Ngành giao đồ ăn Đông Nam Á phát triển trong dịch bệnh

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự nhộn nhịp của thị trường giao đồ ăn Đông Nam Á, các nền tảng giao đồ ăn quốc tế và khu vực tích cực mở rộng quy mô.
Ngành giao đồ ăn Đông Nam Á phát triển trong dịch bệnh ảnh 1

Theo báo Liên hợp buổi sáng, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự nhộn nhịp của thị trường giao đồ ăn Đông Nam Á, các nền tảng giao đồ ăn quốc tế và khu vực tích cực mở rộng quy mô, các nền tảng giao đồ ăn loại hình nhỏ của mỗi nước cũng duy trì lợi thế của mình bằng những sách lược khác nhau.

Vài năm trở lại đây, thị trường giao đồ ăn Đông Nam Á phát triển nhanh, không những các nền tảng giao đồ ăn quốc tế và khu vực tranh nhau thâm nhập, mà còn giúp "nuôi dưỡng" nhiều nền tảng giao đồ ăn nhỏ tiếp tục phát triển.

Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, tỷ lệ sử dụng Internet và điện thoại di động cao, hạ tầng thanh toán từng bước hoàn thiện, văn hóa ẩm thực phát triển, cũng như thói quen của người tiêu dùng thay đổi đều là những nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển bùng nổ của thị trường giao đồ ăn.

Dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020, cũng như các biện pháp ngăn chặn virus sau đó và những hình thức phòng dịch như làm việc tại nhà đã góp phần thúc đẩy thị trường giao đồ ăn tăng trưởng nhanh.

Theo số liệu của Momentum Works, năm 2020, tổng giá trị giao dịch của các nền tảng giao đồ ăn tăng 183% so với năm 2019, quy mô thị trường đạt 11,9 tỷ USD. Trong đó, 3 thị trường lớn nhất lần lượt là Indonesia, Thái Lan và Singapore.

Phụ trách bộ phận nghiên cứu của Momentum Works Diêu Tử Văn cho biết, số liệu nghiên cứu của năm 2020 cho thấy tốc độ tăng trưởng của toàn thị trường có thể đạt 30-40% trong năm nay. Do dịch bệnh bắt đầu bùng phát trở lại từ tháng Tư, nên một số dữ liệu có thể không ổn định.

Đáng chú ý, tổng giá trị giao dịch của Singapore từ đầu năm đến nay đã ở mức tương đương với 60% của Indonesia, trong khi dân số chỉ bằng 2% “đất nước vạn đảo.” Theo nhà phân tích Diêu Tử Văn, đây là do Singapore đã áp dụng các biện pháp như đóng cửa các hàng ăn trong thời gian dịch bệnh, hơn nữa giá mỗi đơn hàng khá cao.

[Đơn đặt đồ ăn của DoorDash tăng cao kỷ lục trong quý 2]

Dịch vụ giao đồ ăn đã sớm xuất hiện ở Âu-Mỹ từ năm 1994 khi các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh như McDonald's và KFC “khai sinh” dịch vụ giao đồ ăn. Tuy nhiên, sự phát triển của lĩnh vực này ở Đông Nam Á gắn liền với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, sự phổ cập của Internet, cũng như việc nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẵn sàng tăng cường đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, truyền thông và viễn thông của Đông Nam Á trong 10 năm qua.

Thị trường giao thực phẩm hình thành “thế chân vạc”

Năm 2012, nền tảng giao thực phẩm và hàng tạp hóa foodpanda có trụ sở chính ở Đức đặt chân vào Singapore, trở thành doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đầu tiên khởi động dịch vụ giao đồ ăn ở Đông Nam Á.

Hiện nay, nền tảng giao đồ ăn của Đông Nam Á đã hình thành cục diện “thế chân vạc.” GrabFood có trụ sở chính ở Singapore, Deliveroo có trụ sở chính ở London và foodpanda đều triển khai nghiệp vụ kinh doanh ở châu Á, bao gồm các thành phố lớn của Đông Nam Á.

Các thị trường Đông Nam Á mà GrabFood thâm nhập gồm có Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Myanmar.

Theo người phát ngôn của Grab, ở Singapore, GrabFood đã áp dụng một số biện pháp trong thời kỳ cao điểm của dịch bệnh trong 18 tháng qua để hỗ trợ các đối tác kinh doanh dịch vụ ăn uống gia nhập nền tảng, đồng thời tăng thêm cơ hội thu nhập.

Số liệu khảo sát do GrabFood phối hợp với Euromonitor International tiến hành cho thấy, năm 2020, GrabFood chiếm 50% thị phần thị trường giao thực phẩm trực tuyến của khu vực, tỷ lệ này cao hơn 1,5 lần so với đối thủ đang theo sau.

Theo số liệu của Momentum Works, ở thị trường giao đồ ăn Đông Nam Á năm 2020, tổng giá trị giao dịch của Grab đạt 5,9 tỷ USD, theo sau là foodpanda và Gojek, lần lượt chiếm 2,52 tỷ USD và 2 tỷ USD.

Không ít nền tảng giao đồ ăn tiếp tục mở rộng nghiệp vụ kinh doanh theo chiều dọc, những năm gần đây đã phát triển sang lĩnh vực giao hàng tạp hóa, bao gồm Grab, foodpanda, Deliveroo.

Người phát ngôn của foodpanda cho biết vị trí địa lý của Đông Nam Á rất đặc biệt, foodpanda luôn tích cực mở rộng các thị trường châu Á có tiềm năng lớn. Ở Thái Lan, foodpanda là nền tảng giao hàng duy nhất bao phủ 77 tỉnh.

Từ năm 2019 đến nay, nền tảng này đã thúc đẩy triển khai dịch vụ giao đồ ăn hoặc hàng tạp hóa ở 4 thị trường, bao gồm Campuchia, Lào và Myanmar.

Theo người phát ngôn của Deliveroo, công ty này tiếp tục tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. Deliveroo tin rằng cơ hội trong lĩnh vực này là rất lớn, vì vậy sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào các kế hoạch tăng trưởng.

Đầu năm nay, Grab cũng đã khai trương siêu thị trực tuyến với hơn 10.000 mặt hàng nhu yếu phẩm và tạp hóa.

Các nền tảng giao đồ ăn nhỏ xây dựng lợi thế của mình

Lĩnh vực giao đồ ăn hoạt động nhộn nhịp trong dịch bệnh đã thu hút sự quan tâm của các nền tảng thương mại điện tử. Tháng Ba năm nay, nền tảng thương mại điện tử Shopee trực thuộc Sea Ltd (Singapore) đã ra mắt dịch vụ giao đồ ăn ShopeeFood ở Jakarta, Indonesia, sau đó lần lượt triển dịch vụ liên quan ở các thành phố khác. Ngay mới tháng trước, Shopee cũng đã đổi tên nền tảng giao đồ ăn Now mua lại tại Việt Nam thành ShopeeFood.

Tuy nhiên, dường như Shopee không có ý định phát triển mạnh dịch vụ giao đồ ăn, hoặc có kế hoạch thúc đẩy ở Singapore. Theo báo cáo kết quả kinh doanh của ban lãnh đạo Sea Ltd vào tháng Năm vừa qua, tập đoàn chỉ xem mảng giao đồ ăn là một loại hình sản phẩm của Shopee, giống như một sự bổ trợ cho các sản phẩm thương mại điện tử khác của Shopee.

Các nền tảng giao đồ ăn quốc tế và khu vực tích cực mở rộng quy mô, một số nền tảng quy mô nhỏ khác cũng dựa vào đối tượng khách thân thiết để duy trì lợi thế cạnh tranh. Chẳng hạn, WhyQ chủ yếu tập trung vào giao đồ ăn vặt, BUNGKUS chuyên về thực phẩm Halal (cho người Hồi giáo), trong khi Oddle lại nhắm đến việc giao đồ ăn cho nhà hàng.

Theo Giám đốc điều hành Oddle Jonathan Lim, thị trường giao đồ ăn Singapore đang cạnh tranh gay gắt, ngoài các nền tảng giao đồ ăn ban đầu, hiện nay AirAsia cũng đã nhảy vào thị trường.

Ông Jonathan Lim cho biết thêm công ty sử dụng công nghệ riêng để thiết lập chuỗi cửa hàng trực tuyến của nhà hàng, đồng thời cũng hỗ trợ trực tuyến và ngoại tuyến, bao gồm cung cấp miễn phí hệ thống đặt bàn và chọn thức ăn bằng mã QR.

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Oddle đã đưa hơn 500 cơ sở kinh doanh của Singapore vào nền tảng của công ty. Bên cạnh đó, Oddle cũng tích cực mở rộng dịch vụ ở Malaysia, Hong Kong (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc).

Thị trường giao đồ ăn thời kỳ hậu dịch bệnh chỉ chậm lại chứ không thu hẹp

Mặc dù các cửa hàng ăn uống trở lại trạng thái bình thường sau dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến thị trường giao đồ ăn, nhưng cùng với thói quen của người tiêu dùng thay đổi, dự báo tốc độ tăng trưởng của thị trường chỉ chậm lại chứ không thu hẹp.

Euromonitor International dự báo, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2020-2025 của thị trường giao đồ ăn Đông Nam Á có thể đạt 24,4%, tổng giá trị giao dịch ước tính khoảng 28,1 tỷ USD vào năm 2025.

