Ngành đường sắt cấm một số nhân viên dùng điện thoại thông minh

Tổng công ty Đường sắt sẽ cấm sử dụng các thiết bị điện tử, điện thoại thông minh cầm tay trong quá trình làm việc đối với một số chức danh, vị trí công tác trực tiếp liên quan đến an toàn chạy tàu.
Công nhân gác chắn đường sắt kéo rào để đảm bảo an toàn chạy tàu. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) sẽ cấm sử dụng các thiết bị điện tử, điện thoại thông minh cầm tay trong quá trình làm việc đối với một số chức danh, vị trí công tác trực tiếp liên quan đến an toàn chạy tàu.

Trao đổi với VietnamPlus, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, Nghị quyết của Hội đồng thành viên VNR đã đưa ra quyết định cấm sử dụng điện thoại thông minh khi lên ban tại 1 số vị trí quan trọng như trực ghi yết hầu, trực ban, lái máy, gác chắn vì lơ là một phần công việc (chỉ cho phép sử dụng điện thoại thông thường).

[Chặn tai nạn đường sắt: Lắp camera giám sát tại các đường ngang]

Theo ông Minh, một số vị trí nhân viên làm việc có tần suất khoảng thời gian trống nếu không siết chặt kỷ cương thì tác nghiệp làm mất đi sự chú ý. Vấn đề con người thuộc về kỷ cương, nếu làm tốt được kỷ cương sẽ siết được ý thức. Đồng thời, VNR cũng rà soát đánh giá, kiểm tra năng lực sát hạch vị trí quan trọng cán bộ công nhân viên lao động ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống máy để làm.

“Ngành đường sắt chỉ có thể xử lý nghiêm mới lập lại được kỷ cương. Các lỗi vi phạm trong quá trình kiểm tra phải xử lý theo đúng quy chế. Tổng công ty siết lại kỷ luật sẽ thấy một loạt lỗi lâu nay cho thấy sự kiểm tra, giám sát chưa được chặt chẽ hoặc chưa tạo thành phong trào ý thức nghiêm túc,” Chủ tịch VNR nhấn mạnh.

VNR cũng gắn trách nhiệm người đứng đầu vận tải, đầu máy, chi nhánh khai thác, thông tin tín hiệu, công ty bảo trì ký cam kết với Tổng giám đốc và xuống từng cá nhân viên lao động phải siết chặt kỷ cương sẽ tác động mạnh mẽ ngay lập tức các chỉ đạo.

Bên cạnh đó, VNR nghiên cứu phương án thiết lập hệ thống giám sát tập trung, tích hợp về các trụ sở đơn vị, Trung tâm điều độ để sử dụng chung; việc đầu tư, lắp đặt, quản lý khai thác hệ thống giám sát phải đảm bảo thống nhất, tiết kiệm chi phí.

Hôi đồng thành viên VNR cũng giao Ban Tổ chức cán bộ, lao động của Tổng công ty nghiên cứu, rà soát, xem xét lại về thời gian lao động, thu nhập của người lao động hiện nay tại các hệ để đưa ra phương án điều chỉnh cho phù hợp.

Ngoài ra, Nghị quyết của Hội đồng thành viên VNR cũng đưa ra thành lập Ban Chỉ đạo lập lại kỷ cương an toàn đường sắt do Tổng giám đốc Tổng công ty làm Trưởng ban, tập trung toàn bộ lực lượng cho đợt cao điểm đảm bảo an toàn chạy tàu (trong 3 tháng, từ tháng 6-8/2018), đảm bảo không để xảy ra các vụ tai nạn, sự cố nghiêm trọng do chủ quan.

Trước đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã yêu cầu các Công ty Cổ phần đường sắt lắp đặt camera để tăng cường công tác quản lý và giám sát an toàn tại các đường ngang có gác và đường ngang cảnh báo tự động.

[Nhân viên gác chắn, gác ghi đường sắt uống rượu, ngủ gật khi trực tàu]

Tại cuộc kiểm tra đột xuất công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt đối với nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu vào cuối tháng Năm vừa qua, Cục Đường sắt Việt Nam đã chỉ ra hàng loạt những vi phạm kỷ luật lao động, vi phạm quy định như nhân viên gác chắn, gác ghi đường sắt uống rượu, ngủ gật khi lên ban và vi phạm các quy định khác về kỷ luật lao động.

“Sự kiểm tra, kiểm soát, giám sát của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đối với các tổ chức, cá nhân và các nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu khi lên ban để đảm bảo an toàn còn lỏng lẻo, chưa đủ sức răn đe,” ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho hay.

Nhằm chấn chỉnh và đảm bảo công tác trực tàu, an toàn giao thông đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiểm tra, xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vi phạm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật lao động khi lên ban; rà soát, hoàn thiện quy định kiểm tra, giám sát đối với công tác an toàn giao thông đường sắt của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị thành viên./.

Trong tháng Năm vừa qua, trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra liên tiếp 5 vụ sự cố, tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng, trong đó 3 vụ sự cố, tai nạn do lỗi chủ quan của ngành đường sắt gây ra, hậu quả làm 2 người chết và 11 người bị thương, gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước…

Sau các vụ tai nạn, VNR đã đình chỉ công tác với 10 cán bộ, nhân viên trực tiếp có liên quan tới các sai sót dẫn tới tai nạn đồng thời yêu cầu 12 lãnh đạo các đơn vị, bộ phận chức năng chịu trách nhiệm liên đới kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục