Ngành đường sắt: "Nếu hành động chậm, có nguy cơ không tồn tại"

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tiếp tục áp dụng giá vé linh hoạt ở các chặng rỗng, nghiên cứu áp dụng mức giá vé thấp cùng chặng để cạnh tranh với các lĩnh vực vận tải khác.
Ngành đường sắt sẽ đổi mới triệt để nhằm tăng sức cạnh tranh với các loại hình vận tải. (Ảnh: TTXVN)

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đánh giá, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có chuyển biến tích cực về một số mặt, đổi mới vận tải theo hướng tích cực. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đông, chuyển biến mới chỉ về cơ học, "chưa thực sự thay đổi về chất.”

Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt, qua sáu tháng đầu năm, ngành đường sắt đã đạt doanh thu hành khách và hàng hóa đều vượt so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, sau khi triển khai kiểm soát tải trọng đường bộ, nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường sắt đã tăng đột biến, tạo bước tăng trưởng cao về doanh thu trên ba tuyến gồm Hà Nội-Sài Gòn, Hà Nội-Hải Phòng và Hà Nội-Lào Cai.

Ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hiện toàn ngành đang tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu trên quan điểm các loại phương tiện nào làm được gì sẽ cố gắng làm được và làm tốt hơn. Thời gian tới, Tổng công ty sẽ phân cấp triệt để cho hai Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn.

Nhìn nhận thực tế khó khăn của ngành đường sắt, ông Vũ Tá Tùng đánh giá, thị phần vận tải đường sắt trong những năm gần đây liên tục giảm sút và hiện tại chỉ chiếm dưới 1% trong thị phần vận tải cả nước.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng tụt hậu của ngành đường sắt, ông Tùng cho rằng, có một phần do hạ tầng cơ sở cũ kỹ lạc hậu, vốn đầu tư phát triển hạn chế… Nhưng một trong những nguyên nhân chính là do ngành đường sắt chậm đổi mới, chậm thích ứng với sự cạnh tranh, với cơ chế thị trường.

“Nếu ngành đường sắt không hành động, nguy cơ vận tải đường sắt sẽ không còn tồn tại. Do vậy, chỉ còn con đường duy nhất là thay đổi để lấy lại niềm tin của xã hội, của nhân dân, để tồn tại và phát triển,” ông Tùng khẳng định.

Muốn cạnh tranh với các phương tiện vận tải khác như xe khách đường dài, máy bay giá rẻ, theo ông Tùng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tiếp tục áp dụng giá vé linh hoạt ở các chặng rỗng, nghiên cứu áp dụng mức giá vé thấp hơn vé xe khách cùng chặng.

Nhằm khắc phục tình trạng tàu đến chậm hơn so với giờ thông báo trước đó, ngành đường sắt sẽ đưa vào áp dụng phần mềm thông báo hành trình tàu chạy cho hành khách và người thân, tập trung ưu tiên đầu tư tăng cường năng lực thông qua trên các khu đoạn hạn chế, nâng cao năng lực lập tàu và xếp dỡ hàng hóa tại các trọng điểm phía Nam và phía Tây…

Để đạt được mục tiêu đổi mới, trước mắt toàn ngành phải tập trung vào 5 nhóm giải pháp đột phá trong đó, quan tâm đặc biệt đến chất lượng con người trên cơ sở thực hiện triệt để Đề án tái cơ cấu Tổng Công ty, cổ phần hóa đúng lộ trình.

Chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông nhắc nhở Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp lại các bộ phận xây dựng cơ bản, kết cấu hạ tầng theo đúng hướng như Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu triển khai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục