Ngành du lịch vũ trụ bắt đầu chuyển động và có những bước tiến dài

Năm 2021 được các nhà khoa học đánh giá là năm nhảy vọt của du lịch vũ trụ, khi hàng loạt chuyến bay chở những nhà du hành không chuyên diễn ra thành công.
Tỷ phú người Mỹ Jeff Bezos (phải) rời tàu vũ trụ New Shepard sau khi con tàu hạ cánh an toàn trên sa mạc Texas ngày 20/7/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Từng là một giấc mơ rất xa vời, nhưng chỉ vài năm gần đây, du hành vũ trụ đã trở thành hiện thực trong tầm với của không ít người.

Kể từ sau khi tỷ phú người Mỹ Denis Tito trở thành du khách đầu tiên bay ra ngoài không gian và ghé thăm Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào năm 2001, ngành du lịch vũ trụ đã bắt đầu chuyển động và nhanh chóng có những bước tiến dài.

Kỷ nguyên của du lịch vũ trụ

Kể từ chuyến đi của tỷ phú Denis Tito (ngày 28/4/2001) đến nay đã có không ít người trở thành du khách trên các chuyến bay ra ngoài không gian.

Có thể nói Denis Tito đã khai mở ý tưởng về mô hình kinh doanh của ngành du lịch vũ trụ.

Năm 2021 được các nhà khoa học đánh giá là năm nhảy vọt của du lịch vũ trụ, khi hàng loạt chuyến bay chở những nhà du hành không chuyên diễn ra thành công.

Nhiều công ty tư nhân Mỹ như SpaceX, Blue Origin và Virgin Galactic đang đặt cược vào lĩnh vực du lịch vũ trụ với mục tiêu khiến hình thức này không còn quá xa vời đối với người bình thường.

Ngay cả NASA cũng đã thay đổi quan điểm về du lịch vũ trụ. Năm 2019, cơ quan này đã tuyên bố kế hoạch mở ISS dành cho du khách.

Thành viên phi hành đoàn trên tàu vũ trụ New Shepard, (từ trái sang) Phó Chủ tịch phụ trách Sứ mệnh và Điều hành Chuyến bay của Blue Origin Audrey Powers, nam diễn viên 90 tuổi người Canada William Shatner, nhà đồng sáng lập Planet Labs Chris Boshuizen và nhà đồng sáng lập Medidata Glen de Vrie, tại cuộc họp báo sau chuyến bay thành công vào vũ trụ, ở Texas, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhiều người cho rằng du lịch không gian là độc quyền cho những người giàu, lại khiến ô nhiễm môi trường cũng như lãng phí nguồn lực.

Nhưng trên thực tế, các chuyến đi được trả phí giúp duy trì ngành khoa học này và thực hiện sứ mệnh khai phá những ranh giới mới cho giống loài.

Chuyến bay Inspiration 4 thực hiện ngày 15/9/2021, đã tạo nên lịch sử khi một nhóm 4 người bình thường, chưa từng bay lên không gian đã cùng thực hiện một chuyến du hành không gian.

Chuyến bay này góp phần chứng minh rằng bất kỳ ai cũng có thể lên vũ trụ và vũ trụ sẽ sớm trở thành một điểm đến, nơi mọi người có thể thư giãn, nghỉ ngơi và tham quan.

Trước đó, vào ngày 11/7/2021, Virgin Galactic, Công ty Bay Vũ trụ của Mỹ do tỷ phú Richard Branson thành lập đã thực hiện chuyến bay du lịch đầu tiên với sự tham gia của chính Branson.

Phi hành đoàn gồm 4 người và 2 phi công đã vất cánh từ cơ sở Spaceport America của công ty ở New Mexico và bay ngay ngoài rìa vũ trụ.

Ngay sau đó vài ngày, tỷ phú người Mỹ Jeff Bezos cùng 3 người khác đã thực hiện chuyến bay ngày 20/7/2021 vào không gian đầu tiên do Công ty Hàng không Vũ trụ Blue Origin thuộc sở hữu của tỷ phú này thực hiện. Đây là sứ mệnh không gian đầu tiên trên thế giới với các hành khách tham gia hoàn toàn "không chuyên."

Chuyến đi đánh dấu cuộc thử nghiệm quan trọng đối với một tổ hợp tàu vũ trụ tên lửa hoàn toàn tự động, được xem là "con át chủ bài" trong các kế hoạch khai thác thị trường du lịch vũ trụ tiềm năng mà Công ty Hàng không Vũ trụ Blue Origin do Jeff Bezos sáng lập vào năm 2000, và cả nhiều công ty hàng không vũ trụ khác, đang hướng tới.

