Ngành dừa tiến tới xuất khẩu tỷ USD: Cần xử lý nghiêm gian lận mã số vùng trồng

Ngành dừa Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, không chỉ là nguồn sinh kế cho hàng trăm nghìn nông hộ mà còn trở thành sản phẩm xuất khẩu tiềm năng với kim ngạch dự kiến đạt trên 1 tỷ USD vào năm nay.

Thu hoạch dừa sạch sản xuất theo hướng hữu cơ. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)
Thu hoạch dừa sạch sản xuất theo hướng hữu cơ. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Kim ngạch xuất khẩu dừa được dự báo sẽ vượt mốc 1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường trọng điểm và hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội lớn cho dừa tươi Việt Nam, tuy nhiên, với tiêu chí ngày càng khắt khe của nước bạn, việc quản lý tốt các cơ sở, vùng trồng đang là yêu cầu bắt buộc.

Cần xử lý nghiêm gian lận mã số vùng

Hiện nay, dừa Việt Nam đang trở thành mặt hàng xuất khẩu với giá trị cao. Các sản phẩm chế biến từ dừa đang có tiềm năng lớn để gia tăng giá trị của cây dừa, tăng thu nhập cho người dân. Theo thống kê, 30% diện tích dừa đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 30% được cấp mã số vùng trồng.

Ông Nguyễn Phong Phú, Giám đốc Kỹ thuật Vina T&T Group cho hay với thị trường Trung Quốc, mỗi năm quốc gia tỷ dân này tiêu thụ khoảng 4 tỷ quả dừa, trong đó có 2,6 tỷ quả dừa tươi nhưng năng lực sản xuất nội địa còn hạn chế. Điều này mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư cho phép xuất khẩu chính ngạch dừa tươi.

Mặc dù chỉ ra tiềm năng xuất khẩu lớn nhưng ông Phú cho rằng ngành dừa cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn khi Trung Quốc ngày càng nâng cao tiêu chuẩn nhập khẩu, đặc biệt về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và tem nhãn. Trong khi đó, tình trạng gian lận mã số vùng trồng, thu mua dừa không đúng nguồn gốc và sự cạnh tranh từ các nước như Thái Lan, Indonesia đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín ngành hàng.

Theo ông Phú, hiện nay, nhiều tổ chức sau khi được cấp mã số đã vi phạm quy định bằng cách bán lại hoặc cho thuê, làm sai lệch thông tin xuất xứ sản phẩm. Thậm chí, một số vùng trồng không duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn đăng ký, dẫn đến việc vi phạm kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng xuất khẩu mà còn khiến các nước nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc, tăng cường kiểm soát hoặc đình chỉ nhập khẩu từ Việt Nam. Điều này gây thiệt hại lớn cho nông dân và doanh nghiệp chân chính.

Ông Phú nhấn mạnh tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và khả năng ch tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Để khắc phục, cần xây dựng hệ thống số hóa để quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói chặt chẽ từ sản xuất đến xuất khẩu. Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm hành vi gian lận và tăng cường tập huấn, nâng cao nhận thức cho nông dân và doanh nghiệp về trách nhiệm bảo vệ thương hiệu quốc gia, đảm bảo vị thế cạnh tranh và phát triển bền vững trong tương lai.

Mở rộng vùng trồng dừa chuyên canh

Tại tỉnh Bến Tre, nơi được mệnh danh “thủ phủ dừa” của cả nước với diện tích trồng trên 80.000ha, chiếm 88% diện tích dừa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và gần 42% diện tích dừa cả nước. Cây dừa được xác định là cây trồng chủ lực và nguồn thu nhập của hơn 200.000 hộ dân khu vực nông thôn của tỉnh. Do đó, việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói rất được quan tâm, chú trọng.

dua-tuoi-2485.jpg
Chế biến đóng gói dừa xuất khẩu. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết sản phẩm dừa xiêm xanh Bến Tre đã được cấp giấy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và chứng chỉ quốc gia về chỉ dẫn địa lý. Đến nay, toàn tỉnh Bến Tre có 133 vùng trồng dừa được cấp 133 mã số với diện tích hơn 8.300 ha. Toàn tỉnh có 14 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu dừa tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Mỗi năm, xuất khẩu dừa mang về cho tỉnh Bến Tre hơn 350 triệu USD.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre đã xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đạt trên 20.700 ha, hình thành chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ với 8 doanh nghiệp lớn, có công nghệ chế biến hiện đại, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm dừa hữu cơ vào nhiều thị trường như: Mỹ, EU, Nhật, Trung Quốc, Canada, Hàn Quốc…

Theo ông Đức, để trồng dừa hữu cơ và quản lý hiệu quả việc cấp mã số vùng trồng, Bến Tre đã quyết liệt đưa việc phát triển dừa vào các Nghị quyết của Tỉnh ủy, kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh và lấy việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất làm nền tảng để phát triển cây dừa. Tỉnh Bến Tre cũng chú trọng việc tập huấn nâng cao năng lực về quy định cũng như các giải pháp kỹ thuật bảo đảm thực hiện đúng các quy định của nước nhập khẩu khi đăng ký xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng phần mềm "Nhật ký đồng ruộng," phần mềm "Quản lý cơ sở đóng gói" để cập nhật đầy đủ các thông tin theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Cây dừa đang ngày càng trở thành một cây công nghiệp chủ lực lại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, không chỉ Bến Tre mà nhiều địa phương đang tập trung quy hoạch để phát triển trồng dừa. Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết diện tích trồng dừa tại Trà Vinh còn khá manh mún nên việc cấp mã còn hạn chế. Trà Vinh đã được cấp 20 mã số vùng trồng, trong đó có 10 mã đã đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc.

So với Bến Tre, diện tích trồng dừa của Trà Vinh chỉ bằng 1/6 (khoảng 20.000 ha) nhưng địa phương này đa g tiếp tục quy hoạch các vùng nguyên liệu đủ điều kiện cấp mã số vùng trồng. Thời gian tới, ông Đông mong muốn doanh nghiệp xuất khẩu và các chuỗi liên kết tiếp tục mở rộng hơn nữa diện tích trồng dừa tại Trà Vinh.

Đến nay, cả nước có 25 tỉnh, thành có mô hình trồng dừa chuyên canh với gần 200.000 ha, trong đó có khoảng 80% diện tích đang cho trái. Ngành dừa Việt Nam gần đây có bước phát triển mạnh mẽ, không chỉ là nguồn sinh kế cho hàng trăm nghìn nông hộ mà còn đang vươn mình ra thế giới, trở thành sản phẩm xuất khẩu tiềm năng với kim ngạch dự kiến đạt trên 1 tỷ USD vào năm nay. Do đó, việc quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói chặt chẽ sẽ là yếu tố quan trọng để ngành dừa phát triển bền vững./.

Dừa là 1 trong 6 đối tượng nằm trong Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích dừa khoảng 195.000-210.000 ha, trong đó vùng trồng dừa trọng điểm Đông bằng Sông Cửu Long khoảng 170.000-175.000 ha; trên 30% diện tích dừa được sản xuất theo quy trình GAP, hoặc tương đương; diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 30%.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Trụ sở Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) ở Tokyo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hoãn tăng lãi suất

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định vẫn duy trì lãi suất cơ bản ở mức 0,25%, một phản ứng thận trọng trước thời điểm ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ trong tháng 1/2025.

Ông Trương Văn Liếp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An. (Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An)

Long An: Rà soát, thu hồi hơn 170 dự án đầu tư

Giai đoạn 2021-2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An đã thông báo 839 trường hợp vi phạm, thu hồi 745 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; đồng thời, rà soát thu hồi 171 dự án đầu tư vi phạm.