Người phát ngôn của Grab cho biết tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ thâm nhập thị trường giao đồ ăn của Đông Nam Á vẫn rất thấp, chỉ khoảng 11%, trong khi tỷ lệ này ở Mỹ và Trung Quốc là 21%. Điều này cho thấy thị trường giao đồ ăn nhanh của Đông Nam Á vẫn có không gian tăng trưởng rất lớn. Dịch COVID-19 đã đẩy nhanh tốc độ hấp thụ dịch vụ giao đồ ăn nhanh của Đông Nam Á, hơn nữa vai trò của dịch vụ giao đồ ăn nhanh không ngừng cải thiện sẽ thúc đẩy lĩnh vực này tiếp tục tăng trưởng.

Người phát ngôn của Foodpanda nhấn mạnh, dự kiến dịch vụ giao đồ ăn và tạp hóa sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo của thế giới sau dịch bệnh, đồng thời trở thành một phần trong đời sống thường nhật của khách hàng. Dịch bệnh đã làm bộc lộ những lỗ hổng của thị trường và nhu cầu của khách hàng cần phải giải quyết. Foodpanda dự tính nhóm khách hàng mới lần đầu tiên thử nghiệm dịch vụ giao đồ ăn và tạp hóa, bao gồm những khách hàng lớn tuổi không thông thạo công nghệ trước đó sẽ tăng lên đáng kể.

Trong khi đó, người phát ngôn của Deliveroo lại cho biết, dịch bệnh còn lâu mới chấm dứt, do đó còn quá sớm để dự đoán Deliveroo và các nền tảng giao đồ ăn hoặc toàn bộ ngành dịch vụ ăn uống sẽ thay đổi như thế nào sau dịch bệnh. Mặc dù người tiêu dùng sẽ rất vui cùng người thân và bạn bè quay lại nhà hàng yêu thích để dùng bữa, nhưng họ cũng có lúc cần phải dùng đến dịch vụ giao đồ ăn.

Theo Phó Giáo sư ngành Marketing, Đại học khoa học xã hội Singapore (SUSS), Guan Chong, vào thời kỳ hậu dịch bệnh, nhân viên sẽ dần quay lại văn phòng làm việc, thị trường đồ ăn mang đi cho giới văn phòng sẽ có triển vọng phát triển mạnh hơn nữa.

Mặc dù thị trường giao đồ ăn địa phương tương đối phát triển, nhưng sở thích ăn uống tại cửa hàng của người tiêu dùng tương đối mạnh, nên dự kiến đây vẫn sẽ là xu hướng ăn uống chủ đạo.

Theo Giáo sư Shantanu Bhattarcharya của Đại học Quản lý Singapore (SMU), thị trường giao đồ ăn của Đông Nam Á đã trở nên “đông đúc”, các nền tảng giao đồ ăn lớn sẽ dẫn dắt thị trường. Mặc dù thị trường khu vực này sẽ tăng trưởng, song tốc độ sẽ chậm lại, nhiều nền tảng nhỏ sẽ bị mua hoặc hợp tác với các nền tảng lớn.

Shantanu Bhattarcharya nhấn mạnh Grab và Gojek có lợi thế về quy mô và tính bổ sung so với các công ty nhỏ, song giải pháp sáng tạo và lợi thế đặc biệt của nhiều công ty nhỏ sẽ giúp họ tiếp tục tồn tại trong giai đoạn hội nhập.

"Cloud Kitchen" nuôi dưỡng thói quen tiêu dùng tần suất cao

Ngành giao đồ ăn phát triển sẽ thúc đẩy sự trỗi dậy của mô hình “Cloud Kitchen." "Cloud Kitchen" có nhiều tên gọi, bao gồm nhà hàng tối, nhà hàng ma, nhà hàng ảo, cũng như siêu nhà hàng. Đây có thể được hiểu là mô hình cung cấp đồ ăn nhưng không có không gian vật lý và hoàn toàn dựa trên nền tảng đặt hàng trực tuyến và ứng dụng giao hàng.

Hiện nay, ở Singapore đã có nhiều nhà khai thác Cloud Kitchen như Deliveroo, Foodpanda, Grab và Smart City Kitchens (SCK).

Ngay từ năm 2019, Grab đã khai trương GrabKitchen ở Indonesia, sau đó phát triển sang Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam. Tính đến cuối năm 2020, Grab đã có 62 "Cloud Kitchen" ở khu vực; Deliveroo cũng có 31 Cloud Kitchen trên toàn cầu, trong đó bao gồm hai cơ sở ở khu vực; Foodpanda thiết lập Cloud Kitchen ở 7 thị trường, trong đó ở Đông Nam Á bao gồm Singapore, Thái Lan và Philippines.

Sự tăng trưởng của giao đồ ăn thúc đẩy sự trỗi dậy của "Cloud Kitchen." Và "Cloud Kitchen" lại hỗ trợ việc thành lập nhà hàng và mở rộng dịch vụ giao đồ ăn, từ đó thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực giao đồ ăn.

Phó Giáo sư Guan Chung nhấn mạnh, sau khi thị trường giao đồ ăn đạt đến quy mô nhất định, "Cloud Kitchen" sẽ ra đời. Mô hình hoạt động của "Cloud Kitchen" cũng sẽ cung cấp cơ hội cho những người khởi nghiệp dịch vụ ăn uống thử nghiệm thương hiệu và khái niệm ăn uống mới, giúp những nhà kinh doanh dịch vụ ăn uống chuyên tâm vào sản phẩm, không lo lắng về chi phí mặt tiền, trang trí, nhân công… đắt đỏ để tăng cường phát triển hơn nữa nền tảng giao đồ ăn.

Ông Guan Chung cho rằng, người tiêu dùng chỉ bỏ ra một khoản chi phí là có thể thưởng thức đồ ăn của nhiều cửa hàng ở cùng một "Cloud Kitchen"; điều này có lợi cho việc nuôi dưỡng thói quen tiêu dùng tần suất cao.

Phí môi giới cao nhưng có thể tăng lượng khách hàng

Theo La Bội Dung, Giám đốc sáng tạo của Công ty cung ứng dịch vụ ăn uống Rasel Catering Singapore, công ty sử dụng dịch vụ giao đồ ăn của foodpanda và GrabFood, phí môi giới khoảng 30%, điều này quả thực đã xói mòn lợi nhuận của công ty.

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, hoạt động kinh doanh của nền tảng giao đồ ăn chiếm khoảng 40% tổng doanh số của công ty. Tháng trước, do nới lỏng các biện pháp phòng dịch, hoạt động cung ứng dịch vụ ăn uống phục hồi, tỷ trọng kinh doanh giao đồ ăn giảm xuống còn 25%.

Do tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài nên Rasel Catering phải nhanh chóng thay đổi mô hình kinh doanh. Công ty đã lần lượt giới thiệu hai thương hiệu trực tuyến, đồng thời áp dụng dịch vụ của hai nền tảng giao đồ ăn nói trên, do đó toàn bộ quá trình giao dịch bao gồm tư vấn và giao đồ ăn đều do công ty đảm nhận.

Giám đốc La Bội Dung nói rằng mặc dù phí môi giới của nền tảng giao đồ ăn cao, nhưng điểm tích cực là họ có thể tiếp cận đông đảo khách hàng. Do đó, có thể gọi đó là chi phí tiếp thị và quảng cáo. Rasel Catering có đội ngũ giao đồ ăn riêng của mình, đồng thời cũng sử dụng dịch vụ của các bên giao đồ ăn quốc tế và địa phương. Các công ty giao đồ ăn địa phương chỉ phụ trách công việc phân phối thực phẩm như tiệc buffet mini và cơm hộp cao cấp, hoạt động giao dịch vẫn do công ty xử lý.

Giá cả không phải là cân nhắc duy nhất khi hợp tác với các nền tảng. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành công ty RE&S Phó Gia Lợi cho biết, công ty không có đội ngũ giao đồ ăn, do đó coi việc giao đồ ăn của bên thứ ba là bộ phận quan trọng hỗ trợ hoạt động kinh doanh của công ty, đồng thời cho rằng có không gian phát triển tốt hơn.

Công ty áp dụng dịch vụ của các nền tảng giao đồ ăn địa phương và quốc tế, mỗi đối tác hợp tác đều có lợi thế riêng, giá cả không phải là nhân tố duy nhất để đưa ra quyết định có hợp tác hay không.

Chẳng hạn, đối với các giao dịch số lượng lớn hoặc cao cấp, công ty sẽ sử dụng dịch vụ giao hàng độc quyền hoặc lễ tân (concierge).

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Phó Gia Lợi kỳ vọng khoảng 20% doanh thu của công ty trong năm này sẽ đến từ hoạt động giao đồ ăn. Con số này đã tăng đáng kể từ mức chưa đến 5% trước khi áp dụng các biện pháp giãn cách, lên 10% vào năm ngoái. Trong tương lai, hiện công ty đang quy hoạch lại nhà bếp để có thể duy trì doanh số giao đồ ăn sau khi dịch vụ ăn uống tại chỗ khôi phục bình thường.

Trong khi đó, Giám đốc La Bội Dung dự báo các yếu tố có lợi hiện nay đối với hoạt động giao đồ ăn sẽ tiếp tục duy trì trong khoảng 6 tháng, một khi số lượng người ở nhà giảm xuống thì toàn bộ mô hình kinh doanh sẽ thay đổi, nhưng sẽ không xảy ra tình trạng suy giảm đột ngột./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục