Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân của Tổng công ty liên quan đến các vụ tai nạn giao thông đường sắt trong thời gian gần đây.
Liên quan đến vụ tai nạn đường sắt đặc biệt nghiêm trọng giữa tàu SE19 và ôtô tải ngày 24/5 tại chắn đường ngang có gác Km 234+053 khu gian Khoa Trường-Trường Lâm tuyến đường sắt Thống nhất, Công ty cổ phần Đường sắt Thanh Hóa khiển trách đối với ông Nguyễn Văn Minh-Phó Giám đốc công ty; cách chức Cung trưởng cung chắn Hoàng Mai đối với ông Lê Nhân Bảo; cách chức Đội trưởng đội quản lý đường sắt số 5 đối với ông Đào Khánh Thiện.
[Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận trách nhiệm về các vụ tai nạn đường sắt]
Công ty cổ phần Đường sắt Thanh Hóa cũng kéo dài thời hạn nâng lương đối với ông Nguyễn Trần Trung-Phó phòng Kiểm tra an toàn công ty, ông Lê Long Hưng-Trưởng phòng Kiểm tra an toàn công ty và phê bình nghiêm khắc ông Đinh Huy Vinh-Trưởng phòng Tổ chức hành chính công ty.
Về thẩm quyền Hội đồng thành viên VNR đã họp, xem xét và quyết định hình thức xử lý kỷ luật cảnh cáo đối với ông Hoàng Gia Khánh, Người đại diện phần vốn của VNR-Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Thanh Hóa; khiển trách đối với ông Lê Minh Tuấn, Người đại diện phần vốn của VNR-Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đường sắt Thanh Hóa.
“Việc tăng, giảm hay giữ nguyên hình thức kỷ luật sẽ được xem xét sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra có kết luận chính thức vụ việc,” ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR khẳng định.
Đối với vụ tàu hàng tông nhau tại Ga Núi Thành ngày 26/5, Chi nhánh Khai thác đường sắt Nghĩa Bình đề nghị VNR sa thải đối với ông Nguyễn Văn Hải-Trưởng dồn ga Núi Thành; cách chức đối với ông Dương Văn Minh-Trưởng ga Núi Thành; kéo dài thời hạn nâng lương đối với ông Phạm Minh Tâm-Trực ban chạy tàu ga Núi Thành, ông Huỳnh Bá Hạt-Giám sát an toàn, ông Hà Văn Lưu-Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh-Kiểm tra an toàn Chi nhánh, ông Nguyễn Tấn Dũng-Phó phòng Kế hoạch kinh doanh-Kiểm tra an toàn Chi nhánh, ông Bùi Ngọc Lâm-Gác ghi ga Núi Thành.
[Yêu cầu đường sắt xử lý trách nhiệm vì để xảy ra tai nạn nghiêm trọng]
Chi nhánh Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng cũng khiển trách đối với ông Trần Nhật Chung-Trưởng phòng An toàn-Bảo vệ an ninh quốc phòng, ông Nguyễn Xuân Quang-Quản đốc Phân xưởng Vận dụng, ông Phan Tiến Sỹ-Đội trưởng Đội lái tàu 3, ông Nguyễn Văn Công-Phụ lái tàu.
Đặc biệt, Chi nhánh Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng sa thải đối với ông Dương Trần Chí Hiếu-Lái tàu sau vụ 2 tàu hàng tông nhau tại Ga Núi Thành.
Song song đó, VNR cũng quyết định kéo dài thời hạn nâng lương đối với ông Cao Minh Hỷ-Giám đốc và ông Nguyễn Thanh Sang-Phó Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Nghĩa Bình; ông Trương Văn An-Giám đốc và ông Lê Xuân Linh-Phó Giám đốc Chi nhánh Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng.
VNR phê bình nghiêm khắc đối với tập thể Ban An ninh-An toàn giao thông đường sắt Tổng công ty; khiển trách đối với ông Phạm Nguyễn Chiến-Trưởng Ban An ninh-An toàn giao thông đường sắt VNR.
[Liên tiếp tai nạn: Bộ trưởng GTVT lo ngại về uy tín ngành đường sắt]
Liên quan đến vụ tai nạn đường sắt tàu 2386 do đầu máy D18E-602 kéo 27 xe bị trật bánh 2 toa xe tại Ga Yên Xuân (Nghệ An) ngày 26/5, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cũng đưa ra hình thức kỷ luật khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương đối với hàng loạt cán bộ công nhân viên đồng thời phê bình và hạ chất lượng công tác đối với các ông Trần Quốc Toản-Phó Giám đốc Phụ trách khối sửa chữa cơ khí Chi nhánh Toa xe Vinh, Đỗ Văn Quang-Phó Giám đốc Phụ trách khối vận dụng Chi nhánh Toa xe Vinh.
Hội đồng thành viên Tổng công ty phê bình nghiêm khắc đối với ông Đỗ Văn Hoan, Người đại diện phần vốn của VNR-Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty và ông Nguyễn Viết Hiệp, Người đại diện phần vốn của VNR-Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội.
Tại cuộc họp của Hội đồng kỷ luật, ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc VNR và ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc VNR đã nhận hình thức kỷ luật là khiển trách. Tuy nhiên, Hội đồng kỷ luật đã bỏ phiếu và đưa ra quyết định phê bình nghiêm khắc đối với 2 lãnh đạo này./.
Trong tháng Năm vừa qua, trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra liên tiếp 5 vụ sự cố, tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng, trong đó 3 vụ sự cố, tai nạn do lỗi chủ quan của ngành đường sắt gây ra, hậu quả làm 2 người chết và 11 người bị thương, gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước…
Trong năm tháng đầu năm 2018 (tính từ 16/12/2017 đến 15/5/2018), số vụ tai nạn đường sắt 122 vụ, giảm 30 vụ (-19,7 %), trong đó chủ quan 2 vụ, giảm 3 vụ (-60%), khách quan 120 vụ, giảm 27 vụ (-18,4%) làm chết 56 người, giảm 15 người (-21,1%) và làm bị thương 81 người, giảm 26 người (-24,1%).