng dạy vì thiếu điều kiện về nghiệp vụ sư phạm.
Trước thực trạng này, các nhà trường, địa phương đã phải “trăm phương nghìn cách” bố trí nhân lực để có thể triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới./.
Bài 2: “Trăm phương, ngàn kế” lấp khoảng trống thiếu giáo viên