Chuyến bay vào không gian của Jeff Bezos đã đánh dấu sự gia nhập của Blue Origin vào thị trường hàng không vũ trụ tư nhân, cùng với đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực du hành không gian là Virgin Galactic của tỷ phú người Anh Richard Branson, và SpaceX của tỷ phú Elon Musk.

Hiện 3 công ty hàng không vũ trụ này đang cạnh tranh quyết liệt trong cuộc đua du lịch vũ trụ có giá trị thị trường tiềm năng khoảng 3 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030.

Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) dự báo du lịch vũ trụ sẽ trở thành một ngành công nghiệp “tỷ đô,” bất chấp thực tế đây là ngành kinh doanh cần đầu tư lượng kinh phí lớn và khá rủi ro, nguy hiểm.

Tuy nhiên cũng có sự khác biệt lớn giữa ranh giới không gian của các chuyến bay.

Trung bình một chuyến đi vào rìa quỹ đạo khoảng 12 phút có giá từ 250.000-500.000 USD.

Trong khi hành trình khứ hồi vào quỹ đạo và du hành vòng quanh Trái Đất trong 3 ngày ở một tầng khí quyển cao hơn có thể lên tới 50 triệu USD cho mỗi ghế hành khách.

Theo Fox News, tính đến nay đã có khoảng 700 người đặt chỗ để có cơ hội bước vào không gian dưới quỹ đạo, trong đó có những nhân vật nổi tiếng như Brad Pitt, Leonardo DiCaprio, Tom Hanks, và hơn 8.000 người đang chờ đợi.

Nhân loại đã mở đầu cho một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên của chuyến bay không gian dưới quỹ đạo tư nhân.

Có thể thấy các tỷ phú giàu nhất hành tinh lại tăng tốc rót tiền không tiếc tay để đẩy nhanh tiến độ cho một cuộc đua mang tên Giấc mơ Vũ trụ.

Tàu du hành SpaceShipTwo của Công ty Virgin Galactic trong quá trình hạ cánh tại Spaceport America, New Mexico, Mỹ, ngày 11/7/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thời gian qua, nhờ những bước tiến mới về khoa học-kỹ thuật của ngành công nghiệp hàng không, du lịch vũ trụ đã thu hút được sự quan tâm và đầu tư lớn từ các công ty tư nhân, vốn đã thể hiện được khả năng tiếp cận không gian, nhất là sau khi được chính phủ “bật đèn xanh” về kinh doanh dịch vụ.

Tuy nhiên đi du lịch không gian không hề đơn giản như việc ra sân bay và check-in.

Các hành khách sẽ phải mất hàng tháng đào tạo để hiểu hệ thống tàu không gian và chuẩn bị các điều kiện thể lực phù hợp.

Nỗi lo về ô nhiễm môi trường

Song song với kỳ vọng mở ra giai đoạn mới cho ngành du lịch vũ trụ, những chuyến bay đưa người du lịch vào không gian cũng mang đến những lo ngại về lượng khí thải từ các con tàu không gian có thể gây ô nhiễm môi trường.

Trước những chuyến bay vào không gian vũ trụ của các tỷ phú thời gian qua, kênh truyền hình CNN, Forbes và các phương tiện truyền thông xã hội đều chỉ trích những chuyến du hành sử dụng rất nhiều nhiên liệu hóa thạch này.

Dù quan chức của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), ông Gavin Schmidt, đã trấn an rằng: “Lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ tên lửa phóng tàu không gian là không đáng kể so với các hoạt động khác của con người, hay so với hàng không thương mại.”

Nhưng thực tế, có thể ở hiện tại, các vụ phóng tên lửa nói chung không thường xuyên diễn ra nên ít gây ô nhiễm, nhưng một khi hoạt động diễn ra thường xuyên hơn, vấn đề sẽ khác.

Điều mà các nhà khoa học lo lắng là khả năng gây hại lâu dài khi ngành công nghiệp này phát triển lớn hơn, đặc biệt là tác động đến tầng ozon.

Những lo ngại của các nhà khoa học chắc chắn là một bài toán mà những tập đoàn hàng không vũ trụ đang theo đuổi giấc mơ đưa con người du lịch trong không gian cần phải giải đáp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục