Ngành du lịch Mỹ kêu gọi sự cứu trợ từ chính phủ do ảnh hưởng của dịch

Ngành công nghiệp “không khói” của Mỹ có khả năng bị mất 1.200 tỷ USD doanh thu vào cuối năm nay và đã mất hơn 4 triệu việc làm kể từ tháng Ba.
(Nguồn: AP)

Ngành du lịch Mỹ, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, mới đây đã yêu cầu Quốc hội Mỹ cấp 10 tỷ USD từ quỹ cứu trợ liên bang để thúc đẩy việc vận hành an toàn, bảo vệ các khoản nợ mới, giảm trừ thuế cho khách du lịch và chính ngành công nghiệp này.

Hiệp hội Du lịch Mỹ, đại diện cho các khách sạn, công ty cho thuê ôtô du lịch, thẻ tín dụng American Express, sân bay và các cơ quan du lịch, cũng muốn khoản hỗ trợ 13 tỷ USD cho các sân bay của Mỹ và khoản giảm trừ thuế được hoàn lại lên tới 50% chi phí du lịch đến hết năm 2022, tương đương tới 3.000 USD/hộ gia đình.

Tori Emerson Barnes, người phụ trách chính sách của hiệp hội trên cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hoạt động của ngành du lịch Mỹ đang trở nên tồi tệ hơn.

[Fed: Hỗ trợ tài chính của chính phủ Mỹ đóng vai trò thiết yếu]

Ngành công nghiệp “không khói” này đang có khả năng bị mất 1.200 tỷ USD doanh thu vào cuối năm nay. Theo ông, ngành du lịch đang phải đối mặt với một môi trường kinh tế tồi tệ hơn gấp 10 lần so với hậu quả của sự kiện 11/9.

Bộ Lao động Mỹ trước đó đã nhận định rằng, ngành du lịch nước này đã mất hơn 4 triệu việc làm kể từ tháng Ba. Hiệp hội Du lịch Mỹ cũng kêu gọi trợ cấp tiền lương và yêu cầu khôi phục khoản khấu trừ chi phí kinh doanh thực phẩm và giải trí để khuyến khích chi tiêu doanh nghiệp.

Đề xuất trên nằm trong số ngày càng nhiều yêu cầu được chính phủ hỗ trợ đối với các ngành liên quan tới hoạt động du lịch.

Các hãng hàng không Mỹ đã được phê duyệt gói cứu trợ trị giá 50 tỷ USD vào tháng 3/2020. Ngày 16/7 vừa qua, đại diện các hãng hàng không lớn của Mỹ (Airlines for America) tuyên bố rằng họ không chủ động xin chính phủ hỗ trợ thêm nhưng sẽ chấp nhận các gói cứu trợ mới nếu không có các điều kiện ràng buộc.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi các nghiệp đoàn của một số hãng hàng không lớn của Mỹ đã kêu gọi chính phủ hỗ trợ 32 tỷ USD để chi trả lương cho nhân viên và “giữ chân” người lao động tới ít nhất ngày 31/3/2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục