Lơi lỏng bán vé tàu, “buông” đại lý

Ngành đường sắt: Lơi lỏng bán vé tàu, “buông” đại lý

Bộ GTVT đã phát hiện nhiều bất cập trong công tác bán, quản lý vé tàu, chi phí vận tải và yêu cầu ngành đường sắt phải kiểm điểm.
Ngành đường sắt: Lơi lỏng bán vé tàu, “buông” đại lý ảnh 1Hành khách mua vé tàu ở ga Hà Nội. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Bộ Giao thông Vận tải vừa có kết luận thanh tra công tác bán và quản lý vé tàu, chi phí vận tải và cơ sở xây dựng giá vé hành khách trong đó đã chỉ ra hàng loạt những tồn tại trong công tác điều hành của ngành đường sắt.

Bán và quản lý vé tàu lỏng lẻo

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, một số quy định về bán và quản lý bán vé của Đường sắt Việt Nam đã không còn phù hợp, đặc biệt những quy định làm hạn chế sử dụng hệ thống bán vé qua mạng, hạn chế độ linh hoạt trong bán vé…. Chi phí làm cơ sở xác định giá vé chưa tính đúng, tính đủ đặc biệt một số chi phí lớn như tiền lương và chi phí khấu hao.

Cụ thể, hiện nay, việc bán vé tại ga là chủ yếu nhưng các ga đều không công khai các thông tin về số lượng vé còn lại theo quy định cũng như kế hoạch bán vé; tổ chức bán vé chưa linh hoạt; chưa có hình thức bán vé bán vé qua mạng, thanh toán qua thẻ, sử dụng vé điện tử; vẫn còn bán vé bằng thủ công.

Dẫn chứng, Công ty khách Hà Nội còn 114 ga/194 ga bán bằng thủ công (viết tay). Việc bán vé hành khách theo ghế phụ hiện chưa được luật hoá...

Hơn nữa, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng nhìn nhận, hình thức bán vé điện toán trực tuyến hiện nay chưa thực sự hướng tới phục vụ tốt việc mua vé của hành khách.

“Việc đưa vé lên mạng cũng chỉ là để đặt chỗ và vẫn phải ra ga, đại lý nhận vé; hệ thống bán vé điện toán và website bán vé chưa thành một hệ thống nhất nên khó công khai lượng chỗ, vé còn tồn cho hành khách trên mạng; chưa trang thiết bị phù hợp để tổ công tác trên tàu có thể truy cập thông tin, kiểm soát, nắm bắt tình hình khách đi tàu và cũng chưa xử lý tự động công tác điều hành bán vé, xử lý giá, tự động cung cấp thông tin đến hành khách khi có sự thay đổi bằng email, tin nhắn SMS...,” Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chỉ ra những bất cập.

Ngoài ra, vị Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng cho rằng, các đại lý bán vé của ngành đường sắt phân bổ và tập trung không đồng đều đã làm hạn chế tác dụng mạng lưới đại lý này.

Chứng minh cho thực tế này, tại khu vực miền Nam có 36 đại lý bán vé nhưng tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh nhiều (22/36 Đại lý) trong khi đó ở một số khu vực, các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, dân cư đông đặc biệt ở các khu công nghiệp có nhu cầu đi lại bằng tàu hỏa cao thì chưa có đại lý nào.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng tiến hành kiểm tra 2 đại lý tại khu vực miền Nam (Đại lý Bến Thành và Vietravel) đã phát hiện sai sót trong bán vé như: không niêm yết đầy đủ giá vé cho các tuyến, không tổ chức bán vé qua điện thoại và không đóng dấu đại lý tại các liên vé lưu...

Kiểm điểm ngành đường sắt

Đối với hình thức cho thuê toa xe trọn gói, theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, năm 2013 có 24 doanh nghiệp tham gia vận chuyển hành khách theo hình thức trên. Tuy nhiên, Công ty khách Hà Nội và Sài Gòn để các doanh nghiệp này tự công bố giá dịch vụ gia tăng (ngoài giá vé đường sắt). Một số công ty sau khi ký hợp đồng đầu tư cải tạo toa xe đã nhượng lại quyền khai thác cho các đơn vị khác.

“Các đơn vị thuê toa xe tự xây dựng giá của dịch vụ gia tăng, cao hơn chi phí dịch vụ gia tăng; bán giá bao nhiêu chưa được kiểm soát do các đơn vị này tự bán và việc phát hành hóa đơn VAT để hợp thức công tác quyết toán thuế; các doanh nghiệp khi lập hóa đơn VAT cho khách lẻ đều gom nhiều khách vào 1 hóa đơn và hầu hết không có chữ ký của hành khách,” Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.

Qua kết quả thanh tra việc quản lý hoạt động vận chuyển hành khách tuyến Hà Nội-Lào Cai, Bộ Giao thông Vận tải đã phát hiện ra nhiều tồn tại dẫn đến khan vé giả, thất thoát kinh phí cũng như chất lượng phục vụ hành khách kém.

Cụ thể, theo đánh giá của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, tuyến này có nhu cầu đi lại rất cao nhưng tổ chức chưa linh hoạt, việc xã hội hóa không có quy định (quy chế). Số toa đường sắt khai thác ít, cho xã hội hoá và thuê trọn gói nhiều, chưa xem xét thực đến nhu cầu (đi lẻ và đi tập thể); việc công bố giá vé dịch vụ gia tăng còn để các doanh nghiệp thuê toa trọn gói công bố và không bán vé ở ga mà bán ở trụ sở công ty không được đăng ký; không công khai lượng vé còn lại theo quy định…

Ngoài ra, tại kết luận thanh tra của Bộ Giao thông Vận tải cũng cho thấy, việc sử dụng giấy đi tàu việc riêng không đúng quy định của Công ty khách Hà Nội làm mất nguồn thu của ngành đường sắt Việt Nam trong 2 năm (2011 và 2012) là 1,6 tỷ đồng.

“Các tồn tại nêu trên thuộc trách nhiệm của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Công ty khách Hà Nội và Công ty khách Sài Gòn,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải kết luận.

Riêng tuyến Hà Nội-Lào Cai do Công ty khách Hà Nội quản lý, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo ngành đường sắt phải bố trí tỷ lệ số toa xe giường nằm cho thuê trọn gói trên tổng số toa xe giường nằm của tuyến phù hợp, để đảm bảo hài hòa công tác kinh doanh và phục vụ khách đi lẻ nhằm phục vụ tốt các đối tượng khách đi lẻ cho phù hợp với nhu cầu hành khách hiện nay (chiếm từ 30-50%), không sử dụng kho vé bằng hình thức giấy đi tàu việc riêng gây thất thoát kinh phí.

Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiểm điểm, rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại trên đồng thời có chỉ đạo Công ty khách Hà Nội và Sài Gòn rút kinh nghiệm việc chưa thông báo công khai các thông tin về số lượng vé còn lại theo từng loại chỗ, loại tàu theo quy định, để các doanh nghiệp thuê xe trọn gói công bố giá vé dịch vụ gia tăng và tổ chức bán.../.

Hiện tại, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang bán vé bằng điện toán và thủ công với: Bán tại ga, qua đại lý, qua điện thoại, qua tin nhắn SMS; ngoài ra còn bán vé lưu động trong các dịp lễ, Tết. Riêng Công ty khách Sài gòn có áp dụng thêm hình thức đặt chỗ qua website vetau.com.vn; các Công ty thuê xe trọn gói bán vé theo hình thức vé tập thể, vé cho khách lẻ lập cho số toa thuê (một vé cái in tổng tiền cả toa và các vé còn lại in 0 đồng).

Việc bán vé tại ga chiếm phần lớn (khoảng trên 60%), còn lại là các hình thức khác đại lý (20,48%), qua điện thoại (8,12%), qua website (4%) các hình thức khác (tập thể, thuê toa trọn gói là 4%).  
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục